1. Khủng hoảng thị trường tín dụng và cho vay thế chấp Hoa Kỳ
Trong cơn sốt bất động sản, để dễ vay tiền mua nhà, nhiều người dân Hoa Kỳ đã chọn hình thức vay nợ cầm cố với tỷ lệ lãi suất điều chỉnh. Tuy nhiên, khi đến hạn điều chỉnh, lãi suất tăng cao khiến nhiều hộ mất khả năng chi trả. Thị trường địa ốc bắt đầu đóng băng nên người dân khó bán nhà lấy tiền trả nợ, đẩy họ lâm vào cảnh bị siết tài sản. Và khi ngân hàng cũng không phát mãi được các tài sản thế chấp để thu hồi vốn, dẫn đến những khoản thua lỗ hàng tỷ USD.
Cục Dự trữ Liên bang Hoa Kỳ và nhiều ngân hàng trung ương các nước rót hàng tỷ USD vào thị trường tín dụng. Đặc biệt, lần đầu tiên Ngân hàng Trung ương châu Âu bơm khoản tiền khổng lồ 500 tỷ USD cho các ngân hàng vay với lãi suất ưu đãi.
2. Giá dầu cao kỷ lục, vàng “thăng thiên”
Giá vàng lên đỉnh 848 USD/ounce vào ngày 7-11. Dầu tăng đột biến 99,29 USD/thùng ngày 21-11, cao nhất kể từ năm 1983. Thực phẩm trở nên đắt đỏ.
3. Đồng USD xuống cực thấp
“Bão” tín dụng buộc Cục Dự trữ Liên bang Hoa Kỳ liên tục giảm lãi suất từ 5,25% xuống 4,75% (ngày 18-9); 4,5% (ngày 31-10) và 4,25% (ngày 11-12) khiến đồng USD trượt giá thê thảm với mức cực thấp. 1 EUR = 1,4967 USD hôm 24-11.
4. Nóng bỏng TTCK Trung Quốc
Đầu năm 2007, TTCK Trung Quốc vấp một cú rơi tự do sau khi chính phủ công bố quyết tâm truy quét các hoạt động đầu tư mua bán cổ phiếu bất hợp pháp và xử lý nghiêm các hành vi bị cấm trên TTCK. Chỉ số Shanghai ngày 27-2 mất tới 250,18 điểm (9,2%), xuống 2.457,49 điểm. Dù vậy, ngay ngày hôm sau, TTCK Trung Quốc đã bắt đầu hồi phục 4% và tiếp tục tăng nóng cuốn hút người dân dồn tiền tiết kiệm vào chơi chứng khoán.
Các đại công ty Trung Quốc nối nhau tiến hành những đợt IPO khổng lồ mà nổi đình nổi đám nhất là đợt IPO đầu tháng 11 của PetroChina trên sàn Thượng Hải thu về 8,9 tỷ USD, vượt qua Exxon Mobil (Hoa Kỳ) để trở thành công ty lớn nhất thế giới tính theo số vốn hóa thị trường.
5. Sôi động mua bán và sáp nhập
Các vụ mua bán và sáp nhập (M&A) trong năm 2007 tăng 21% so với năm 2006 và lập kỷ lục 4.400 tỷ USD. Đáng chú ý là thương vụ trị giá 99 tỷ USD liên minh 3 ngân hàng do Ngân hàng Hoàng gia Scotland đứng đầu mua lại nhà băng ABM Amro của Hà Lan. Các quỹ đầu tư nhà nước của Trung Đông, Singapore và Trung Quốc nổi lên như những đại gia rủng rỉnh hầu bao trên thị trường M&A toàn cầu với danh mục đầu tư ưa thích là các tập đoàn ngân hàng đang gặp khó khăn.
6. Siêu máy bay Airbus 380
Tháng 10-2007, trong sự chú ý của cả thế giới, chiếc máy bay dân dụng 2 tầng lớn nhất thế giới A380 dài 73m, cao 24m, sải cánh 80m đã thực hiện thành công chuyến bay thương mại đầu tiên từ Singapore đi Australia. Hãng hàng không được Airbus “chọn mặt gởi vàng” là Singapore Airlines đầy uy tín. Được mệnh danh “lâu đài bay” vì sự sang trọng và tiện nghi, ít gây ồn, tiết kiệm nhiên liệu, giảm ô nhiễm môi trường…, A380 đã gây nên một cơn sốt vé.
7. iPhone- phát minh của năm
Chiếc điện thoại di động tích hợp nhiều chức năng iPhone của hãng Apple đã làm mưa làm gió trên thị trường “hi-tech” thế giới. Ngày 29-6, “ngôi sao” iPhone xuất hiện với mức giá 499 USD (4Gb) và 599 USD (8Gb). Nhiều fan thậm chí đã dựng lều ăn chực nằm chờ trước các cửa hàng để rước cho bằng được iPhone về nhà. iPhone hút hàng đến độ được tạp chí Time ca ngợi là “Phát minh của năm”.
8. Những vụ án độc quyền
Chưa bao giờ các vụ án liên quan đến luật chống độc quyền lại “nở rộ” như năm nay. Nổi đình nổi đám nhất phải kể đến vụ án chống độc quyền của EC (Ủy ban châu Âu) dành cho tập đoàn phần mềm Hoa Kỳ Microsoft. Trong vụ án này, Microsoft phải chịu mức phạt kỷ lục lên đến 736 triệu USD. Intel cũng gặp rắc rối với luật chống độc quyền tại châu Âu. Những vụ án độc quyền này có tác dụng ngăn ngừa những vi phạm tương tự.
9. Nóng theo nhiệt độ trái đất
Vấn đề nóng lên của trái đất được người ta bàn cãi rất “nóng” trong năm nay. Liên tiếp nhiều công bố của giới khoa học cho biết nhiệt độ trái đất nóng lên sẽ kéo theo vô số thảm họa thiên tai và con người. Trái đất nóng lên khiến băng tan ở 2 đầu địa cực, làm nhiều vùng trên trái đất bị chìm sâu trong nước biển, một số hòn đảo còn có nguy cơ bị “xóa sổ”. Sự thay đổi khí hậu cũng khiến các nước cạnh tranh quyết liệt hơn trong việc chiếm dụng các nguồn tài nguyên, năng lượng…
10. Lạm phát – nỗi ám ảnh toàn cầu
Cùng với việc tăng giá xăng dầu, lạm phát trở thành một vấn nạn toàn cầu trong năm nay, đặc biệt vào các tháng cuối năm. Ở Hoa Kỳ, lạm phát khiến TTCK chao đảo, trong khi tại châu Âu, mà tiêu biểu là Đức với mức lạm phát 3% - vượt ngưỡng giới hạn của EU, khiến nhiều doanh nghiệp đứng bên bờ vực phá sản. Ở châu Á, lạm phát cũng là quan ngại hàng đầu của hầu hết các chính phủ và đe dọa trực tiếp đến thu nhập, đời sống người dân.