Vietcombank sẽ thấp hơn Eximbank?

Sumitomo không biết lựa chọn?

Nếu không có gì thay đổi, trong tháng 11 này, lãnh đạo Ngân hàng TMCP Xuất nhập khẩu Việt Nam (Eximbank) sẽ ký hợp đồng chính thức bán 15% vốn điều lệ cho Sumitomo Mitsui Banking Corporation (SMBC - một ngân hàng lớn của Nhật Bản, có tổng tài sản đến hết tháng 3-2007 là 824 tỉ USD). Mức vốn điều lệ của Eximbank để tính phần trăm bán cho SMBC là 3.733 tỉ đồng, trong đó bán cho SMBC xấp xỉ 560 tỉ đồng vốn, trị giá 225 triệu USD. Tạm tính tỉ giá “bèo” là 16.000 đồng/USD, thì bấy nhiêu ngoại tệ thu được sẽ tương đương 3.600 tỉ đồng. Đem số tiền này chia cho số vốn cổ phần bán thì giá mỗi cổ phiếu xấp xỉ là 64.285 đồng (tức cao gấp 6,42 lần so với mệnh giá 10.000 đồng/cổ phiếu). Tất nhiên, toàn bộ thặng dư này mọi cổ đông của ngân hàng được hưởng hết. Riêng SMBC từ sau năm 2010 nếu muốn nắm tỉ trọng 15%/vốn điều lệ thì phải mua thêm cổ phiếu theo giá thị trường, còn trong các đợt tăng vốn đối tác này không được hưởng quyền mua cổ phiếu phát hành thêm với giá rẻ (kể cả cổ phiếu thưởng, cổ tức bằng cổ phiếu...) như những cổ đông bình thường khác. Như vậy, phải chăng SMBC đã không biết lựa chọn cổ phiếu để mua?

Hệ số sinh lời của VCB khá thấp

Theo một số chuyên gia, giá VCB bán cho đối tác chiến lược nước ngoài chỉ vào khoảng 5 - 6 chấm (tức cao hơn 5 - 6 lần so với mệnh giá) là vừa. Điều đó có nghĩa là giá cổ phiếu Vietcombank thấp hơn Eximbank?

Có một điều khác biệt lớn giữa hai ngân hàng là toàn bộ thặng dư của Eximbank bán cho nước ngoài (cũng như trong nước) đều thuộc sở hữu của mọi cổ đông, còn với VCB do cổ phần hóa một doanh nghiệp Nhà nước nên nguồn thặng dư này hiện tùy thuộc vào quyết định của Chính phủ. Nếu thặng dư để lại toàn bộ cho cổ đông thì giá sẽ cao, nếu Chính phủ điều tiết, giá sẽ thấp hơn. Đó là chưa nói đến những điều khoản trợ giúp qua lại của đối tác theo kiểu tiền nào của đó. Ngoài ra, cũng có một điều lưu ý nữa là những cán bộ (phía VN) được cử đàm phán với nước ngoài có đủ kiến thức, kinh nghiệm đấu trí với các chuyên gia tài chính hàng đầu thế giới hay không. Nhiều khi vì tâm lý chuộng ngoại, lệ thuộc quá nhiều vào đối tác ngoại cũng dễ làm nhụt chí nhà đàm phán, dẫn đến chấp nhận bán rẻ tài sản quốc gia...

Theo giá trị sổ sách thì sau khi nâng vốn điều lệ lên 3.733 tỉ đồng, vào cuối năm nay vốn chủ sở hữu của Eximbank lên đến 13.000 tỉ đồng. Còn VCB cho đến hết tháng 9-2007 có vốn và các quỹ là 11.724 tỉ đồng (trong đó mục gọi là vốn điều lệ chỉ có 4.402 tỉ đồng). Theo phương án được Chính phủ phê duyệt thì khi bán cho nước ngoài, VCB tính vốn điều lệ (mới) là 15.000 tỉ đồng. Sau khi bán cho đối tác xong, vốn chủ sở hữu của VCB sẽ là bao nhiêu, điều đó hiện chưa ai biết được. Ngoài kinh doanh nghiệp vụ bình thường, hiện VCB còn khoản đầu tư tài chính khá lớn vào nhiều ngân hàng cổ phần như: Eximbank, Phương Đông, Quân Đội, Gia Định... và nhiều doanh nghiệp khác...

Với các nhà đầu tư trong nước, hầu hết đều cho rằng thương hiệu VCB hiện lớn hơn Eximbank. Tuy nhiên, khi định giá cổ phiếu, các chuyên gia căn cứ vào nhiều tiêu chí, trong đó yếu tố cơ bản là hệ số sinh lời hằng năm. So với các doanh nghiệp khác, tỉ lệ lợi nhuận trên vốn điều lệ (mới) của VCB là thấp. Năm 2006, VCB đạt lợi nhuận sau thuế là 2.877 tỉ đồng, còn 9 tháng đầu năm nay là 1.546 tỉ đồng (chủ yếu nhờ thu nhập thuần từ hoạt động nghiệp vụ của ngân hàng). Ông Nguyễn Minh, một nhà đầu tư tại sàn Công ty Chứng khoán Sài Gòn, nói: “Mức lợi nhuận đó khi chia cho vốn điều lệ (15.000 tỉ đồng) thì hệ số thu nhập khá thấp. Năm ngoái chỉ ở mức hơn 19%, còn 9 tháng năm nay hơn 10%. Do đó, giá VCB bán cho đối tác nước ngoài rất có thể thấp hơn giá Eximbank bán cho Sumitomo”.

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây