![]() |
Thủ tướng lắng nghe các nhà tài trợ. Ảnh Tư Giang |
"Việt Nam đang nổi lên"
Việt Nam đã gia nhập WTO và tôi tin rằng điều này sẽ tốt đẹp với các bạn.
Việt Nam đã đưa ra quyết tâm trở thành nước thu nhập trung bình đến 2010. Từ một quốc gia nghèo đói, Việt Nam trở thành nước thu nhập trung bình là mục tiêu rất tham vọng. Nhưng Việt Nam có cơ sở vì đã thực hiện thành công công cuộc đổi mới trong 20 năm qua.
Mục tiêu cho 2010 không đơn giản là các con số, và Việt Nam cần có những thay đổi khác nữa kể cả tư duy. Làm sao chính phủ phải điều hành nền kinh tế, thực thi bản quyền trí tuệ và mạng lưới giao thông, đường sắt, đường bộ, đường thủy và hàng không một cách hiệu quả trong thời gian tới.
Việt Nam cần thay đổi tư duy về hệ thống sản xuất và phân phối để tham gia vào mạng lưới toàn cầu.
Việt Nam đang đối mặt với 3 thách thức lớn:
Thứ nhất là phải đổi mới thể chế, ví dụ trong lĩnh vực tài chính, ngân hàng khi vào WTO.
Thứ hai là cần thay đổi cơ chế làm chủ. Chính phủ không phải sở hữu các doanh nghiệp không cần thiết, Vấn đề này là rất quan trọng với Việt Nam .
Cuối cùng là vấn đề duy trì bình đẳng và gắn kết xã hội. Việt Nam đang hướng nhanh đến kinh tế thị trường, và trong quá trình này người dân phải được đảm bảo về mặt xã hội.
Việt Nam đang nổi lên và đang đạt những tầm cao mới. Và chúng tôi sẽ cùng với Việt Nam làm những gì có thể.
Đại sứ Australia Bill Tweddell
Thách thức của VN: Phát triển bền vững hậu WTO
Xin được chúc mừng VN đã thành công trong việc tổ chức APEC. Nhưng điều này gây khó khăn cho Australia khi là nước chủ nhà APEC trong năm tới, vì chuẩn Việt Nam quá cao.
Chúng tôi đánh giá cao cam kết của VN trong tiến trình hội nghị CG, đặc biệt là sự có mặt của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cho thấy quyết tâm của VN trong việc tăng cường hội nhập hơn nữa và là động cơ để VN đạt được những thành công và mục tiêu trong kế hoạch 5 năm.
Tiềm năng của VN còn rất lớn. Hoàn toàn đánh giá cao những vấn đề này vì hợp tác kinh tế, hội nhập kinh tế luôn là trụ cột của thành công. Vào WTO, thách thức của VN là thúc đẩy cải cách.
Có 4 ưu tiên quan trọng cho Việt Nam: Phát triển bền vững hậu WTO; quản trị xã hội hiện đại để đảm bảo thành công về kinh tế và thực hiện chiến lược rộng lớn về chống tham nhũng; có chiến lược phát triển tổng hợp bao gồm các lĩnh vực khác nhau; đối phó với bệnh dịch, đặc biệt là HIV/AIDS.
Đại sứ Thuỵ Điển Peter Lyshot Hansen
Quan tâm đến nỗ lực chống tham nhũng
Tham nhũng là trở ngại lớn trong quá trình xoá đói giảm nghèo và phát triển chung của Việt Nam .
Vì vậy, chúng tôi rất vui mừng khi thấy Chính phủ Việt Nam có cam kết mạnh mẽ chống tham nhũng. Những gì Chính phủ Việt Nam đã làm cho đến nay luôn thể hiện rõ cam kết đó.
Chúng tôi đánh giá cao quan điểm của Việt Nam đối với vấn đề này và niềm tin của Việt Nam trong cuộc chiến chống tham nhũng. Điều này có lợi cho Chính phủ Việt Nam và dân chúng.
Việt Nam không thiếu ý chí chính trị để đấu tranh chống tham nhũng mà vấn đề là làm sao để có thể thực hiện được những chính sách và quyết tâm này, phân bổ đầy đủ nguồn lực trong cuộc chiến này.
Chúng tôi muốn nêu lên yêu cầu về củng cố thể chế và làm rõ trách nhiệm của cơ quan chính phủ trong việc đấu tranh chống tham nhũng. Ví dụ như việc thành lập Uỷ ban chống tham nhũng quốc gia, kiểm toán quốc gia và văn phòng chính phủ. Chúng tôi nghĩ việc phân công rõ ràng nhiệm vụ của các cơ quan này là rất quan trọng.
Điều phối viên Liên Hợp Quốc John Hendra
VN cần nâng cao hiệu quả viện trợ
Việt Nam đang thay đổi, ODA cũng phải thay đổi theo. Cách đây không lâu, ODA được đặt ở vị trí trung tâm trong các quan hệ kinh tế quốc tế của VN. Tuy vẫn giữ vị trí quan trọng, song hỗ trợ phát triển giờ đây nằm trong diễn dàn chung với nhiều mối quan hệ kinh tế từ việc tham gia các nhóm đa phương và thương mại khu vực đến đầu tư nước ngoài trực tiếp và gián tiếp và các mối quan hệ đối tác giữa nhà nước và tư nhân.
Chính phủ và các nhà tài trợ giờ đây quan tâm nhiều hơn đến lợi thế so sánh của nguồn vốn ODA cũng như cần lựa chọn kỹ hơn các chương trình, dự án ODA.
Chúng ta cần nâng cao hiệu quả viện trợ, kể cả việc giảm thiểu các chi phí hành chính trong quá trình thực hiện các chương trình, dự án ODA.
Chính phủ và nhà tài trợ cần tăng cường đánh giá tác động của viện trợ phát triển và huy động sự tham gia của các đối tượng thụ hưởng trong việc lựa chọn, lập kế hoạch, thực hiện, đánh giá các chương trình, dự án ODA.
Theo tôi, VN cần đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng, tăng cường sự tiếp cận phúc lợi của nhóm người nghèo nhất VN, tăng cường tính giải trình của việc sử dụng các tài nguyên môi trường, tài nguyên Việt Nam ... Minh bạch hoá và khả năng giải trình là 2 yếu tố quan trọng nhất trong việc sử dụng hiệu quả ODA. Chính phủ Việt Nam và các nhà tài trợ đang nghiên cứu các phương thức mới, phân tích và đơn giản hoá quy trình, thủ tục ODA.
Nhìn chung, quy trình của cả hai bên vẫn còn rườm rà và kết quả tiến độ giải ngân còn chậm khá nhiều so với cam kết. Suy cho cùng, liệu việc đóng góp ODA cho VN mang tính tích cực và thực chất, hay mang tính phức hợp và không lâu bền, điều đó được quyết định bởi trách nhiệm giải trình và tính minh bạch của chính phủ cũng như các nhà tài trợ.
LHQ tại VN đề nghị các nhà tài trợ thiết lập cơ chế cấp kinh phí và quản lý, điều hành thực hiện để đảm bảo cho công tác đánh giá toàn diện và độc lập về tác động của ODA tại VN được tiến hành thường xuyên.
Sự thay đổi về kinh tế cũng kèm theo rủi ro. VN cần quản lý hết sức thận trọng quá trình phát triển hệ thống tài chính nhằm đảm bảo nền kinh tế có thể huy động các nguồn vốn đầu tư, đồng thời bảo vệ người dân tránh khỏi những rủi ro thường đi kèm với các hoạt động ngân hàng hiện đại và thị trường vốn.
Giám đốc ADB tại Ayumi Konishi
Nỗ lực của VN chưa đầy đủ
Việt Nam cần đầu tư lớn để đảm bảo tăng trưởng cao. Nhiều yếu tố còn chưa được cải thiện, các chỉ số phát triển thậm chí còn giảm.
Nếu Việt Nam muốn đạt được tính bền vững của nền kinh tế thì cần phải cải thiện các yếu tố như nâng cao cơ sở hạ tầng, cải cách khu vực DNNN, thực hiện chương trình cải cách doanh nghiệp.
VN hiện đang thiếu hụt nguồn nhân lực có trình độ. Để triển khai thực hiện giải ngân các nguồn ODA, VN còn cần làm nhiều việc.
Có một sự cạnh tranh trong việc nâng cao hiệu quả về đầu tư giữa các nhà tài trợ. Theo cam kết đánh giá về tính cạnh tranh đầu tư, chúng ta còn làm nhiều việc như tăng cường khu vực xuất khẩu.
Tôi đánh giá cao tiến bộ của VN trong thời gian qua, nhưng có thể thấy những nỗ lực này chưa được đầy đủ.
Theo cam kết ODA, ADB sẵn sàng nâng cao mức hỗ trợ, nhưng chúng tôi hết sức quan tâm đến việc nâng cao năng lực.
Trong một hội thảo về quản lý vốn tuần trước, ADB đã nêu rõ tỉ lệ giải ngân ngày càng giảm sút và chậm. Tại cuộc họp CG giữa kỳ, chúng tôi mong muốn chính quyền trung ương trao quyền nhiều hơn cho địa phương để làm cho việc cải cách hành chính công hiệu quả hơn.
Nếu đạt được mục tiêu này sẽ dỡ bỏ nhiều trở ngại trong việc tăng cường đầu tư vào Việt Nam, đưa Việt Nam trở thành nước có thu nhập trung bình và tiến tới trở thành một nước công nghiệp.
Tư Hoàng