Trong khoảng một tháng qua, ít nhất hai lần cơ quan điều hành chính sách tiền tệ hối thúc các ngân hàng quốc doanh xây dựng lộ trình để chuyển tiền về Ngân hàng Nhà nước càng sớm càng tốt. |
Một câu hỏi đặt ra: có nên lấy ngân sách để kinh doanh và ai không... hài lòng trong vụ di chuyển tiền này?
Không “thả gà ra đuổi”
Trong bối cảnh hiện nay, để kiềm chế lạm phát, dường như Ngân hàng Nhà nước không bỏ qua bất cứ một cơ hội nào nếu được, để hút bớt nguồn tiền trôi nổi trong lưu thông.
Một khoản tiền gửi, vốn là ngân sách Nhà nước, ước 52.000 tỷ đồng, đang được đem kinh doanh tại các ngân hàng thương mại quốc doanh là một trong những mục tiêu để Ngân hàng Nhà nước nhắm tới.
Lãnh đạo một vụ của Ngân hàng Nhà nước cho biết: “Cách đây 10 năm, Bộ Tài chính cho rằng, bây giờ đã hòa bình, nguy cơ về rủi ro cho ngân sách ít đi, trong khi lạm phát đang thấp, nếu để ngân sách tại Ngân hàng Nhà nước sẽ bị lãng phí. Vì thế, nên đưa số tiền đó gửi tại các ngân hàng thương mại”.
Theo đó, Bộ Tài chính đề xuất và được Chính phủ chấp nhận cho các ngân hàng thương mại quốc doanh được kinh doanh số tiền này. Đổi lại, các ngân hàng trả lãi suất cho ngân sách theo mức không kỳ hạn. Hàng tháng, ngân hàng đánh giá lại lãi suất một lần và thường được chốt ở mức 3%/năm.
Giả định tại thời điểm hiện nay trên cơ số tiền 52.000 tỷ đồng, ước tính mỗi năm, ngân sách thu về 1.560 tỷ đồng. So với mức lãi suất cho vay năm ngoái khoảng 9%/năm hay tại thời điểm bây giờ là 15% - 16%/năm thì mức chênh lãi suất từ 7% - 13%/năm của tổng số tiền nói trên mà các ngân hàng quốc doanh được phép thu về còn nhiều hơn vài lần!
Vì vậy, nếu như trước đây, các ngân hàng thương mại quốc doanh được hưởng lợi bao nhiêu thì nay, món hời đó không còn. Chưa nói, nếu Ngân hàng Nhà nước làm riết róng, thời gian chuẩn bị ngắn, ngân hàng sẽ bị động nguồn vốn. Nhưng dù muốn hay không, các ngân hàng này vẫn phải chấp hành và cách tốt nhất trong hoàn cảnh này là trì hoãn được ngày nào tốt ngày đó.
Bởi vậy, trong khoảng một tháng qua, ít nhất hai lần cơ quan điều hành chính sách tiền tệ hối thúc các ngân hàng quốc doanh xây dựng lộ trình để chuyển số tiền về Ngân hàng Nhà nước càng sớm càng tốt.
Đối với công ty chứng khoán, khi nghe tin các ngân hàng thương mại quốc doanh phải chuyển số tiền này về “kho” của Ngân hàng Nhà nước, đại diện một công ty chứng khoán không giấu nổi thất vọng: “Thị trường chứng khoán vốn đã đìu hiu, nay thêm tin này, kể như tụt hẳn. Các ngân hàng không chỉ dừng cho vay chứng khoán mà còn hối thúc thanh toán các khoản vay chứng khoán đến hạn, thậm chí phá hợp đồng để thu nợ”.
Tiến sĩ Lê Xuân Nghĩa, Vụ trưởng Vụ Chiến lược phát triển ngân hàng (Ngân hàng Nhà nước) cho rằng: “Vấn đề không phải là ai được, ai mất ở đây. Đã là tiền của ngân sách thì không được phép rủi ro. Nếu xảy ra rủi ro, chẳng may cần chi tiêu cho thiên tai, dịch bệnh, địch họa... thì lấy đâu ra?”.
Theo ông Nghĩa, kể cả có đưa số tiền này gửi tại các ngân hàng thương mại quốc doanh thì cũng không phải vì thế mà không xuất hiện rủi ro. Thực tế, khi ngân hàng sử dụng đồng vốn này để kinh doanh, họ cũng phải cho vay doanh nghiệp, cho vay mua chứng khoán, cho vay khác và luôn đối mặt với bất kỳ rủi ro thanh khoản, rủi ro tín dụng...
Tại các nước phát triển, họ luôn duy trì quan điểm: đồng tiền đi liền khúc ruột. Đã là ngân sách thì độ rủi ro phải bằng không vì ngân sách phải chi tiêu hàng ngày, hàng tháng và hàng năm. Họ hiểu rằng, chỉ cần một biến cố nhỏ về quốc phòng, an ninh, thiên tai hay dịch bệnh, phải chi tới hàng nghìn tỷ đồng và lúc đó, mới đi “đòi” tiền ở ngân hàng thương mại thì không khác gì “thả gà ra đuổi”!
Do đó, ở các nước trên, không bao giờ có chuyện đầu năm tạm ứng ngân sách từ Ngân hàng Nhà nước, rồi đem đi gửi ở ngân hàng thương mại mà số tiền này được lưu giữ ở Ngân hàng Nhà nước hoặc chi nhánh Ngân hàng Nhà nước.
Rút về càng nhanh càng tốt
Ông Nghĩa phân tích thêm: trong điều kiện lạm phát đang gia tăng, số tiền trên phải được rút về càng nhanh càng tốt bởi một lý do quan trọng khác: tiền nằm ở ngân hàng thương mại thì “tiền tạo ra tiền”.
Chẳng hạn, có 100 triệu đồng của ngân sách nằm tại ngân hàng thương mại A, ngân hàng này ký séc cho ngân hàng B khoảng 90 triệu, ngân hàng B lại ký một séc cho C 80 triệu, ngân hàng C lại ký một séc cho ngân hàng E... Và khi tỷ lệ dự trữ bắt buộc là 10% thì số nhân tiền tệ sẽ rất lớn.
Theo thuật ngữ chuyên ngành, số nhân tiền tệ hay còn gọi là số nhân tín dụng. Chỉ số này dùng để đo lường mức độ mà ngân hàng thương mại làm tăng cung tiền. Vì vậy, thực tế này làm cho một phần cung ứng tiền trong lưu thông không phụ thuộc vào Ngân hàng Nhà nước mà phụ thuộc vào nguồn tiền trên.
Do đó, khi nền kinh tế đang bị lạm phát lại càng phải hút số tiền này về để chúng nằm trong số lượng tiền tệ mà Ngân hàng Nhà nước dùng để hoạch định chính sách và kiểm soát.
Giám đốc một ngân hàng nước ngoài tại hội nghị thượng đỉnh ngân hàng châu Á (Asia Banker 2008) đã cảnh báo rằng: trong tương lai gần, nền kinh tế Mỹ khó tránh khỏi một đợt suy thoái chưa từng xảy ra trong vòng 80 năm trở lại đây và thị trường tài chính thế giới sẽ bị rung chuyển bởi những cơn cuồng phong dữ dội. Nếu khủng hoảng kinh tế thế giới xảy ra, Việt Nam sẽ bị tác động không nhỏ.
Vẫn biết, trong hoàn cảnh các ngân hàng đều eo hẹp đồng vốn, việc dịch chuyển một số lượng tiền lớn tại một thời điểm sẽ ảnh hưởng đến tính thanh khoản của một số ngân hàng. Nhưng trong bối cảnh chỉ số CPI 3 tháng đầu năm đã hơn tốc độ tăng trưởng, thì các ngân hàng quốc doanh nên chia sẻ khó khăn với cộng đồng và mục tiêu ưu tiên chống lạm phát của Chính phủ.
Đó còn là cách để các ngân hàng quốc doanh bảo vệ nền kinh tế đất nước và tự bảo vệ mình
Nguyễn Hoài