![]() |
Nhiều mặt hàng tăng giá cao trong thời gian qua. |
Sau khi bỏ tiền ra mua số lượng lớn ngoại tệ vào cuối năm 2007, bây giờ chúng ta lại đang phải dùng các chính sách tài chính, chính sách tiền tệ để điều chỉnh dòng lưu thông của tiền tệ.
Với sự giảm sức mua của VND hiện nay, dù có hạn chế lưu thông tiền tệ thì lạm phát vẫn tăng. Việc kiểm soát tiền tệ của chúng ta như thế nào? Đồng thời với việc hạn chế cho vay tín dụng (tác động: Thiếu vốn thì sản suất không phát triển) là việc tăng lãi suất tiền gửi (tác động: Tăng nguồn tiền cho ngân hàng - nhưng tiền đã dùng mua ngoại tệ với số lượng lớn, tăng lãi suất là tăng chi phí nên nhiều VND đầu tư mới làm ra 1 GDP - ý kiến của một chuyên gia ngân hàng), tiếp đó là việc tăng giá xăng dầu từ ngày 25.2 vừa qua (tác động: Làm tăng đầu vào ở hầu hết các ngành sản suất làm cho sản phẩm đầu ra tăng giá và tăng lợi ích cho một bộ phận)...
Gần như đồng thời thực hiện các giải pháp trên đây là cách làm thiếu sự đồng bộ. Ở mức độ nào đó việc tăng giá xăng dầu sẽ đẩy mức độ lạm phát lên cao hơn, có khả năng vượt qua hai con số.
Đã đến lúc Nhà nước phải áp dụng những biện pháp quyết liệt để kiềm chế lạm phát. Không nền kinh tế nào có thể né được lạm phát, mà phải đối mặt với nó. Nhưng sự đối mặt phải vừa mềm dẻo, vừa cứng rắn, vừa khôn khéo, vừa kiên quyết, chứ không thể dùng cách như "đổ thêm dầu vào lửa" như một tờ báo ngày 26.2 vừa nói.
Không sợ đến mức nói đến lạm phát là phạm huý, nhưng cũng không coi thường nó. Việt Nam đã trải qua kinh nghiệm kiềm chế lạm phát. Kinh nghiệm đó cho thấy chúng ta không thể chủ quan trong mọi trường hợp và cũng không thể thờ ơ trước biến đổi của các nền kinh tế hàng xóm đang ở mức lạm phát cao nhất từ hơn 10 năm qua.
Bất cứ một động thái nào của ngành ngân hàng, tài chính nhằm kiềm chế lạm phát cũng đều đưa đến những tác động 2 mặt. Vấn đề là cân nhắc để chọn cách nào đem lại tác động tích cực nhiều hơn tiêu cực.
Một nhóm người tài phiệt có thể hưởng lợi, nhưng đa số dân chúng lại bị thiệt hại từ các động thái nào đó của cơ quan quyền lực. Sự cân bằng lợi ích hoặc ưu tiên lợi ích của số đông dân chúng mới là biểu hiện của một xã hội tiến bộ.
Phải làm sao để lạm phát là gia vị vừa đủ ngon của một nền kinh tế phát triển. Muốn thế thì không thể cứ chống lạm phát theo lối "không sợ súng".