Xăng giảm giá mà giá nhiều mặt hàng vẫn không giảm

Người tiêu dùng phải mua thịt heo giá cao nhưng nông dân cũng chẳng được hưởng lợi. (Ảnh minh họa: M.Phương)

 

>> Giá xăng giảm 1.000 đồng một lít từ trưa nay

 

Ngày 8-11, giá xăng A92 chỉ còn 14.000 đồng/lít. Đây là lần thứ bảy giá xăng dầu trong nước được điều chỉnh với tổng mức giảm tương đương trên 30%. Tuy nhiên, một số mặt hàng đã từng “té nước theo mưa” khi xăng tăng thì đến nay lại... đứng ngoài cuộc.

Tăng thì “nhiệt tình”

Trước đây, cứ mỗi lần giá xăng tăng thì nhà nước đều lo ngại giá cả nhiều mặt hàng tăng theo. Và đây cũng chính là lý do khiến cho xăng dầu trở thành một mặt hàng cần có sự kiểm soát về giá và được bình ổn.

Điển hình như ngay từ hồi tháng 2, sau khi giá xăng trong nước chỉ tăng thêm 1.500 đồng/lít thì giá các mặt hàng thực phẩm đã tăng tương đương cũng thêm 1.000 đến 2.000 đồng. Không chỉ tại chợ, các siêu thị cũng liên tiếp nhận được hàng trăm thông báo tăng giá từ nhà cung cấp, đặc biệt là các mặt hàng thực phẩm chế biến tăng thêm 10%-15%. Một số mặt hàng trong nhóm đồ dùng như điện gia dụng, inox, ly... cũng tăng 5%-15%.

Nguyên cớ tăng giá thì hầu hết nhà cung cấp đều cho rằng xăng tăng giá, ảnh hưởng đến chi phí đầu vào và chi phí vận chuyển.

Tuy nhiên, điểm lại trong vòng gần bốn tháng trở lại đây (kể từ 21-7), giá xăng dầu đã có bảy lần giảm giá với tổng mức giảm lên tới 5.000 đồng/lít thì các nhà cung cấp lại có vẻ như đang phớt lờ và không hề nhắc đến những ảnh hưởng gián tiếp của giá xăng lên ngành hàng của mình nữa. Đến thời điểm này, xăng lại được xác định là chỉ tác động rất nhỏ đến chi phí giá thành.

Từ đây, giá cước vận tải, thực phẩm chế biến, thực phẩm tươi sống, rau, củ, quả... và nhiều ngành hàng khác vẫn còn cao ngất ngưởng.

Ngành chăn nuôi điêu đứng

Ông Phạm Văn Minh, Giám đốc Công ty TNHH Phú An Sinh, nhà cung cấp thực phẩm chế biến cho các siêu thị và chợ lẻ, bức xúc nói: Khi giá xăng dầu tăng thì giá nguyên liệu cho ngành chăn nuôi, các chi phí vận chuyển, mức trả cho công nhân cũng phải tăng theo. Tất cả chi phí này đội lên đã làm cho giá thành để sản xuất ra sản phẩm ngành chăn nuôi quá cao.

“Điều khó hiểu là khi giá xăng dầu giảm thì ngành vận tải vốn phải là đơn vị trực tiếp bị tác động bởi giá xăng nhưng cũng không có hướng giảm giá rõ ràng khi vận chuyển cho ngành chăn nuôi. Ví dụ như một chiếc xe container trong thời giá xăng dầu lên thì họ đã báo tăng giá vận chuyển với chúng tôi nhưng khi giá xăng giảm dù là nhỏ giọt thì họ lại chưa có động thái giảm giá nào” - ông Minh nói.

Đến tháng 9, giá thức ăn chăn nuôi đã tăng thêm 50%-60% so với năm 2007. Nhưng sau này, giá nguyên vật liệu cũng như chi phí vận chuyển đã giảm 30%-40% thì các nhà cung cấp thức ăn chăn nuôi cũng chỉ giảm nhỏ giọt 5%-6%. Các nhà cung cấp viện cớ do hàng tồn kho nhập với giá cao còn quá nhiều.

Từ những hệ lụy này, ngành chăn nuôi hiện nay vẫn phải gánh nặng hai chiều: giá đến tay người tiêu dùng cao mà nông dân thì không được hưởng lợi. Như vậy, đối tượng phải gánh chịu thiệt thòi lớn nhất vẫn thuộc về nông dân sản xuất và người tiêu dùng.

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây