Bức tranh CPI 2008

Biến động lớn và không theo quy luật là đặc trưng của chỉ số giá 1 năm qua.

Chỉ số giá tiêu dùng CPI tháng 12 vừa được công bố, tiếp tục giảm, âm 0,68% so với tháng trước. Sự giảm giá khá mạnh của 3 nhóm hàng lương thực thực phẩm, nhà ở vật liệu xây dựng, và phương tiện đi lại… đã tác động mạnh đến xu hướng âm của chỉ số giá tháng này. Tổng cục Thống kê cũng vừa công bố, lạm phát năm 2008 là 19,89%.

Bà Trần Thị Hằng, Vụ trưởng Vụ Thương mại dịch vụ và giá cả - Tổng cục Thống kê cho rằng: "CPI tháng 12 giảm, và là tháng thứ ba liên tiếp âm. Đây là xu hướng bất thường. Nếu nhìn vào dãy số so sánh giữa 2 năm 2007 và 2008 thì thấy diễn biến CPI 2 năm ngược nhau hoàn toàn. 6 tháng đầu năm 2007, CPI thấp hơn 6 tháng cuối năm. Nhưng nửa đầu năm 2008 CPI lại tăng mạnh hơn 6 tháng cuối năm...”.

3 lần đột biến tăng cao của chỉ số giá tiêu dùng trong năm nay rơi vào tháng 2, tháng 5, và tháng 8. Đặc biệt tháng 5, sức ép từ giá lương thực thế giới, rồi chuyện tư thương trong nước găm hàng và tung tin thất thiệt đẩy giá gạo lên cao, một nhóm hàng có quyền số lớn trong rổ hàng hóa tính CPI.

Nhưng từ sau tháng 8, lạm phát được cắt cơn, chỉ số giá ở mức âm trong cả 3 tháng cuối năm. Trước hết là tác động tích cực từ xu hướng giảm giá trên thị trường thế giới. Và xu hướng này vừa kịp cộng hưởng cùng 8 nhóm giải pháp kiềm chế lạm phát được Chính phủ đưa ra hồi tháng 4.

Theo chuyên gia kinh tế Nguyễn Thị Hiền: "Lạm phát được cắt cơn từ sau tháng 8, nó là phản ứng của thị trường khi chính sách của Chính phủ có hiệu quả… Nửa đầu năm có thể kể tới sự thắt chặt tiền tệ, nhưng nửa cuối năm thì điều hành lãi suất cơ bản đã linh hoạt hơn".

Nhóm giải pháp tiền tệ của Chính phủ đã phát huy tác dụng, thể hiện rõ nhất là tổng phương tiện thanh toán đã giảm nhiều so với trước đây.Nhóm giải pháp thứ hai được nhắc đến là việc thắt chặt đầu tư công. Tháng 6, Bộ Kế hoạch và Đầu tư lập 11 doàn kiểm tra rà soát khu vực đầu tư công. 1.600 dự án đã và sẽ ngừng, đình hoãn với trên 5.000 tỉ đồng.

Bà Trần Thị Hằng, Vụ trưởng Vụ Thương mại dịch vụ và giá cả - Tổng cục Thống kê cho rằng: "Chúng ta đã kiềm chế được lạm phát. Chỉ số CPI giảm liên tiếp 3 tháng chưa thể nói là giảm phát, nhưng cũng cần có biện pháp để không đi quá sâu".

Biến động lớn và không theo quy luật là đặc trưng của chỉ số giá 1 năm qua. Giá nhiều mặt hàng thiết yếu, đầu vào quan trọng của nhiều ngành sản xuất đến giờ đã giảm. Nhưng câu chuyện giá xăng, dầu, sắt, thép, hay phân bón vì sao vẫn chưa thật sát với giá thế giới?

2 triệu tấn phân bón vẫn tồn kho doanh nghiệp, được mua gom từ thời điểm giá tăng cao, nhưng giá phân bón giờ đã giảm hơn 70% so với lúc đỉnh điểm. Doanh nghiệp găm hàng thì lỗ nặng, các ngành sản xuất nông nghiệp mất lợi thế cạnh tranh đầu vào. Những câu chuyện tương tự trong không ít nhóm hàng, đang cho thấy sự lúng túng ở dự báo và chậm phản xạ của các doanh nghiệp trong nước, trước những diễn biến quá nhanh của tình hình giá cả thế giới.

Theo Trần Việt - Hải Phú
VTV.VN

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây