Vietcombank sẽ IPO tháng 12-2007: “Cuộc chiến” về giá

Giá khởi điểm: 100.000 đồng/cổ phiếu

Ngay sau khi Phó Thủ tướng Thường trực Nguyễn Sinh Hùng có ý kiến về thay đổi phương thức cổ phần hóa VCB, lãnh đạo VCB đã công bố sẵn sàng cho đợt IPO trong nước. Bà Nguyễn Thu Hà, Phó Tổng giám đốc VCB khẳng định: “Đến nay chúng tôi đã sẵn sàng. Những gì VCB phải làm chúng tôi đã làm xong”.

Theo nguồn tin của ĐTTC, giá khởi điểm để đấu giá cổ phiếu VCB đã được phê duyệt có thể ở mức 100.000 đồng/cổ phiếu. Mức giá này hoàn toàn có lý, là khá mềm nếu so với cổ phiếu các ngân hàng khác.

Trong quyết định phê duyệt đề án cổ phần hóa VCB, Chính phủ đồng ý giá trị phần vốn góp của Nhà nước vào ngân hàng là 11.127 tỷ đồng, đúng bằng giá trị sổ sách đã được kiểm toán bởi Công ty Ernst & Young năm 2006. Vốn điều lệ của VCB đến ngày 31-12-2006 là 4.356 tỷ đồng, phần còn lại là các quỹ dự trữ, vốn khác, chênh lệch tỷ giá do chuyển đổi báo cáo tài chính, lợi nhuận để lại, quỹ đánh giá lại tài sản.

Đáng chú ý nhất là sự gia tăng nhanh chóng các quỹ dự trữ của VCB trong vòng một năm, từ 2.728 tỷ đồng cuối năm 2005 đã tăng lên 5.227 tỷ đồng vào cuối năm ngoái. Chính các quỹ dự trữ này cho thấy nội lực của VCB trong xử lý rủi ro, đặc biệt trong tín dụng và tỷ giá, một khi có “trục trặc” như nợ khó đòi.

Xét về hiệu quả kinh doanh, VCB đang là một trong những ngân hàng tốt nhất Việt Nam. Năm 2005, lợi nhuận trước thuế của ngân hàng chỉ có 1.760 tỷ đồng (lợi nhuận sau thuế 1.292 tỷ đồng); nhưng năm sau đó đã tăng gấp hơn hai lần, lên 3.893 tỷ đồng (2.877 tỷ đồng); sáu tháng đầu năm 2007 khoảng 1.400 tỷ đồng. Đây thuần túy là lợi nhuận từ kinh doanh tiền tệ, khác hẳn với phần đông các ngân hàng cổ phần là lợi nhuận từ kinh doanh chứng khoán chiếm tỷ lệ 25-30% trong tổng lợi nhuận.

Với những lợi thế này, đương nhiên cổ phiếu VCB có phần áp đảo so với các ngân hàng khác tại Việt Nam. Tổng Giám đốc VCB Nguyễn Phước Thanh, dù mới tiếp nhận trách nhiệm nhưng cũng không dấu diếm: “Mức giá mà đối tác chiến lược nước ngoài chào VCB dù chưa được như ý muốn, nhưng vẫn là mức cao hơn bất cứ cổ phiếu ngân hàng nào tại Việt Nam đã từng bán cổ phần cho đối tác nước ngoài”.

Giá sau IPO: Không thấp hơn giá khởi điểm

Theo đánh giá của một số chuyên gia chứng khoán, nếu giá đấu thành công 120.000 đồng/cổ phiếu thì đợt IPO của VCB sẽ là một yếu tố nâng đỡ thị trường rất tốt. Tuy nhiên, với sự quan tâm đặc biệt của giới đầu tư hiện nay, khả năng giá cổ phiếu VCB sau đấu giá sẽ lên tới 150.000 – 160.000 đồng/cổ phiếu vẫn có thể xảy ra. Nhất là khi trong đợt IPO này chỉ có 6,5% trong tổng số 15.000 tỷ đồng vốn điều lệ (sau cổ phần hóa) của VCB được bán ra.

Ở một góc độ khác, một chuyên gia tài chính cho rằng, mức giá khởi điểm 100.000 đồng/cổ phiếu là quá cao so với kỳ vọng của giới đầu tư, nhất là các quỹ đầu tư, vốn có phân tích rất kỹ trước khi tham gia đấu giá.

Cách đây ít lâu, đã có nhiều đồn đoán rằng mức giá khởi điểm chỉ ở mức 80.000 đồng/cổ phiếu. Vụ trưởng Vụ Chiến lược Ngân hàng Nhà nước, ông Lê Xuân Nghĩa cho rằng, rất khó dự đoán giá IPO của VCB, nhưng chắc chắn mức giá này sẽ cao hơn giá của Bảo Việt - một doanh nghiệp lớn và cũng tiến hành IPO giống cách mà VCB sắp tiến hành. 

Ngay sau khi lộ trình IPO của VCB được Chính phủ xác định chắc chắn, các quỹ đầu tư đã chuẩn bị sẵn sàng tiền mặt để tham gia cuộc đấu giá được xem là lớn nhất từ trước đến nay. Ở thời điểm này, các quỹ đầu tư cũng đã chuẩn bị thông tin, tài liệu về VCB để nghiên cứu trước khi đưa ra mức giá trong cuộc đấu giá. 

Bà Nguyễn Thu Hà, Phó Tổng Giám đốc VCB cũng từng bác bỏ các tin đồn về giá mà dư luận đưa ra ở mức 150.000 – 160.000 đồng/cổ phiếu. Bà Hà phát biểu thận trọng: IPO VCB đang được các nhà đầu tư săn đón, mong chờ. “Nhưng dù sao việc IPO của VCB cũng không thể làm thay đổi giá của mặt bằng chung toàn thị trường; mà chỉ có thể tác động nhất định đến giá cổ phiếu của ngành ngân hàng” - bà Hà nhận định.

Nhà đầu tư nước ngoài: Vào cuộc sớm?

Tiến trình cổ phần hóa VCB theo kiểu mới (chọn đối tác chiến lược nước ngoài trước, IPO sau) thất bại cũng có nguyên nhân từ giá. “Việc đàm phán chọn đối tác chiến lược nước ngoài không đạt được kỳ vọng của VCB và Chính phủ, nhất là giá. Chính phủ thấy rằng nên thận trọng và cân đối lợi ích giữa các bên, nhất là lợi ích của các nhà đầu tư nhỏ lẻ” - bà Nguyễn Thu Hà giải thích về việc tiến trình cổ phần hóa VCB “đổi chiều”, quay lại thực hiện theo Nghị định 109. Và theo quy trình này, điều đáng chú ý là nhà đầu tư nước ngoài cũng được tham gia đấu giá khi VCB tiến hành IPO.

Ông Nguyễn Phước Thanh, Tổng Giám đốc VCB giải thích: “IPO lần này chỉ bán 6,5%, nên dù các nhà đầu tư nước ngoài có mua hết, cộng với 20% bán cho đối tác chiến lược nước ngoài thì cũng chưa hết room cho phép”. Theo lãnh đạo VCB, với cách làm trước đây, chọn nhà đầu tư chiến lược nước ngoài rồi IPO thì mới hạn chế nhà đầu tư nước ngoài, nhưng nay IPO trước thì việc cho phép các nhà đầu tư nước ngoài tham gia là hợp lý.

Tuy nhiên, việc cho phép các nhà đầu tư nước ngoài tham gia đấu giá lại phát sinh thêm vấn đề về giá sau IPO. Một số chuyên gia cho rằng có khả năng các nhà đầu tư nước ngoài vì tranh mua sẽ bỏ giá rất cao, đẩy giá đấu thành công bình quân tăng mạnh. Nhưng có ý kiến lại phân tích: giá IPO sẽ là cơ sở để VCB thương thảo với đối tác chiến lược nước ngoài. 

Giới đầu tư cho rằng tỷ lệ mua của nhà đầu tư trong nước chiếm phần lớn, điều này có nghĩa giá của VCB sẽ do chính các nhà đầu tư “nội” quyết định. Tuy nhiên, cũng không loại trừ khả năng, để “dìm” giá, nhà đầu tư nước ngoài sẽ bỏ giá cực thấp để kéo giá đấu thành công bình quân xuống. 

Tính trước vấn đề này, ông Nguyễn Phước Thanh cho hay, tỷ lệ nhà đầu tư nước ngoài tham gia trong đợt IPO sẽ có khống chế: “Tuy nhiên, tỷ lệ như thế nào xin đợi đến khi chính thức có quyết định IPO, chúng tôi sẽ công bố”.

Một vấn đề khác được đặt ra nếu mức giá đấu thành công trong đợt IPO tới đây quá cao, có thể các đối tác chiến lược nước ngoài hiện nay sẽ bỏ cuộc. Lãnh đạo VCB cho biết, chuyện này có thể xảy ra. Do vậy, việc đàm phán chọn nhà đầu tư chiến lược đang tạm dừng và VCB cũng chưa có đàm phán cụ thể tiếp theo với các đối tác. Tất cả đều mong chờ kết quả IPO của VCB!

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây