![]() |
Lãi suất đã giảm xuống bằng mức cuối năm 2007. Trong ảnh: Giao dịch tại Ngân hàng Đông Á - TPHCM. Ảnh: T. THẠNH |
Nới lỏng chính sách tiền tệ lúc này sẽ có tác dụng ngăn ngừa suy thoái kinh tế, song việc giảm lãi suất với cường độ lớn và liên tục trong thời gian ngắn cũng tạo áp lực về tài chính khá lớn với các ngân hàng thương mại
Ngân hàng Nhà nước đang mạnh tay nới lỏng chính sách tiền tệ nhằm thực hiện gói giải pháp kích cầu đầu tư và tiêu dùng. TS Lê Xuân Nghĩa, Phó Chủ tịch Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia, cho rằng chính sách này có thể dẫn đến nhiều nguy cơ.
Nợ xấu có thể tăng
Theo ông Lê Xuân Nghĩa, có 3 nguy cơ cần đề phòng khi nới lỏng chính sách tiền tệ, đó là lạm phát gia tăng, thâm hụt thương mại và phát sinh nợ xấu. Trong đó, nguy cơ lạm phát gia tăng trở lại có thể không lớn vì giá cả vật tư nguyên liệu đang giảm rất mạnh, khó gây áp lực lạm phát chi phí đẩy. Nguy cơ lạm phát do cầu kéo không đáng lo ngại vì cầu tiêu dùng nội địa đang rất yếu, cầu hàng VN xuất khẩu cũng giảm mạnh. Theo dự tính, thâm hụt thương mại năm 2009 cũng không lớn, thâm hụt cán cân vãng lai khoảng 6% GDP, thấp hơn mức 10% của năm nay.
Riêng nguy cơ nợ xấu có thể trở thành vấn đề của trung hạn. Theo dự báo của Ngân hàng Nhà nước, nợ xấu năm 2008 chiếm khoảng 4% tổng dư nợ của nền kinh tế, năm 2009 có thể tăng lên gần 5%, song vẫn thấp hơn mức dự kiến trong chiến lược phát triển ngành ngân hàng giai đoạn 2006-2010. Điều này cho thấy nợ xấu vẫn nằm trong tầm kiểm soát của ngân hàng Trung ương và các ngân hàng thương mại. Với khoản trích lập dự phòng rủi ro hiện nay của các ngân hàng thương mại và dự kiến sẽ tăng thêm trong thời gian tới, có thể bù đắp được 60%-70% nợ xấu nêu trên.
Theo TS Lê Xuân Nghĩa, nới lỏng chính sách tiền tệ lúc này sẽ có tác dụng ngăn ngừa suy thoái kinh tế, song việc giảm lãi suất với cường độ lớn và liên tục trong thời gian ngắn cũng tạo áp lực về tài chính khá lớn với các ngân hàng thương mại, kể cả ngân hàng lớn. Đó là phải lập quỹ dự phòng rủi ro lớn hơn và kết quả tài chính có thể giảm sút.
Sẵn sàng trở lại cơ chế lãi suất thỏa thuận
Sau cuộc đua lãi suất kéo dài từ đầu năm, đến nay lãi suất đã giảm xuống tương đối thấp, bằng mức cuối năm 2007. Việc giảm lãi suất sẽ giúp doanh nghiệp giảm chi phí vốn. Song để kích cầu, cần có cơ chế điều hành lãi suất linh hoạt hơn. Các ngân hàng cho rằng cần sớm đưa lãi suất về nguyên tắc thỏa thuận vì hiện nay, lãi suất cơ bản càng giảm, ngân hàng càng vướng “trần”, khó đẩy vốn ra lưu thông.
Trong một nghiên cứu mới đây, Ngân hàng Đầu tư và Phát triển (BIDV) đã đề nghị Ngân hàng Nhà nước hủy bỏ cơ chế lãi suất trần để trở về cơ chế lãi suất thỏa thuận. Theo BIDV, lãi suất cơ bản chỉ để định hướng chứ không phải mức lãi suất làm căn cứ để ép buộc việc ấn định lãi suất cho vay đối với tất cả các khoản vay khác nhau. lãi suất cơ bản giảm dưới 10%/năm nhưng tiếp tục quy định trần sẽ khó có thể khơi thông luồng vốn.
Theo TS Lê Xuân Nghĩa, Chính phủ đã có chủ trương thực hiện cơ chế lãi suất thỏa thuận và đang chuẩn bị các cơ sở về kinh tế pháp lý cần thiết. “Thực hiện cơ chế lãi suất thỏa thuận sẽ giúp các ngân hàng và doanh nghiệp chủ động hơn trong việc lập kế hoạch về dòng tiền và tài chính để phân bổ vốn một cách hiệu quả” - ông Nghĩa nhận định.
Ngân hàng cho vay nặng lãi: Khó xảy ra TS Cao Sĩ Kiêm, thành viên Hội đồng Tư vấn Chính sách tiền tệ quốc gia, cho rằng tại thời điểm này, điều kiện thị trường đã cho phép trở lại cơ chế lãi suất thỏa thuận và Ngân hàng Nhà nước hiện đang khẩn trương ban hành cơ chế để có thể áp dụng ngay. Theo cơ chế này, khách hàng có thể vay lãi suất rất cao hoặc rất thấp, tùy theo nguồn cung ứng vốn của ngân hàng hoặc mức độ rủi ro của khoản vay. Tuy nhiên, cơ chế này cũng có thể dẫn đến nguy cơ ngân hàng cho vay nặng lãi. Dù vậy, theo TS Cao Sĩ Kiêm, việc ngăn ngừa cho vay nặng lãi là cần thiết, song thực tế khó xảy ra vì trong lĩnh vực ngân hàng, tính cạnh tranh rất cao. Nhất là lúc này, ngân hàng tìm cách “đẩy” vốn đi chưa được thì khó lòng đạt được thỏa thuận cho vay lãi suất cao. |