Vietcombank trả bao nhiêu cho vừa?

Điều mà các nhà đầu tư quan tâm nhất trong thời điểm này là sẽ bỏ giá bao nhiêu cho Vietcombank, cao quá thì hối tiếc vì mua đắt, thấp lại mất cơ hội sở hữu CP tên tuổi trong danh mục đầu tư của mình.

Một số chuyên gia phân tích tại các CTCK đã đưa ra nhận định, giá CP VCB sẽ dao động trong 150.000-170.000 đồng. Vậy liệu những lời tiên đoán như vậy có cơ sở? Để trả lời câu hỏi này có thể nhìn nhận hai yếu tố tác động lớn đến giá VCB, thứ nhất là những thông tin về tình hình hoạt động của bản thân ngân hàng, kế hoạch tăng trưởng lợi nhuận sau CPH; thứ hai là yếu tố ngoại vi, tức là diễn biến thị trường và tâm lý NĐT khi tham gia cuộc “thử lửa” tầm cỡ nhất từ trước tới nay.

Sức hấp dẫn VCB

Theo những thông tin từ Vietcombank, năm nay lợi nhuận sau thuế của ngân hàng ước chừng 1.800 tỉ đồng, vốn điều lệ mới sẽ là 15.000 tỉ đồng, với giá 100.000 đồng/CP, thì P/E khoảng 60. So với chỉ số P/E của hai ngân hàng (ACB và STB) đang niêm yết trên sàn và của các NH khác trên thị trường OTC nói chung, P/E của Vietcombank cao gấp hai lần. Tuy nhiên, có thể nhìn nhận nhiều yếu tố tạo ra sức hấp dẫn của VCB. Như lời ông Nguyễn Hoà Bình, Chủ tịch HĐQT VCB công bố tại buổi họp báo thì năm 2006 VCB trích quỹ dự phòng rủi ro có 170 tỷ đồng, năm 2007 lên tới 1.100 tỷ. Bỏ qua những lý do NH phải trích lập quỹ dự phòng, có thể thấy khoản lợi nhuận NH này làm ra không hề nhỏ, ước chừng 3.500 tỷ đồng, chứ không phải 2.500 tỷ đồng nữa. Cũng theo ông Bình, phương án chia số tiền thặng dư từ đợt IPO này khá rõ, cụ thể Nhà nước hưởng 70%, VCB giữ lại 30% (theo quy định tại Nghị định 109) và số tiền này giữ lại sẽ được VCB sử dụng để đầu tư vào các định chế tài chính, các dự án lớn, trong trường hợp ngân hàng này có dự án phương án sử dụng tốt, Chính phủ có thể xem xét cho tăng tỷ lệ thặng dư thay vì 30% như quy định.

Giả định giá trúng thầu bình quân của VCB là 150.000 đồng/CP thì khoản thặng dư cho cả đợt CPH này lên tới gần 2 tỷ USD, 30% trong số đó là khoản tiền không nhỏ dành cho các cổ đông.

Nếu nhìn vào kế hoạch lợi nhuận sau CPH của VCB có thể thấy mục tiêu NH này đặt ra còn khá khiêm tốn, chẳng hạn lợi nhuận năm 2008 là 2.500 tỷ đồng. Tuy nhiên, giới chuyên gia cho rằng, với những cơ chế thoáng, quản trị linh hoạt sau CPH, sức VCB có thể dễ dàng vươn tới con số lợi nhuận gấp đôi. Chưa kể giới chuyên môn đồn thổi, bản thân VCB không muốn CP của mình quá đẹp nên có thể có những khoản lợi nhuận được hạch toán vào những năm sau hay một số khoản đầu tư lẽ ra được tất toán sớm, nhưng lại chuyển sang đầu tư tài chính dài hạn (chưa đưa vào giá trị DN)... Đó là chưa kể yếu tố thương hiệu chưa được đề cập đến trong bản công bố thông tin.

Ảnh hưởng ngoại vi

Nếu như nhìn vào những giá trị nội tại có thể thấy VCB xứng đáng là CP tốt, có thể đầu tư dài hạn và trả giá khá cao để sở hữu, thì xét các yếu tố “thiên thời” dường như không mấy thuận lợi.

Thông tin IPO VCB được tung ra song thị trường dường như không có phản ứng tích cực, VN-Index lừng khừng 970 điểm, HAST-Index giảm nhẹ 3 phiên liên tiếp. Quan sát thị trường những ngày gần đây có thể thấy, cùng với khối lượng giao dịch toàn thị trường giảm thì khối lượng giao dịch của các NĐT nước ngoài cũng giảm hẳn. Việc giảm khối lượng giao dịch nhằm tránh làm thị trường chính thức nóng lên, đẩy giá của Vietcombank tăng cao. Bằng việc này, họ có thể tác động gián tiếp đến tâm lý các NĐT khi tham gia đấu giá VCB. Ông Phạm Minh Phương, phó tổng giám đốc CTCK TP HCM (HSC) cho rằng, từ nay đến khi đấu giá VCB, thị trường còn lình xình như vậy và các động thái nhằm điều chỉnh giá chứng khoán ở mức ảm đạm đã được thực hiện cả tháng nay.

Một lý do nữa tác động không nhỏ tới đợt IPO của VCB là trong bối cảnh hiện nay, các NĐT hầu như không thể thực hiện vay vốn cho việc đầu tư này (do NH đã hết hạn mức cho vay đầu tư chứng khoán), trong khi đó mức khởi điểm 100.000 đồng/CP có thể khiến những NĐT đầu cơ suất trúng giá chùn tay bởi nếu không có khả năng bán lại khoản tiền cọc “hy sinh” không hề nhỏ. Những yếu tố trên có thể làm hạn chế khối lượng đăng ký của NĐT.

Thị trường cũng đã có những bài học thử phản ứng của NĐT với các đợt IPO. Tác động tâm lý, diễn biến thị trường rõ ràng có tác động rất lớn, không muốn nói là chủ đạo tới kết quả đấu giá CP. Trường hợp của PVFC là một ví dụ, nếu hỏi một NĐT nào đó hiện đang sở hữu CP này, dám chắc họ trả lời giá bình quân xấp xỉ 70.000 đồng mà CP này đạt được cũng nhờ một phần thị trường thời điểm đó đang “dạt dào màu xanh hy vọng”.

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây