Thổ Nhĩ Kỳ là nước bị ảnh hưởng nhiều nhất.
Rủi ro dòng vốn chảy vào đột ngột khựng lại giờ đây là nỗi lo lớn nhất của các nền kinh tế mới nổi. Một số nước hiện đang ở trong trạng thái dễ bị tổn thương hơn so với các quốc gia khác. Thâm hụt cán cân vãng lai lớn đồng nghĩa với món nợ nước ngoài khổng lồ và điều này sẽ dẫn đến tình trạng căng thẳng tín dụng nếu nguồn vốn bốc hơi.
Trong khi đó, tỷ lệ nợ nước ngoài ngắn hạn so với dự trữ ngoại hối ở mức cao đồng nghĩa với tình trạng nền kinh tế thiếu hụt phương tiện để giúp người đi vay chống chọi với các khó khăn. Tăng trưởng tín dụng quá nhanh thường là dấu hiệu báo hiệu các doanh nghiệp đang căng ra và tài sản đang bị định giá ở mức cao hơn so với giá trị thực. Một hệ thống tài chính mở có thể giúp thúc đẩy tăng trưởng trong dài hạn nhưng cũng khiến dòng vốn dễ bốc hơi.
Tờ Economist đã tổng hợp 4 nhân tố trên (cán cân vãng lai, nợ nước ngoài, tăng trưởng tín dụng và độ mở của hệ thống tài chính) để tạo nên một chỉ số đo lường mức độ bị tổn thương trước tình trạng dòng vốn bị đóng băng của 26 nền kinh tế mới nổi.
Mức độ dễ tổn thương của các nền kinh tế mới nổi trước hiện tượng dòng vốn bốc hơi
(Nước chịu nhiều rủi ro nhất có số điểm 20)
Các màu sắc cơ bản của hệ thống đèn hiệu giao thông được sử dụng để phân nhóm các nước: màu xanh lá cây là các nước có nguồn dự trữ lớn và ít bị tổn thương trước cú sốc đột ngột. Trung Quốc là ví dụ điển hình trong trường hợp này với cán cân vãng lai thặng dư, nguồn dự trữ ngoại hối dồi dào và cán cân vốn khép chặt. Điều này có nghĩa là dù sao đi nữa, Trung Quốc có ít khả năng phải đối mặt với việc dòng vốn bị rút ra đột ngột và thị trường bị hoảng loạn.
Hầu hết các nền kinh tế mới nổi nằm trong vùng màu vàng. Ấn Độ và Indonesia đang bắt đầu cảm nhận được áp lực. Các nước khác (như Mexico) đang thích ứng khá tốt: đồng peso của Mexico chỉ biến động nhẹ trong năm vừa qua. Tuy nhiên, tăng trưởng tín dụng và nền tài chính mở là những điểm yếu khiến nước này lung lay. Trong khi đó, Malaysia và Philippines – những nạn nhân của cuộc khủng hoảng châu Á thời kỳ cuối những năm 1990 – giờ đây đã ở trong trạng thái tốt hơn. Cả hai nước này đều đã có thặng dư cán cân vãng lai và dự trữ ngoại hối dồi dào.
Nằm trong vùng màu đỏ là các quốc gia phải chịu nhiều rủi ro nhất. Nam Phi, Ukraine và một nhóm các nước Mỹ Latinh đều ở trong trạng thái “mong manh”. Tuy nhiên, Thổ Nhĩ Kỳ là nước đứng đầu danh sách này. Thổ Nhĩ Kỳ đang có cán cân vãng lai thâm hụt ở mức 6% GDP, tỷ lệ nợ nước ngoài ngắn hạn/tài sản dự trữ lên tới 150%. Kể từ năm 2009, tín dụng của Thổ Nhĩ Kỳ tăng mạnh hơn so với bất kỳ quốc gia mới nổi nào khác nằm trong bảng xếp hạng. Tồi tệ hơn nữa, kể từ đầu năm tới nay, đồng lira đã giảm tổng cộng 13% so với đồng USD và được dự báo sẽ tiếp tục giảm trong tương lai.
Theo bảng trên, Việt Nam nằm trong nhóm màu vàng với 7 điểm. Điều này có nghĩa là nền kinh tế Việt Nam ít chịu ảnh hưởng bởi hiện tượng dòng vốn bốc hơi đột ngột.