Vụ Ngân hàng Phát triển dừng giải ngân ở Thanh Hóa: DN bên bờ vực thẳm

 
Ngân hàng và DN cần ngồi lại với nhau, không cần thiết phải lôi nhau ra tòa án như vậy, không chỉ làm ảnh hưởng thương hiệu của các bên mà hình ảnh của địa phương cũng bị ảnh hưởng xấu. 

Ngày 29.10, TAND tỉnh Thanh Hóa tại phiên tòa phúc thẩm xét xử vụ án kinh doanh thương mại giữa Ngân hàng phát triển Việt Nam (VDB) và Cty Tây Đô đã tuyên án sau 8 ngày xét xử. HĐXX tuyên bác đơn phản tố của Cty Tây Đô. Luật sư Phạm Cương - người bảo vệ quyền lợi cho Cty Tây Đô - đánh giá: “HĐXX làm việc chưa công tâm. Cty Tây Đô sẽ kháng nghị bản án lên giám đốc thẩm”.

Thảm cảnh trường tư thục

Theo kế hoạch thì quý I/2010 VDB đã chấp thuận hồ sơ giải ngân với tổng giá trị khối lượng công trình của Cty Tây Đô (Cty TĐ) là gần 140 tỉ đồng. Do đó VDB đồng ý cho Cty TĐ rút vốn với số tiền 30 tỉ đồng; trong đó có 19,6 tỉ đồng thuộc hợp đồng số 12/2008, 10,4 tỉ đồng thuộc hợp đồng kế tiếp số 130/2009. Đến ngày 4.2.2010, VDB giải ngân được 22,6 tỉ đồng, còn lại 7,4 tỉ đồng nằm trong kế hoạch đã được VDB chấp thuận, nhưng cũng chính từ đây VDB “đóng cửa” đối với Cty TĐ.

“Vấn đề mấu chốt này chính là hệ lụy dẫn đến việc xảy ra những tình tiết tiếp theo. Thế nhưng, HĐXX không xem xét một cách công tâm mà lại tập trung bắt bẻ các tình tiết phụ của phía VDB đưa ra khiến Cty TĐ cũng như chính bản thân tôi mất niềm tin vào sự công minh của pháp luật trong vụ việc cụ thể này” - LS Phạm Cương nói.

Cũng theo LS này, nếu như Cty TĐ không làm hồ sơ giải ngân tại sao VDB lại không hướng dẫn, yêu cầu chủ đầu tư thực hiện! Chỉ vì cái thủ tục hành chính rất nhỏ mà đã làm cho cả một công trình xã hội hóa giáo dục ngừng trệ, khiến doanh nghiệp Tây Đô rơi vào thảm cảnh như ngày hôm nay quả là điều vô cùng đau xót.

Cần có cái tâm để giải quyết vụ việc


Liên quan đến vụ kiện này, ông Nguyễn Văn Đệ - Chủ tịch Hiệp hội DN tỉnh Thanh Hóa - cho biết: “Hiện tỉnh có trên 8 nghìn DN, nên việc vay vốn, giải ngân đôi lúc còn khó khăn. Trong vụ việc của Cty TĐ, hậu quả đang diễn ra rất nghiêm trọng, một công trình phục vụ cho sự nghiệp trồng người đang đứng trước nguy cơ bị đổ vỡ. Trách nhiệm của người được VDB giao nhiệm vụ đứng đầu chi nhánh VDB tại Thanh Hóa là chưa có cái tâm để cùng vào cuộc với DN tháo gỡ khó khăn. Ngân hàng Phát triển đừng nên quá cứng nhắc, bởi mối quan hệ giữa ngân hàng và DN là cùng nhắm đến mục tiêu phát triển”.

Nói về giải pháp để cứu vãn dự án trường Thanh Hoa, ông Đệ cho rằng, ngân hàng và DN cần ngồi lại với nhau, không cần thiết phải lôi nhau ra tòa án như vậy, không chỉ làm ảnh hưởng thương hiệu của các bên mà hình ảnh của địa phương cũng bị ảnh hưởng xấu.

Trả lời PV Lao Động về trách nhiệm của Hiệp hội DN tỉnh trong vụ “bê bối” này, ông Đệ nói: “Những ngày cuối tháng 10 này, UBND tỉnh đã lập ra quỹ bảo lãnh tín dụng cho DN nhỏ và vừa tỉnh Thanh Hóa. Khởi đầu, quỹ có 100 tỉ đồng nhằm giúp các DN không đủ tài sản thế chấp vay vốn ngân hàng, nhưng phải có dự án, có đơn đề nghị gửi đến hội đồng quản lý quỹ sẽ được xem xét bảo lãnh để vay tiền đầu tư vào lĩnh vực kinh doanh của mình. Trường hợp ở Cty Tây Đô đang rơi vào hoàn cảnh khó khăn nên cũng có thể làm đơn gửi đến hội đồng quản lý quỹ để hội đồng cân nhắc về tính hiệu quả của dự án cũng như mục tiêu tốt đẹp trong việc thực hiện xã hội hóa giáo dục để có biện pháp hỗ trợ”.

Tại phiên sơ thẩm diễn ra vào trung tuần tháng 4.2013, TAND TP.Thanh Hóa đã tuyên phía Ngân hàng Phát triển - Chi nhánh Thanh Hóa phải bồi thường 26 tỉ đồng cho Cty Tây Đô vì lỗi vi phạm hợp đồng tín dụng số 130/2009 trong dự án vay vốn thương mại xây dựng trường TH - THCS Thanh Hoa, nhưng cả nguyên đơn VDB và bị đơn Cty Tây Đô đều kháng cáo.

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây