Bằng nhiều hình thức khác nhau, các nhà băng đã ra sức khuyến khích NĐT trả nợ. Đến ngày 27.12 vẫn còn 6 NHCP chưa điều chỉnh kịp tỉ lệ dư nợ cho vay cầm cố về ngưỡng cho phép là 3% trên tổng dư nợ. Trong số đó có ACB, VietA Bank, NH Hàng hải..., nhưng theo các nhà băng này, chắn chắn sẽ điều chỉnh được dư nợ cho vay cầm cố CK về mức 3% và chạm đích đúng thời hạn quy định của NHNN đưa ra là ngày 31.12.
Về đích bằng mọi cách
Là một trong những NH có tỉ lệ dư nợ cho vay cầm cố vượt ngưỡng quy định trước khi CT 03 ra đời và các hợp đồng ký thời hạn 1 năm với NĐT (kể từ tháng 5.2007) chiếm số lượng lớn, ACB từng lên tiếng xin NHNN về biện pháp giải quyết những vướng mắc trong việc thu hồi nợ cho vay cầm cố.
Trước đó, trong các cuộc họp với NHNN TPHCM, ACB cũng cho hay, sẽ khó hoàn tất được việc thu hồi nợ và điều chỉnh tỉ lệ dư nợ cho vay cầm cố về trước hạn cho phép, vì vướng nhiều hợp đồng đáo hạn sau ngày 31.12.
Thế nhưng, gần đây ACB cho biết, đang phấn đấu để thực hiện đúng thời điểm quy định và khả năng điều chỉnh được dư nợ về ngưỡng 3% là hoàn toàn có thể.
SeABank đã khống chế tỉ lệ cho vay đầu tư CK xuống mức 2,78% trên tổng dư nợ 9.036 tỉ đồng hôm 10.12. Tại Techcombank, SHBank... dư nợ cho vay loại này hiện chỉ ở khoảng 1,7-2% tổng dư nợ.
Đại diện VietA Bank cho biết, để thu hồi được các khoản nợ cho vay cầm cố đối với những hợp đồng chưa đến kỳ đáo hạn quả thực là một khó khăn rất lớn của NH. Bên cạnh việc khuyến khích, năn nỉ, NH còn phải tìm đủ mọi cách để tháo gỡ vướng mắc giúp NĐT tìm nguồn vốn khác để trả nợ.
VietA Bank là một trong những NH có dư nợ cho vay cầm cố vượt quá mức cho phép cao nhất trước khi CT 03 ra đời, với tỉ lệ chiếm 24% trên tổng dư nợ của NH. Chính vì vậy, để có thể điều chỉnh được dư nợ cầm cố xuống ngưỡng cho phép trong thời gian ngắn quả thực là bài toán nhức đầu.
Theo VietA Bank, tính đến hết tháng 11.2007, dư nợ cầm cố CK đã được điều chỉnh xuống còn khoảng 8% và đến hết ngày 20.12 là 5% và chắc chắn sẽ chạm ngưỡng 3% trước ngày 31.12.
Tăng tổng dư nợ: Giải pháp giảm tỉ lệ cho vay CK?
Ngày 29.12, ABBank đã chính thức công bố tỉ lệ dư nợ cho vay cầm cố CK đã được điều chỉnh xuống dưới ngưỡng cho phép, đạt 2,64% trên tổng dư nợ. Tuy nhiên, ông Lưu Đức Khánh - TGĐ ABBank cho biết, NH sẽ không tái cho vay cầm cố CK, cho dù tỉ lệ dư nợ đối với loại hình tín dụng này đã điều chỉnh xuống dưới mức quy định.
Để sớm điều chỉnh được dư nợ cho vay cầm cố xuống dưới mức 3%, những ngày cuối quý III và đầu quý IV/2007, ABBank đã tung ra nhiều sản phẩm cho vay mua BĐS, với hạn mức cao, thời gian trả nợ kéo dài, lãi suất cạnh tranh chỉ trên dưới 1%/tháng. Khách hàng có thể vay đến 90% tổng giá trị tài sản đảm bảo để mua nhà, đất trả góp tại các dự án mà NH đã liên kết, chẳng hạn như Sky Garden, Dragon City...
Tương tự, VietA Bank, ACB và các NH còn lại trong danh sách đang có tỉ lệ dư nợ cho vay cầm cố nằm trên ngưỡng cho phép đều chọn biện pháp tăng tốc đẩy vốn đầu ra, nâng tổng dư nợ, tạo điều kiện dễ dàng hơn cho việc điều chỉnh hạn mức dư nợ cầm cố.
Một số NH đã tung ra sản phẩm tín dụng cho vay tiêu dùng tín chấp, đơn cử như SHBank, với hạn mức cho vay lên đến 300 triệu đồng, nhưng lãi suất chỉ có 0,85 - 0,95%/tháng. Còn ACB có các chương trình khuyến khích người vay vốn "Lãi suất vay cố định", "Vay ngay trúng lớn".
Hiện hạn mức cho vay tiêu dùng tín chấp tại ACB cũng được nâng lên 250 triệu đồng, thay vì 200 triệu đồng như đầu năm 2007. Trong khi đây là một loại hình tín dụng tiềm ẩn nhiều rủi ro, vì không có tài sản đảm bảo và hiện việc trả lương qua tài khoản NH của DN tại VN chưa được phổ biến như ở các nước trên thế giới.
Nhìn chung, việc dư nợ tín dụng liên tục gia tăng thời gian cuối năm đã hỗ trợ rất nhiều cho việc giảm dư nợ cho vay CK của NH, mặc dù đó lại là một vấn đề đáng báo động và lo ngại đối với nền kinh tế.
Tuy nhiên, theo lý giải của các NH, họ không còn cách nào khác để đảm bảo được yêu cầu và thời hạn đưa ra của NHNN là 31.12, vì CT 03 ra đời sau khi NH đã cho vay cầm cố CK, nhưng lại có hiệu lực quá sớm.
"Chúng tôi đã gặp phải rất nhiều khó khăn, vì theo Luật Tín dụng, các hợp đồng chưa đến kỳ đáo hạn, NH không có quyền yêu cầu khách hàng trả tiền. Mặt khác, tuy khách hàng luôn tỏ thiện ý hợp tác với NH để giải quyết vướng mắc làm theo quy định NHNN, nhưng ngặt nỗi giá CP liên tục diễn biến theo chiều hướng xuống họ không thể giải ngân thu hồi vốn", GĐ một NHCP lý giải.