![]() |
Giá điện sẽ chưa điều chỉnh trong thời điểm này. |
Trước những băn khoăn của người dân khi các đơn vị sản xuất, kinh doanh đưa ra dự kiến lộ trình tăng giá điện, than - những mặt hàng đầu vào cho sản xuất, sinh hoạt - ngày 15.3, tại buổi làm việc với Ngân hàng Nhà nước, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã nhấn mạnh, ưu tiên hàng đầu của Chính phủ là tập trung kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô. Cũng tại hội nghị, người đứng đầu Chính phủ chính thức tuyên bố: Chưa điều chỉnh giá điện, giá than để tránh gây thêm một "cú sốc" đầu vào.
Liệu pháp tình thế
Đây là quyết định sáng suốt của Chính phủ trong bối cảnh 3 tháng đầu năm nay, thị trường trong nước gặp nhiều diễn biến không thuận, CPI 2 tháng đầu năm đã tăng tới mức kỷ lục với 6,02% và dự kiến chưa dừng lại. Lạm phát gia tăng dẫn đến giá cả nhiều vật tư, hàng hoá tiêu dùng tăng theo.
Nếu tiếp tục lộ trình điều chỉnh giá một số mặt hàng nhiên liệu đầu vào thiết yếu cho sản xuất, sinh hoạt như điện, than (trước đó Chính phủ đã quyết định không bù lỗ giá xăng dầu), thì sẽ là một cú "knoc-out" đối với nền kinh tế.
Ông Lê Quốc Ân- Chủ tịch Hiệp hội Dệt - May VN (Vitas) chính thức đề nghị Bộ Công nghiệp kiến nghị Chính phủ không tăng giá điện, trong bối cảnh các doanh nghiệp dệt may XK đang gặp nhiều khó khăn do đồng USD suy yếu, DN càng XK càng thua lỗ.
Tuy thế, bài toán về giá không loại trừ ngành nào. Bản thân ngành điện cũng đang gặp không ít khó khăn trước vai trò đảm bảo đủ điện cho nền kinh tế.
"Năm nào cũng vậy, không phải là chúng tôi không nhìn thấy và chủ động ứng phó trước nguy cơ thiếu điện. Nhưng bởi nhu cầu điện không ngừng tăng lên, trong khi hệ thống điện vẫn chưa có nguồn dự phòng. Mùa khô mấy năm rồi, chúng tôi phải huy động tất cả các nguồn, kể cả mua điện với giá đắt mà vẫn chưa đáp ứng đủ nhu cầu" - ông Nguyễn Mạnh Hùng - Phó TGĐ EVN không giấu nổi bức xúc.
Ông nói: "Hiện EVN đang mua điện của NMĐ Cà Mau của TĐ Dầu khí VN với giá nhiên liệu khí bằng 46% giá dầu (có nghĩa là giá dầu tăng, giá khí cũng tăng). Tại thời điểm này, chúng tôi mua xấp xỉ 8 cent/kWh, nhưng bán ra bình quân chỉ khoảng 5 cent/kWh. Như vậy, chỉ tính riêng mua điện của Cà Mau (1.500 MW), cả năm chúng tôi sẽ lỗ từ 2.000-3.000 tỉ đồng. Nếu năm ngoái cả TĐ Điện lực lãi được 3.000 tỉ thì năm nay coi như âm. Nếu tính tổng các nguồn điện mua ngoài, EVN sẽ lỗ tới 6.000 tỉ đồng".
Về lâu dài phải thoát cảnh "ăn đong"
Bài toán cân đối đầu tư trong ngành điện quả là bài toán nan giải. Trong năm 2008 này, với sản lượng điện thương phẩm phải đạt tới 68,05 tỉ kWh, tương ứng với điện sản xuất và mua ngoài của EVN là 77,2 tỉ kWh, ngành này cần hấp thụ khối lượng vốn đầu tư khổng lồ lên tới 47.638 tỉ đồng. Giai đoạn đến 2010, EVN cần huy động lượng vốn đầu tư lên tới 231.050 tỉ đồng đầu tư, bao gồm xây dựng 25 nhà máy điện trong tổng sơ đồ điện giai đoạn 6, hàng trăm nghìn km lưới và trạm biến áp.
Với khối lượng vốn khổng lồ như vậy, nhưng khả năng đáp ứng của EVN chỉ trông vào vốn tự có (khấu hao, tiền bán được từ cổ phần hoá, quỹ đầu tư phát triển); vốn ngân sách (chủ yếu để đền bù, tái định cư); vốn tín dụng nhà nước, vốn vay thương mại... Tổng cộng, các nguồn vốn EVN có khả năng huy động mới đáp ứng được khoảng 50% nhu cầu.
Tổng Giám đốc EVN - ông Phạm Lê Thanh trăn trở: "Trong bối cảnh như vậy, để đảm bảo huy động vốn, một kênh huy động khá hiệu quả mà thời gian qua EVN đã tiến hành là CPH các nhà máy phát điện (trừ các đơn vị phân phối), và CPH các nhà máy mới sau 1 năm đưa vào vận hành (như TĐ Sê San 3, Quảng Trị, A Vương, Buôn Kuốp, Buôn Tua Srah, Đồng Nai 4...).
Đối với các dự án vay vốn thương mại, TĐ sẽ thành lập Cty cổ phần chịu trách nhiệm thu xếp vốn cho công trình, đồng thời mời các cổ đông là các TĐ, TCT trong nước, các Cty con của TĐ tham gia góp vốn thành lập Cty CP, thậm chí kêu gọi các đối tác nước ngoài tham gia vốn đầu tư các trung tâm nhiệt điện than giai đoạn sau 2010. Nhưng tất cả những dự định này đều trông vào giá điện".
Với tỉ trọng thuỷ điện ngày càng giảm, suất đầu tư cho nhiệt điện cao (trong TSĐ6 chủ yếu là nhiệt điện than) thì giá điện cần được tính đúng, tính đủ các thông số đầu vào để đảm bảo các nhà đầu tư không lỗ. Ông Thanh tính toán, trong trường hợp áp dụng các giải pháp khắc phục thiếu điện do phải mua điện với giá cao, trong khi giá bán bình quân không tăng, EVN dự tính sẽ gánh một khoản lỗ tối đa lên tới 800 triệu USD (tuỳ thuộc phụ tải).
Trong cuộc trả lời phỏng vấn mới đây, ông Nguyễn Mạnh Hùng cho rằng: "Chúng tôi là doanh nghiệp, về nguyên tắc không thể kinh doanh trong điều kiện thua lỗ. Nhưng EVN là DN nhà nước và đang nằm trong sự điều tiết của Chính phủ. Trong bối cảnh nền kinh tế nhiều khó khăn, nếu Chính phủ bảo EVN không tăng giá theo lộ trình thì Chính phủ cần có cơ chế, chính sách để đảm bảo kinh doanh cho ngành điện".
Rõ ràng một cơ chế điều hành giá điện theo quy luật thị trường để thu hút nhà đầu tư, tạo môi trường cạnh tranh lành mạnh là việc sớm muộn sẽ phải thực hiện. Chỉ đến lúc ấy, ngành điện mới thoát khỏi các giải pháp tình thế, mang nặng tính "ăn đong" như hiện nay.
Hồng Quân