Tăng trưởng GDP cao nhất từ 10 năm trở lại, đạt mức 8,44%, thu hút mạnh mẽ nguồn vốn đầu tư trong nước và ngoài nước, trong đó vốn đầu tư từ khu vực kinh tế dân doanh tăng 19,5%, đạt 34,4% tổng vốn đầu tư toàn xã hội. Với số vốn đầu tư gia tăng mạnh mẽ, nhiều việc làm mới đã được tạo ra.
Xuất khẩu tiếp tục tăng, nhiều mặt hàng công nghiệp đã tận dụng được thời cơ, tuy vậy mức tăng thấp hơn năm 2006 và cũng thấp hơn mức tăng của Trung Quốc trong năm đầu trở thành thành viên WTO. Dự trữ ngoại tệ được bổ sung đáng kể là điều rất cần thiết trong quá trình hội nhập.
Vượt lên trên các con số nói trên là sự tín nhiệm và kỳ vọng của các nhà đầu tư trong nước và ngoài nước tăng cao chưa từng thấy: nhiều hợp đồng đầu tư lớn, công nghệ cao đã được ký kết, nhiều dự án quan trọng cho tương lai đã được đưa ra bàn thảo. Kinh tế Việt Nam thực sự có cơ hội ngàn vàng tiến nhanh “một ngày bằng hai mươi năm” trên con đường công nghiệp hóa, hiện đại hóa.
Bên cạnh những tiến bộ và các mặt tích cực rất đáng trân trọng, năm 2007 cũng là năm bộc lộ những vấn nạn và yếu kém không thể xem thường. Lạm phát và nhập siêu tăng vọt, gây ra những quan tâm sâu sắc. Chất lượng cuộc sống nhiều mặt xấu đi, đặt ra câu hỏi nghiêm túc về chất lượng tăng trưởng và về lợi ích tăng trưởng được phân phối công bằng hay chưa.
Lạm phát năm 2007 cao hơn tốc độ tăng trưởng là một loại thuế vô hình đối với mọi người dân sống trên đất Việt Nam, trong đó người nghèo, nông dân (khi nông nghiệp chỉ tăng trưởng trên 3%), người làm công ăn lương, sinh viên... chịu thiệt thòi nhiều nhất.
Lạm phát đã thực sự ảnh hưởng đến bữa ăn của công nhân, đến đời sống của những người có thu nhập thấp. Sau nhiều năm đời sống được cải thiện, năm 2007 đối với nhiều người dân trở thành một năm khó khăn. Lạm phát, thiên tai nặng nề ở miền Trung đã đẩy không ít gia đình trở lại cảnh đói nghèo là điều cần được xét đến trong chính sách phát triển sắp tới.
Trong năm 2007, bên cạnh tăng trưởng cao, chất lượng cuộc sống của không ít người dân bình thường bị giảm sút hay chịu tác động rõ rệt: ô nhiễm nguồn nước, khí thải (khói, bụi), chất thải rắn, không chỉ ảnh hưởng đến thành phố mà đã tác động đến dân cư không ít làng xóm ở nông thôn.
Ùn tắc giao thông đã trở thành nỗi lo lắng, phiền muộn của nhiều người và nghiêm trọng hơn ở các thành phố lớn, không chỉ gây mất thời gian, lỡ công việc mà còn để lại tâm lý bực bội, căng thẳng đối với đa số người dân thành phố. Tai nạn giao thông vẫn chưa giảm mạnh và cơ bản, gây tốn kém cho xã hội. Ước tính nạn kẹt xe và tai nạn giao thông gây thiệt hại cho xã hội khoảng 1-1,5% GDP.
Một giải pháp căn cơ đòi hỏi một tầm nhìn chiến lược và đồng bộ chứ không thể chỉ dừng lại ở những biện pháp tình thế. Sự yếu kém về kết cấu hạ tầng: xa lộ, bến cảng, thiếu điện... đang hạn chế đáng kể bước tiến của nền kinh tế. Thử tưởng tượng nếu cầu Đồng Nai gặp sự cố như đã có nhiều tiếng nói cảnh báo thì tác động đối với kinh tế miền Đông Nam bộ sẽ như thế nào?
Học thêm, chi phí đóng góp (chính thức và phi chính thức) cho học sinh từ mẫu giáo đến đại học, chi phí và nỗi khó khăn khi phải đi chữa bệnh tại những bệnh viện bị quá tải nặng nề, trong thực tế đã ảnh hưởng đến ngân sách gia đình và chất lượng cuộc sống của hầu hết các gia đình.
Hai lĩnh vực giáo dục và y tế thể hiện định hướng xã hội chủ nghĩa trong nền kinh tế nước ta đã bộc lộ những vấn nạn, đòi hỏi phải có những cải cách cơ bản, song mọi người đều mong đợi những cải thiện từng bước, đủ rõ rệt để người dân có thể cảm nhận được. Sự thiếu hụt về lao động được đào tạo đã trở thành một trở ngại cho thu hút đầu tư nước ngoài và phát triển kinh tế nói chung.
Đối với đa số người dân bình thường, tăng trưởng kinh tế cao nhất từ 10 năm qua chưa đem lại cải thiện trong đời sống hàng ngày. Và không ít người đã đặt ra câu hỏi: ai được lợi từ tăng trưởng kinh tế cao này và tại sao người dân bình thường ít được tham gia vào những lợi ích tăng trưởng như vậy?
Rõ ràng năm 2007 là năm đem lại siêu lợi nhuận cho không ít công ty bất động sản, chứng khoán, cho không ít tập đoàn. Trong nền kinh tế nước ta, đất đai thuộc sở hữu toàn dân mà việc đầu cơ đất, đẩy giá bất động sản lên mức cao nhất nhì trong khu vực, kéo dài đến như vậy, gây tác động tiêu cực đến môi trường đầu tư và kinh doanh, thực sự là một nghịch lý rất khó giải thích.
Việc các tập đoàn kinh tế nhà nước năng động hơn là điều đáng hoan nghênh, song việc các tập đoàn này tập trung sự năng động, đầu tư một phần quan trọng nguồn lực tài chính vào chứng khoán và bất động sản là điều đáng lo ngại. Trong lịch sử các nước Nhật Bản, Mỹ, các cơn sốt bất động sản đã có sức tàn phá mạnh mẽ về tài chính khi bong bóng bất động sản bị nổ.
Đầu tư vào bất động sản một tỷ lệ vốn quá lớn sẽ chôn vốn, làm suy giảm tính thanh khoản của nền kinh tế và trước hết, các tập đoàn xa rời việc đầu tư nâng cao công nghệ, năng lực cạnh tranh trên những lĩnh vực then chốt của nền kinh tế quốc dân chắc chắn sẽ tác động không chỉ đến bản thân các tập đoàn mà còn tác động gián tiếp đến tất cả các ngành vì sự lạc hậu của các lĩnh vực then chốt đó sẽ ảnh hưởng đến năng suất, hiệu quả của toàn bộ nền kinh tế.
Điều quan trọng là chúng ta chưa đưa ra những tiêu chí cần thiết để các tập đoàn đó phải hướng tới (như tỷ lệ lãi tối thiểu phải đạt được, mức độ nâng cao năng suất lao động, giảm tiêu hao năng lượng, vật tư...), cũng như các chế tài để giám sát. Cỗ xe muốn chạy nhanh phải có động cơ mạnh, phanh ăn và tay lái tốt. Cỗ xe tập đoàn đã chạy nhanh hơn trước nhưng đang đa dạng hóa sang quá nhiều hướng trong khi không tập trung thích đáng vào khoa học công nghệ và đào tạo nguồn nhân lực.
Nhập siêu đặt ra những vấn đề về cán cân thanh toán quốc tế và đòi hỏi phải nâng cao năng lực cạnh tranh của hàng hóa, dịch vụ Việt Nam ngay trên thị trường nội địa. Về lâu dài, phải có chiến lược để giảm nhập siêu trong đó có việc chuyển dịch cơ cấu, phát triển các ngành công nghiệp và dịch vụ trợ giúp để từng bước giảm bớt nhập siêu.
Trong khi giá dầu tăng cao, các nước đều nỗ lực rất lớn để tiết kiệm năng lượng, giảm suất tiêu hao nguyên, vật liệu trên một đơn vị sản phẩm, bảo vệ môi trường, nâng cao năng suất lao động thì báo cáo kinh tế của nước ta không đưa ra được bất kỳ con số nào về những chỉ tiêu hiệu quả trên.
Chính phủ đã có nghị quyết về tiết kiệm, chống lãng phí, về tiết kiệm điện... song báo cáo không hề cho biết đã tiết kiệm được những gì, ở lĩnh vực nào. Đã đổi mới được công nghệ nào, nâng cao năng suất lao động và giá trị gia tăng ở những ngành nào, sản phẩm nào, đấy chính là điều quyết định đối với hiệu quả và tương lai kinh tế của nước ta. Sự xao lãng các chỉ tiêu đó chắc chắn không thể coi là một sự xao lãng và chậm trễ bình thường. Phải coi đó là một não trạng tiếp tục tăng trưởng theo chiều rộng.
Hy vọng rằng những bài học của năm 2007 sẽ giúp chúng ta có cái nhìn tỉnh táo về thành tựu và thách thức và có sự chuyển hướng mạnh mẽ về chất lượng tăng trưởng và chất lượng cuộc sống?
Ðối với đa số người dân bình thường, tăng trưởng kinh tế cao nhất từ 10 năm qua lại chưa đem lại cải thiện trong đời sống hàng ngày. Và không ít người đã đặt ra câu hỏi: ai được lợi từ tăng trưởng kinh tế cao này và tại sao người dân bình thường ít được tham gia vào những lợi ích tăng trưởng như vậy?