![]() |
Khách hàng đến chờ gửi tiền tại ngân hàng Đông Á ngày thứ Hai (25-2). |
Ngân hàng TMCP Việt Á (VAB) ngày 25-2 thông báo tăng lãi suất huy động ngắn hạn với mức lãi suất cho kỳ hạn một tháng (lãnh cuối kỳ) lên đến 13,2%/ năm, và kỳ hạn hai và ba tháng lần lượt là 13,8%/năm, 13,92%/năm. Ngay lập tức trong ngày 25-2 hàng ngàn người dân đã ùn ùn kéo đến gửi tiền tại ngân hàng.
Ngân hàng quy định khách gửi tiết kiệm để hưởng lãi suất này phải gửi ít nhất 10 trệu đồng, các tổ chức kinh tế ít nhất là 100 triêu đồng, và không được rút vốn trước hạn. Nếu có nhu cầu, khách hàng có thể cầm cố sổ tiền gửi để vay vốn tại VAB theo lãi suất quy định hiện hành của VAB tại từng thời điểm. Mặc dù 10 triệu không phải là con số nhỏ, nhưng người dân vẫn cứ ùn ùn gửi tiền vào VAB trong ngày hôm nay (26-2).
Vào thời điểm 5giờ30 chiều ngày 26-2 vẫn còn khoảng 20 người đang chờ gửi tiền tại trụ sở Ngân hàng Việt Á. Ông Phan Trọng Nhơn, Trưởng phòng Hành chính quản trị của ngân hàng, cho biết không thể thống kê được số lượng người đến gửi tiền trong ngày 26-2 là bao nhiêu nhưng số lượng người thường trực tại ngân hàng lúc nào cũng duy trì khoảng hơn 100 người. Ông nhận xét lượng người đến gửi tiền hôm nay còn đông hơn ngày hôm qua. Đến buổi chiều, có một tốp người đến trước cửa trụ sở VAB phát tờ rơi của ngân hàng Techcombank với nội dung sẽ tăng lãi suất lên đến 14,2% cho tất cả các kỳ hạn từ 1 đến 12 tháng và phòng giao dịch của Techcombank sẵn sàng phục vụ đến 19giờ trong ngày. Sau đó, tốp người này đã bị công an giải tán. |
Ông Phạm Duy Hưng, Tổng giám đốc Ngân hàng Việt Á cho biết, ngân hàng thông báo tăng lãi suất từ thứ Bảy tuần trước, và chỉ trong vòng ngày thứ Hai đầu tuần này đã huy động được 500 tỉ đồng từ khách hàng, xấp xỉ mức huy động của ngân hàng trong cả tháng 1.
Ông Hưng cho biết không phải ngân hàng thiếu thanh khoản (thiếu tiền mặt cho các hoạt động thanh toán) mà do đứng trước cuộc đua tăng lãi suất của các ngân hàng khác, VAB không thể đứng ngoài cuộc được và ông cho rằng mức tăng của ngân hàng lần này nằm trong chừng mực và chỉ tăng đối với các kỳ hạn ngắn để giải quyết nhu cầu của ngân hàng.
Đây là lần đầu tiên kể từ đầu năm, VAB tăng lãi suất trong khi nhiều ngân hàng đã thông báo tăng đến lần thứ hai, thứ ba, và có ngân hàng tăng đến lần thứ năm. Ngân hàng Đông Á cuối tuần rồi cũng đã chính thức tăng lãi suất lần thứ ba kể từ đầu năm lên mức khá cao đối với các kỳ hạn trên sáu tháng, cụ thể lãi suất cho kỳ hạn 12 tháng lên đến 13,56%/năm.
Ông Trần Phương Bình, Tổng giám đốc Ngân hàng Đông Á, cho biết nếu không tăng lãi suất, khách hàng bỏ đi hết, thì chi phí tiếp thị cho việc huy động vốn còn tăng nhiều hơn. Ông Bình khẳng định các ngân hàng không phải thiếu vốn mà phải tăng lãi suất, mà vì để giữ chân khách hàng.
Phó tổng giám đốc Ngân hàng Miền Tây (Western Bank) ông Nguyễn Quốc Sỹ thì bức xúc nói, ngân hàng ông hiện đang thừa thanh khoản vì vừa được tăng vốn từ 200 lên 1.000 tỉ đồng, nghĩa là đang dư vốn đến 800 tỉ đồng, thế nhưng do lãi suất không bằng các ngân hàng khác đưa đến nguy cơ khách hàng bỏ đi nên ngân hàng cũng phải lao vào cuộc đua. Chỉ vừa thông báo tăng lãi suất vào ngày thứ Hai tại tất cả các kỳ hạn thì ngày thứ Ba, Western Bank lại tiếp tục thông báo tăng lãi suất từ 0,01% đến 0,13% ở các kỳ hạn ngắn từ 1 đến 12 tháng.
Ông Sỹ cho biết nhiều ngân hàng đang phải tăng mạnh lãi suất huy động để có vốn giải quyết vấn đề thiếu thanh khoản ngắn ngày chứ không phải nhu cầu cho vay tăng. Hiện nay, do lãi suất huy động tăng, kéo theo lãi suất cho vay cũng tăng, khiến khách hàng là doanh nghiệp không dám đi vay mà đang đứng chờ đợi xem động thái của ngân hàng và chỉ những doanh nghiệp nào quá cần vốn mới đi vay với giá cắt cổ như hiện nay. Lãi suất cho vay hiện nay của các ngân hàng ít nhất cũng phải là 13%/năm, ông Sỹ cho biết.
Ngân hàng Nhà nước hiện đang yêu cầu các ngân hàng ngồi lại với nhau để có thể thỏa thuận một mặt bằng lãi suất chung, tuy nhiên theo các ngân hàng điều này là không thể. Giám đốc một ngân hàng cho biết chính Nhà nước đã không công bằng với các ngân hàng, khi lãi suất trả cho tín phiếu bắt buộc là 7,8%/năm trong khi lãi suất cho vay ra trên thị trường mở lại đến 15%, thì khó mà yêu cầu có một cuộc gặp mặt giữa các ngân hàng về vấn đề lãi suất.
Tuy nhiên, ông Nguyễn Ngọc Bảo, Vụ trưởng Vụ chính sách tiền tệ thuộc Ngân hàng Nhà nước, lại khẳng định với TBKTSG Online rằng các ngân hàng sẽ sớm ngồi lại với nhau để giải quyết vấn đề này. Ông Bảo cho biết Ngân hàng Nhà nước bằng các ông cụ của mình thời gian qua đã can thiệp thông qua thị trường mở giúp các ngân hàng đảm bảo khả năng thanh toán, khiến cho lãi suất trên thị trường liên ngân hàng đã bình ổn trở lại, chỉ xoay quanh mức 8-10%.
Ông khẳng định hệ thống ngân hàng hiện không thiếu thanh khoản mà chỉ là thiếu thanh khoản cục bộ tại một số các ngân hàng nhỏ, do đã mở rộng tín dụng quá nhiều mà không đầu tư vào giấy tờ có giá. Ông cho biết trong vài ngày nữa tình hình đua lãi suất sẽ bình ổn trở lại khi các ngân hàng đã giải quyết được khó khăn trong ngắn hạn.
Ngân hàng không được huy động lãi suất quá 12%/năm Chiều ngày 26-2, thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã có công điện gửi các chi nhánh NHNN, ngân hàng thương mại trong đó yêu cầu các ngân hàng phải thực hiện việc huy động vốn theo nguyên tắc lãi suất không âm và không được vượt quá 12%/năm (1%/tháng). Biện pháp này nhằm chấn chỉnh tình trạng tăng lãi suất huy động chóng mặt trong những ngày qua dẫn đến tình trạng chạy vốn tiền gửi từ ngân hàng này sang ngân hàng khác. Trong công điện cũng cho biết NHNN đã và đang có những biện pháp nhằm hỗ trợ vốn thanh toán cho các ngân hàng, đặc biệt là các ngân hàng cổ phần nhỏ. Như vậy, các ngân hàng đã đưa ra mức lãi suất huy động cao hơn 1%/tháng sẽ phải điều chỉnh giảm trở lại. Theo kế hoạch, hôm nay NHNN sẽ triển khai các quy định này cho các ngân hàng thương mại trên địa bàn. (Theo Tuổi Trẻ) |