Xuất khẩu thủy sản "khóc" theo tỷ giá

Các doanh nghiệp xuất khẩu thủy sản trong nước đang lao đao vì giá đô la Mỹ giảm mạnh - ẢNH: Lê Toàn

Xuất khẩu bất ổn vì tỷ giá

Nhà xuất khẩu bị thiệt hại vì tỷ giá

Ông Trần Thiện Hải, Chủ tịch Vasep cho biết, với những đơn hàng doanh nghiệp ký với khách hàng nước ngoài trước đây khi đồng đô la Mỹ ở mức trên 16.000 đồng/đô la Mỹ, nay thu đô la Mỹ về để đổi ra tiền Việt Nam để trang trải chi phí thì giá chỉ còn 15.700 đồng/đô la Mỹ, khiến nhiều doanh nghiệp bị thiệt hại. 

Bên cạnh đó, giá thu mua hải sản nguyên liệu trong thời gian gần đây lại tăng cao do khan hiếm nguồn nguyên liệu khiến chi phí sản xuất càng ngày càng bị đội lên. "Do đó, việc đồng đô la Mỹ mất giá quá nhanh trong những ngày gần đây đang đẩy nhiều doanh nghiệp xuất khẩu vào thế khóc dở mếu dở,” ông Hải nói.

Việt Nam phấn đấu đạt kim ngạch xuất khẩu thủy sản khoảng 900 triệu đô la Mỹ trong quí 1-2008. Qua hai tháng đầu năm, kim ngạch xuất khẩu của ngành đã đạt xấp xỉ 550 triệu đô la Mỹ, tăng 30% so với cùng kỳ năm ngoái. Tuy nhiên, theo ông Hải, mức tăng này sẽ không còn nhiều ý nghĩa nếu đồng đô la Mỹ lại tiếp tục giảm giá.

Ông Hải dự báo kim ngạch xuất khẩu thủy sản sẽ không còn tăng cao trong một vài tháng tới do nguồn nguyên liệu hải sản đang giảm mạnh và các doanh nghiệp xuất khẩu dè dặt trong việc xuất hàng do tâm lý e ngại đô la Mỹ tiếp tục mất giá. 

Ông Vũ Thành Phát, Giám đốc Công ty Hoa Sen Mekong  tại TPHCM - chuyên xuất khẩu thủy sản sang các nước châu Âu, cho biết cuối năm ngoái, doanh nghiệp ký hợp đồng cung cấp 10 container hàng hải sản trị giá 450.000 đô la Mỹ cho một khách hàng Hy Lạp. Khi đó, giá một đô la Mỹ trên 16.000 đồng Việt Nam. “Giá đô la Mỹ hiện nay xuống còn 15.700 đồng, sau khi đối tác chuyển tiền là coi như tôi mất đứt ít nhất là 135 triệu đồng,” ông Phát than.

Tháng 11 năm ngoái, ông Phát ký hợp đồng xuất khẩu 10 container cá tra qua chế biến cho một khách hàng Ba Lan. May mà đến tháng 1 năm nay, ông Phát đã kịp giao được 6 container; 4 container còn lại thì ông Phát chưa biết phải tính làm sao khi nơi cung cấp nguyên liệu thì đòi tăng giá thu mua mà giá trị hợp đồng xuất khẩu thì không thể thay đổi.

Tại Nha Trang, Công ty Nha Trang Fisco do ông Trần Quốc Nam làm giám đốc cũng đang rơi vào tình cảnh tương tự. Trong bối cảnh đồng đô la Mỹ mất giá như hiện nay, ông Nam nói rằng doanh nghiệp ông đang rơi vào tình thế “làm công không” khi xuất lô hàng mực sushi 100 tấn sang Nhật ngay trong tháng 3 này. Lô hàng này trị giá khoảng 900.000 đô la Mỹ theo một hợp đồng ký hồi giữa năm 2007.

“Giá dầu tăng, ngư dân ở đây yêu cầu công ty tăng thêm 20% giá thu mua mực nguyên liệu, nhưng chúng tôi cũng đành chấp nhận để có đủ nguyên liệu sản xuất giao cho khách hàng nhằm giữ uy tín chứ biết làm sao, mặc dù biết làm là lỗ chắc,” ông Nam nói.

Ở ngành hàng khác là dệt may cũng trong tình cảnh tương tự, nhiều doanh nghiệp dệt may tại TPHCM nói riêng và cả nước nói chung, đặc biệt là những công ty làm hàng xuất khẩu, cũng đang gồng mình lên gánh thiệt hại do việc sụt giảm tỷ giá đồng Việt Nam/đô la Mỹ trong thời gian qua. Bên cạnh đó, giá nguyên vật liệu cho sản xuất tăng 50% so với giữa năm ngoái và giá nhân công tăng thêm khoảng 10% kể từ sau Tết đến nay cũng đẩy nhiều doanh nghiệp dệt may vào tình thế đã khó lại càng khó hơn.

Trao đổi với Thời Báo Kinh Tế Sài Gòn Online chiều 5-2, ông Nguyễn Ân, Tổng giám đốc Công ty cổ phần thương mại may Sài Gòn 3 cho biết, khi giá đô la Mỹ giảm xuống còn 15.700 đồng, chỉ tính riêng một hợp đồng gia công có giá trị 2 triệu đô la Mỹ mà công ty ký hồi cuối năm ngoái thì mức thiệt hại ít nhất đã là 600 triệu đồng.

VĂN NAM

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây