Tăng tỷ giá: Chưa đủ!

Việc điều hành tăng hay giảm tỷ giá, nới hay hạn chế biên độ giao dịch mua bán ngoại tệ, phải có mục tiêu, có dự báo và phải có đánh giá lại.

Tác động của việc tăng tỷ giá bình quân liên ngân hàng thêm 3% sẽ không như mong muốn, nếu chỉ dừng ở đó.

Quyết định tăng tỷ giá bình quân liên ngân hàng thêm 3%, (từ mức 16.494 đồng ăn một đôla lên 16.989 đồng) của Ngân hàng Nhà nước ngày 24/12 vừa qua được coi là một trong những động thái linh hoạt chính sách tỷ giá, tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động xuất khẩu và ổn định thị trường ngoại tệ trong nước.

Tuy nhiên, tác động của nó sẽ không như mong muốn nếu Ngân hàng Nhà nước chỉ dừng ở việc điều chỉnh này.

Lý lẽ và thị trường

Phản ứng của thị trường ngay sau quyết định này của Ngân hàng Nhà nước là giá ngoại tệ trên thị trường tự do lập tức tăng vọt từ 17.200 đồng/USD lên trên 17.500 đồng/USD. Ở một số điểm mua bán ngoại tệ ở Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh lại bắt gặp cảnh hàng dòng người vào hỏi mua đôla Mỹ với tâm lý giá sẽ còn lên nữa.

Trong khi đó, ngày 25/12 - ngày bắt đầu thực hiện mức giá giao dịch mới, tất cả các ngân hàng thương mại nhà nước đều công bố giá giao dịch là 17.200-17.300 đồng/USD (giá mua) và 17.450 đồng /USD (giá bán); còn ở các ngân hàng thương mại cổ phần, tỷ giá VND/USD hầu như đã chạm trần với mức bán là 17.490 đồng /USD, thậm chí có ngân hàng (Techcombank) niêm yết giá bán là 17.499 đồng/USD.

Sang đến ngày 26/12, tỷ giá USD do Ngân hàng Nhà nước công bố đã được điều chỉnh giảm chút ít, xuống còn 16.987 đồng/USD. Thế nhưng, giá niêm yết ngoại tệ tại các ngân hàng không vì thế mà đã hạ nhiệt. Tại Vietcombank, giá mua và bán USD được niêm yết ở mức lần lượt là 17.380 đồng/USD và 17.495 đồng/USD, tăng 100 đồng/USD và 45 đồng/USD so với hôm trước.

Các chuyên gia cho rằng, việc ngay lập tức các ngân hàng thương mại tăng gần như “kịch trần” cho thấy cung ngoại tệ đang có “vấn đề”.

Trên thị trường tự do, giá USD dường như chỉ nhúc nhích ở bên mua, còn bên bán vẫn giữ nguyên. Tại một số điểm giao dịch, giá USD phổ biến ở mức 17.400 đồng/USD (mua vào) và 17.500 đồng/USD (bán ra).

Trở lại với quyết định của Ngân hàng Nhà nước, Thống đốc Nguyễn Văn Giàu khẳng định, việc tăng tỷ giá xuất phát trên cơ sở những tín hiệu của thị trường, hỗ trợ xuất khẩu, kiểm soát nhập khẩu cũng như vì mục tiêu quản lý dài hạn, tạo lòng tin cho nhà đầu tư và người dân vào chính sách của Chính phủ.

"Mặt bằng tỷ giá mới sẽ góp phần hỗ trợ xuất khẩu, kiểm soát nhập siêu và đảm bảo sự bền vững của cán cân thanh toán quốc tế đồng thời hạn chế tâm lý kỳ vọng tỷ giá sẽ tăng cao, tạo điều kiện cho doanh nghiệp chủ động xây dựng phương án sản xuất kinh doanh ổn định," thông cáo phát đi của Ngân hàng Nhà nước nêu rõ.

Phát biểu tại phiên họp thường kỳ chính phủ, ông Giàu cho rằng, với lần điều chỉnh tỷ giá ngoại tệ này, diễn biến thị trường sẽ rất thuận lợi, tốt hẳn lên so với trước và "Ngân hàng Nhà nước đủ sức để kiểm soát thị trường."

Theo ông Giàu, chính sách tiền tệ của Việt Nam thời gian qua luôn bám sát mục tiêu "linh hoạt, thận trọng" và theo diễn biến của nền kinh tế. Riêng trong tháng 12/2008, Ngân hàng Nhà nước tiếp tục điều chỉnh giảm lãi suất cơ bản xuống còn 8,5% một năm, lãi suất tái cấp vốn xuống 9,5% một năm, lãi suất tái chiết khấu còn 7,5% mỗi năm. Biên độ tỷ giá USD/VND cũng được nới rộng +,-3% so với tỷ giá ngân hàng. Nhờ đó, các tổ chức tín dụng đã hạ được lãi suất đầu ra, giúp doanh nghiệp có điều kiện tiếp cận vốn với chi phí thấp hơn để phục vụ sản xuất kinh doanh, tạo thuận lợi xuất khẩu.

Mặt khác, nguồn dự trữ ngoại hối của Ngân hàng Nhà nước hiện nay vẫn đảm bảo, cao hơn mức 20,3 tỷ USD của cuối năm 2007. Thêm vào đó, lượng kiều hối được dự báo sẽ về nhiều vào dịp cuối năm cộng với nhập siêu được kiểm soát (khoảng 17 tỷ USD), sẽ là những yếu tố thuận lợi cho tỷ giá ổn định.

Bài toán cung-cầu

Thế nhưng, thị trường không phải lúc nào cũng tuân theo các ý muốn chủ quan! Tâm lý lo sợ về khả năng đồng tiền Việt Nam có thể sẽ mất giá hơn nữa là vẫn có và từ đó dẫn đến tình trạng "găm giữ" đôla Mỹ.

Bởi, nhìn vào thực tế, bản chất của việc tăng tỷ giá bình quân liên ngân hàng từ 16.494 đồng/USD lên 16.989 đồng/USD, cũng có nghĩa là Ngân hàng Nhà nước đã trực tiếp "phá giá" đồng Việt Nam thêm 3 điểm phần trăm. Như vậy, nếu cộng thêm cả biên độ giao dịch mua bán ngoại tệ mà các tổ chức tín dụng được phép áp dụng là cộng trừ 3%, nếu tỷ giá giao dịch được niêm yết kịch trần thì mức phá giá VND đã là là trên 6%. Theo tính toán của các chuyên gia, từ đầu năm đến nay, nếu tính cả lần điều chỉnh tỷ giá này thì mức độ mất giá của VND so với USD đã là 9%.

Nhiều chuyên gia kinh tế trong nước cho rằng việc điều chỉnh tỷ giá sẽ có tác động đa chiều đến nhiều lĩnh vực hoạt động khác nhau trong nền kinh tế. Cụ thể là giảm giá VND một mặt sẽ có tác dụng hỗ trợ xuất khẩu, giảm thâm hụt thượng mại... nhưng mặt khác sẽ làm tăng giá hàng nhập khẩu, tạo sức ép tăng giá hàng hóa trong nước, tăng sức ép lên các khoản dư nợ vay nước ngoài của chính phủ và doanh nghiệp, tăng rủi ro cho các nhà đầu tư nước ngoài đã đầu tư ở Việt Nam khi phải mua ngoại tệ chuyển về nước...

Vì vậy, cần có các nghiên cứu đánh giá cụ thể điều kiện và đặc điểm của nền kinh tế để xác định và dự báo mức độ ảnh hưởng cụ thể của việc điều chỉnh tỷ giá lên từng lĩnh vực nhằm quyết định mức độ điều chỉnh phù hợp với các mục tiêu ưu tiên cũng như những mặt hạn chế phải sẵn sàng chấp nhận trong từng giai đoạn phát triển của nền kinh tế.

Các chuyên gia cũng cho rằng, để giải được "bài toán" về tỷ giá thì cần phải nắm bắt được các yếu tố có thể tác động lên biến động của tỷ giá, mà các yếu tố này có thể chia làm 3 nhóm cơ bản.

Nhóm thứ nhất là các yếu tố ảnh hưởng từ hoạt động cơ bản của nền kinh tế (bao gồm cả yếu tố bên trong và bên ngoài); trong đó "bên trong" được hiểu là là cân đối cán cân thâm hụt thương mại, đầu tư nước ngoài, kiều hối, vay nợ, viện trợ..., tức là cân đối giữa các dòng tiền ngoại tệ vào và ra trong nền kinh tế tạo ra cung và cầu ngoại trên thị trường trong nước.

Cụ thể, trong một năm, luồng ngoại tệ đổ vào Việt Nam sẽ tạo ra cung về ngoại tệ trong nước, gồm từ xuất khẩu, giải ngân đầu tư nước ngoài, kiều hối, giải ngân ODA, thu từ hoạt động dịch vụ du lịch bằng ngoại tệ, từ các khoản vay ngoại tệ nước ngoài... Những yếu tố tạo ra cầu ngoại tệ trong nước gồm nhập khẩu, đầu tư ra nước ngoài, viện trợ, du lịch, trả nợ vay.... Về nguyên lý thị trường, nếu cung lớn hơn cầu thì tỷ giá thông thường sẽ có xu hướng giảm và ngược lại.

Yếu tố “bên ngoài” là tình hình biến động tỷ giá của những nước trong khu vực, nhất là những nước có cơ cấu hàng xuất-nhập khẩu tương tự như Việt Nam. Nếu đồng nội tệ của các nước này biến động mạnh so với đôla Mỹ (mất giá mạnh so với đôla Mỹ) thì điều đó cũng sẽ tăng sức ép lên VND ở trong nước.

Ví dụ những hàng xuất nhập khẩu của các nước như Trung Quốc, Thái Lan... tương đối giống Việt Nam thì đồng nội tệ của những nước này nếu mất giá nhiều so với đôla Mỹ mà VND vẫn giữ nguyên thì sẽ tạo ra một lợi thế cạnh tranh cho các nước đó trong việc giảm giá bán hàng xuất khẩu của họ, gây sức ép lên tỷ giá VND/USD trong nước.

Nhóm yếu tố thứ hai cũng rất quan trọng là tâm lý. Mặc dù các chỉ số kinh tế vĩ mô trong nước là tốt, nhưng nếu chính phủ không quản lý việc cung cấp thông tin một cách phù hợp, công khai, minh bạch để tạo ra một tâm lý ổn định trong dân chúng thì dễ dẫn đến tình trạng doanh nghiệp, dân chúng không tin vào VND, không tin vào chính sách... Họ lo sợ VND mất giá, và khi đó dù các chỉ số kinh tế vĩ mô tốt nhưng họ vẫn có xu thế găm giữ ngoại tệ, tạo ra cầu "ảo" (cầu đầu cơ), gây đột biến trên thị trường.

Mặt khác, do Việt Nam đã bỏ chính sách kết hối ngoại tệ (tập trung nguồn thu ngoại tệ vào hệ thống ngân hàng), nên các doanh nghiệp xuất khẩu không nhất thiết phải bán ngoại tệ cho ngân hàng mà có thể giữ lại. Đó cũng là một ức ép làm tăng giá ngoại tệ trên thị trường do ngân hàng không mua được của doanh nghiệp xuất khẩu để cân đối đủ nguồn vốn ngoại tệ bán cho những doanh nghiệp nhập khẩu có nhu cầu.

Cần có những giải pháp cụ thể

Gần đây, BIDV có công bố một số liệu thống kê lượng tiền gửi ngoại tệ tại các ngân hàng Việt Nam hiện nay lên tới trên 10 tỷ USD. Có thể hiểu rằng ngoài những đối tượng gửi tiền tạm thời để chuẩn bị cho các nhu cầu hoạt động cơ bản thông thường của nền kinh tế như nhập khẩu, trả nợ vay, chuyển vốn đầu tư về nước,... thì phần còn lại là của các doanh nghiệp xuất khẩu và người dân chưa thực sự có niềm tin vào VND.

Với cơ chế quản lý ngoại hối hiện nay, các ngân hàng không kiểm soát nguồn gốc của các khoản tiền gửi ngoại tệ nên khi tâm lý lo ngại VND mất giá xảy ra thì nhiều người dân có thể đổ xô đi mua ngoại tệ ở thị trường chợ đen và gửi tiết kiệm vào ngân hàng để đầu cơ, găm giữ ngoại tệ.

Nếu biết cách xử lý, tạo được niềm tin thì nguồn vốn này sẽ không bị găm giữ, mà sẽ trở thành "trạng thái tiền tệ," tạo ra lượng cung ngoại tệ đáng kể để các ngân hàng có thể cung ứng ngược trở lại cho thị trường, đảm bảo đáp ứng kịp thời cho các doanh nghiệp và người dân có nhu cầu sử dụng ngoại tệ thực sự như nhập khẩu, trả nợ vay nước ngoài, đi học tập, chữa bệnh ở nước ngoài... tạo ra sự phát triển hiệu quả và lành mạnh của tổng thể nền kinh tế.

Nhóm yếu tố thứ 3 có khả năng ảnh hưởng đến tỷ giá ở Việt Nam chính là mong muốn chủ quan của cơ quan điều hành chính sách tỷ giá về mức độ biến động tỷ giá phù hợp. Do cơ chế điều hành chính sách tỷ giá USD/VND hiện nay vẫn là sử dụng cơ chế quản lý biên độ giao dịch mà chưa thể để tỷ giá tự điều chỉnh theo cung cầu thị trường nên yếu tố chính sách có ảnh hưởng rất lớn đến biến động tỷ giá trên thị trường.

Vì vậy, các chuyên gia nhấn mạnh, việc điều hành tăng hay giảm tỷ giá, nới hay hạn chế biên độ giao dịch mua bán ngoại tệ, phải có mục tiêu, có dự báo và phải có đánh giá lại, làm sao thể hiện được quan điểm của người quản lý là trong bối cảnh này thì tỷ giá ở mức độ như thế nào là phù hợp để vừa khuyến khích được xuất khẩu nhưng vẫn phải đảm bảo hài hòa được các lợi ích trong tổng thể nền kinh tế.

Cũng vì vậy, việc điều hành chính sách có thể đi trước thị trường nếu chúng ta có dự báo tốt nhưng cũng có thể luôn bị động đuổi theo thị trường nếu chúng ta dự báo không tốt.

Do đó, theo các chuyên gia, đi liền với quyết định này, Ngân hàng Nhà nước cần phải có những giải pháp cụ thể hơn để điều hành, bảo vệ mức tỷ giá mục tiêu như mình mong muốn.

Nếu chỉ bằng biện pháp điều chỉnh tỷ giá liên ngân hàng, giữ nguyên biên độ mà thiếu các biện pháp can thiệp cụ thể đủ mạnh để điều hòa cung cầu ngoại tệ, giải quyết thực tế sự mất cân đối cung cầu đang diễn ra trên thị trường thì trong điều kiện tình hình thị trường ngoại tệ căng thẳng vừa qua (tâm lý thị trường trong nước hiện nay là cung không đáp ứng đủ cầu), nhiều người muốn mua đôla Mỹ mà không mua nổi, kể cả giá cao cũng không mua nổi, thì việc điều chỉnh có thể sẽ bị phản tác dụng do hiệu quả của chính sách điều chỉnh không được thể hiện rõ trên thị trường. Như thế, thị trường sẽ tiếp tục căng thẳng và tâm lý có thể sẽ bị đè nặng hơn nữa./.


Theo Khánh Chi
(Vietnam+)

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây