Khi cường quốc số 1 thế giới làm nông nghiệp: Sản xuất được quá nhiều, quá nhanh, nước Mỹ không biết làm gì với 380 triệu tấn ngô mỗi năm

Cách đây hơn 90 năm, ngô còn là một trong những loại lương thực chủ chốt của người Mỹ và trồng ngô là một trong các hoạt động quan trọng nhằm duy trì an ninh lương thực. Bởi vậy trong suốt quãng thời gian đó, người Mỹ đã tìm cách tăng sản lượng ngô hết mức có thể.
 
Bởi vậy chẳng có gì khó hiểu khi năm 2021, Mỹ đã sản xuất được hơn 380 triệu tấn ngô, chiếm hơn 30% sản lượng toàn cầu và là quốc gia sản xuất đứng đầu thế giới về mặt hàng này. Ngô cũng đã trở thành mặt hàng nông sản cho sản lượng nhiều nhất ở Mỹ, chiếm diện tích trồng trọt lớn nhất và cũng đóng góp phần lớn giá trị cho toàn ngành.
 
Hiện mặt hàng có giá trị lớn nhất trong nông nghiệp tại Mỹ hiện là chăn nuôi bò và chúng ăn rất nhiều ngô. Đó là chưa kể đến mảng ngô non cùng nhiều thứ phẩm khác từ những cánh đồng ngô không được thống kê.
 
 
Bên cạnh đó, diện tích trồng ngô đã qua thời kỳ hoàng kim từ khi lên đỉnh vào năm 1917 nhưng sản lượng lại tăng do năng suất nông dân hiện nay cực kỳ cao.
Dẫu vậy, việc gia tăng sản lượng ngô hiện đang khiến chính quyền Washington đau đầu bởi chúng không còn là mặt hàng chủ lực đảm bảo an ninh lương thực nữa và đầu ra là một dấu hỏi lớn cho những nhà hoạch định chính sách, nhất là trong bối cảnh đang có xung đột thương mại với Trung Quốc, nước nhập khẩu ngô lớn trên thế giới.
 
Số 1 thế giới
Những cây ngô đầu tiên được con người trồng theo ghi nhận của lịch sử là tại Châu Mỹ cách đây 8.700 năm bởi những người thổ dân da đỏ. Sau đó chúng được Christopher Columbus phát hiện và lan truyền ra toàn cầu vào năm 1492.
 
Tại Mỹ, ngô là một trong những cây lương thực chủ chốt bởi dễ trồng và cho thu hoạch cao. Kể từ thập niên 1930, năng suất trồng ngô tại Mỹ đã có nhiều cải thiện rõ rệt với hệ thống tưới tiêu, phân bón cùng nhiều kỹ thuật hiện đại được phát triển. Thậm chí những năm gần đây, các công nghệ về gen, nhân giống ngô cũng khiến sản lượng loại cây trồng này tiếp tục phát triển dù đã giảm tốc.
 
Sự phát triển của ngô đã từng được mệnh danh là điều thần kỳ khi không chỉ đảm bảo an ninh lương thực mà còn vượt mặt nhiều cây trồng khác về diện tích đất trồng hay sản lượng.
 
Năm 2001, ngô vượt lúa gạo và lúa mỳ để trở thành mặt hàng nông sản được trồng nhiều nhất thế giới theo sản lượng. Năm 2012, sản lượng ngô thậm chí vượt lúa gạo tại Trung Quốc và thậm chí trở thành loại cây lương thực được trồng nhiều nhất ở quốc gia 1,4 tỷ dân này. Dẫu vậy, Mỹ vẫn dẫn đầu về sản lượng ngô do năng suất cao hơn.
 
Trong khi tại những nước nghèo nhe Ethiopia, khoảng 90% ngô được trồng để ăn thì tại Trung Quốc, chúng chủ yếu được trồng để cho lợn. Điều này cũng tương tự như Mỹ nhưng thay vì chỉ chăn nuôi, ngô còn được dùng vào nhiều mục đích khác nhau. Bộ nông nghiệp Mỹ cho biết khoảng 38% ngô được dùng làm nhiên liệu sản xuất xăng sinh học, khoảng 37,8% được dùng cho chăn nuôi, khoảng 14,6% dùng để xuất khẩu còn 5,6% dùng cho ngành thực phẩm.
 
Trớ trêu thay, vấn đề hiện nay là Mỹ đang sản xuất quá thừa ngô và họ đang loay hoay không biết làm gì với chúng.
 
Khủng hoảng thừa
Từ thập niên 1970, Bộ nông nghiệp Mỹ cùng các nhà hoạch định chính sách đã tìm mọi cách để giải quyết lượng ngô thừa sản xuất được. An ninh lương thực đã không còn là mối lo khi năng suất nông nghiệp được giải quyết ở Mỹ.
 
Thế rồi việc thúc đẩy dùng ngô làm các loại sản phẩm như Si rô, xăng sinh học hay các loại sản phẩm phụ khác đã giúp người nông dân Mỹ tránh được việc tồn kho mặt hàng có sản lượng quá lớn này. Các văn bản luật năng lượng năm 2005 và 2007 đã giúp hàng triệu nông dân trồng ngô trên đất Mỹ tìm được đầu ra với xăng sinh học.
 
Bên cạnh đó, việc sử dụng ngô cho chăn nuôi cũng gặp nhiều trắc trở trước các cuộc chiến thương mại, khiến mặt hàng thịt bị cấm nhập khẩu hoặc chịu các khung thuế cao.
Tồi tệ hơn, việc trồng ngô quá nhiều khiến lượng phân bón sử dụng cao, phá hoại môi trường ở các vùng trồng trọt. Rất nhiều nghiên cứu khoa học chỉ ra rằng một số loài động vật ở vùng trung tâm nước Mỹ, nơi trồng nhiều ngô nhất, đang bị suy giảm nghiêm trọng do ô nhiễm môi trường.
 
Hàng loạt các yếu tố đã khiến giá ngô lao dốc thê thảm đầu năm 2021, bao gồm cả đại dịch Covid-19 làm gián đoạn chuỗi phân phối. Tuy nhiên khi các nền kinh tế mở cửa trở lại và nguy cơ mất an toàn lương thực tái hiện, giá ngô bắt đầu dần tăng nhẹ.
 
Hiện vẫn chưa rõ chính quyền Washington sẽ làm gì để giúp đỡ những người nông dân Mỹ, nhưng chắc chắn rằng các nhà hoạch định chính sách đang phải đau đầu khi có quá nhiều ngô thừa trong các nhà kho.
 
*Nguồn: Bloomberg
 
Theo Huyền Băng
Doanh nghiệp và tiếp thị
 

Nguồn tin: cafef.vn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây