![]() |
Ở thời điểm hiện tại, ưu tiên hồi phục TTCK có vai trò quan trọng hơn nhiều so với một số thị trường khác.
Tại cuộc hội thảo "Chính sách phát triển TTCK" do Viện Khoa học ài chính tổ chức hôm 24/12, nhiều chuyên gia nhìn nhận diễn biến giảm mạnh của TTCK Việt Nam trong năm 2008 là quy luật tất yếu sau khi phát triển nóng trong gần 2 năm trước đó.
Tuy nhiên, ở thời điểm hiện tại, ưu tiên hồi phục TTCK có vai trò quan trọng hơn nhiều so với một số thị trường khác.
Theo bà Nguyễn Thị Hiền, nguyên cố vấn của Thủ tướng Chính phủ, những biến động trong thị trường vốn, thị trường tiền tệ, thị trường bất động sản (BĐS) và thị trường vàng hơn một năm qua cho thấy mối liên quan mật thiết giữa các bộ phận này trong nền kinh tế và đặt các cơ quan quản lý vĩ mô trước những lựa chọn chính sách đồng bộ với những thứ tự ưu tiên hợp lý.
Chẳng hạn như, cần phản ứng thế nào trước một TTCK trầm lắng và thị trường BĐS đóng băng. Trong hoàn cảnh cụ thể của Việt Nam, TTCK kém sôi động cần được báo động ở mức khẩn cấp hơn là sự hạ nhiệt của thị trường BĐS.
Bởi vì phục hồi TTCK sẽ lấy lại niềm tin cho NĐT vào thị trường vốn đang manh nha, trong khi sự hạ nhiệt của thị trường BĐS trong chừng mực nào đó sẽ góp phần loại ra khỏi thị trường các yếu tố ảo.
Chia sẻ quan điểm này, chuyên gia Ngô Trí Long cho rằng, cần phân biệt tầm quan trọng khác nhau giữa TTCK (là thị trường vốn rất cần cho nền kinh tế đang tăng trưởng mạnh) và thị trường BĐS (là thị trường đầu tư sinh lời).
Bên cạnh những giải pháp duy trì ổn định kinh tế vĩ mô, có 3 giải pháp theo các chuyên gia cần thực hiện để ổn định TTCK trong năm 2009.
Thứ nhất là giải pháp về thuế. Theo ông Long, khi thị trường thế giới bất ổn thì Việt Nam chính là nơi có điều kiện đầu tư tốt hơn, sẽ thu hút được nhiều hơn. Do đó, nếu có những chính sách đúng đắn thì thị trường sẽ tăng hợp lý và điều này phụ thuộc vào các chính sách nuôi dưỡng và khuyến khích của Nhà nước.
Hiện TTCK Việt Nam vẫn chưa đủ độ lớn và độ mạnh như từng được đánh giá. Số lượng tài khoản chứng khoán mới chỉ hơn 400.000, số thật sự giao dịch chỉ chiếm khoảng 1/2, đó là một con số rất nhỏ nếu so với dân số Việt Nam.
Bên cạnh đó, lượng giao dịch mỗi ngày chỉ đạt vài trăm tỷ đồng so với tổng lượng vốn hóa của thị trường là 500.000 tỷ đồng cũng là quá nhỏ. Bất kể sự chuyển dịch nguồn vốn nào cũng sẽ khiến thị trường bị hụt hẫng.
Vì vậy, các chính sách của cơ quan quản lý nhà nước phải theo hướng khuyến khích NĐT tham gia. Nếu được, cần nới lỏng chính sách về nguồn vốn, thuế thu nhập chứng khoán.
Có thể áp dụng thuế trong kinh doanh chứng khoán, nhưng nên áp mức thuế suất 0% trong một thời gian. Nếu thuế thu nhập cá nhân chỉ luôn bảo vệ quan điểm điều tiết thu nhập mà quên vai trò đòn bẩy kinh tế thì chưa hiểu đầy đủ vai trò của thuế.
Giải pháp thứ hai là tăng cung hàng có chất lượng ra thị trường. Tiến sỹ Lê Hải Mơ, Viện Khoa học Tài chính cho rằng, sự phát triển của TTCK Việt Nam trong 5 - 10 năm tới phụ thuộc vào chủ trương và chiến lược CPH DNNN.
Hiện TTCK vẫn nghèo nàn về hàng hóa và đang mất dần sự hấp dẫn một phần là do các tập đoàn và tổng công ty nhà nước đại diện cho sức mạnh kinh tế của Việt Nam hầu như chưa CPH và niêm yết cổ phiếu. Việc dừng, giãn tiến độ IPO DNNN năm 2007 và 2008 khi TTCK có dấu hiệu suy giảm tưởng như có thể chặn được đà suy giảm, nhưng thực tế không phải như vậy.
Hiện nay, các tiền đề cho CPH DNNN gắn với IPO thành công qua TTCK đã hé mở và thuận lợi trong tương lai gần: lạm phát có khả năng ở mức 1 con số, lãi suất ngân hàng có xu hướng giảm, kinh tế có khả năng tăng trưởng 5 - 6%, chính sách tín dụng được nới lỏng…
Khi thực hiện quyết liệt giải pháp này, lúc đầu giá chứng khoán có thể giảm, nhưng sau đó sẽ trở lại trạng thái bình thường, hấp dẫn NĐT hơn, thị trường đi vào quỹ đạo ổn định hơn.
Về giải pháp thứ ba, ông Nguyễn Đình Tài, Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương đặt ra vấn đề nâng cao quản trị doanh nghiệp, bảo vệ NĐT. Theo chuyên gia này, kém công khai hóa là một trong các vấn đề lớn của quản trị công ty hiện nay.
Cụ thể, cổ đông không nhận được một cách kịp thời, chính xác và đầy đủ thông tin cơ bản về công ty, từ tổng số tài sản đến đánh giá chính xác về thực trạng tài chính hiện nay và thông tin về lưu chuyển tiền tệ trong quá khứ. Đó là những thông tin "cứng", thông tin chuẩn mực cho phép NĐT đánh giá trị giá công ty theo thực trạng.
Cổ đông cũng không nhận được thông tin mềm hay thông tin dự tính tương lai, bao gồm những dự đoán của HĐQT hay cán bộ quản lý khác về những biến đổi giá có thể xảy ra trên mỗi loại thị trường mà công ty đang hoạt động (sản phẩm, cung ứng nguyên liệu, thị trường vốn, lao động…) và ước tính thay đổi cầu đối với sản phẩm của công ty.
Thông tin loại này là không thể thiếu để đánh giá giá trị công ty trong dòng vận động, vì nó cho phép NĐT dự tính được những thay đổi có thể xảy ra trong tương lai trong lưu chuyển tiền tệ. Các thông tin trực tiếp liên quan đến lợi ích của những người quản lý cũng rất ít, thậm chí không được công khai như tiền lương, thù lao và lợi ích khác.
Ông Tài nói: "Thông tin về đối tượng mà NĐT gửi gắm tiền bạc và tương lai của mình đến từ 3 nguồn: bản cáo bạch (do công ty soạn ra), các báo cáo tài chính (cũng do công ty đưa ra) và các tin đồn đại".