![]() |
Chuyện lạm phát không chỉ có ở Việt Nam. |
Ba là, từ tháng 2/2008, các loại lãi suất chủ đạo của Ngân hàng Nhà nước tăng cao hơn trước. Theo đó, lãi suất cơ bản tăng từ 8,25%/năm lên 8,75%/năm; lãi suất tái cấp vốn tăng từ 6,5%/năm lên 7,5%/năm và lãi suất chiết khấu tăng từ 4,5%/năm lên 6,0%/năm.
Bốn là, Ngân hàng Nhà nước ban hành Quyết định số 03/2008/QĐ-Ngân hàng Nhà nước, ngày 1/2/2008 về sửa đổi Chỉ thị 03 về cho vay chứng khoán, theo hướng thắt chặt cho vay hơn.
Cùng với 4 quyết định nói trên, Ngân hàng Nhà nước còn hạn chế mua USD, làm cho tỷ giá xuống thấp, vốn VND khan hiếm. Đây là cách làm khác hẳn với kinh nghiệm của Trung Quốc.
Tác động không mong đợi
Năm biện pháp đó đã gây ra nên cú sốc và phản ứng tiêu cực tức thì của thị trường tiền tệ và hoạt động của ngân hàng thương mại. Thị trường tiền tệ nóng lên chưa từng thấy.
Song quan ngại nhất là tác động đến tăng trưởng kinh tế. Hiện nay, hàng loạt ngân hàng thương mại hạn chế cho vay vốn. Thậm chí do lo vấn đề thanh khoản, một số ngân hàng thương mại hiện đã hạn chế cho vay và tập trung thu nợ. Một số ngân hàng thương mại chỉ cho khách hàng truyền thống, cho dự án tốt vay vốn, còn không cho vay đối với khách hàng mới.
Phần đông ngân hàng thương mại đã tăng lãi suất cho vay thêm 0,35% - 0,60%/tháng so với trước. Nhiều ngân hàng thương mại cho vay ngắn hạn VND với lãi suất 1,55% - 1,65%/tháng, lãi suất cho vay trung dài hạn lên tới 1,70% - 1,75%/tháng, nhưng không phải ai cũng vay được.
Một số ngân hàng thương mại cổ phần khác tăng lãi suất lên rất cao, ngắn hạn tới 1,95%/tháng, trung và dài hạn tới 2,0% - 2,05%/tháng. Với mức lãi suất đó chỉ có những khách hàng thực sự quá khó khăn, hoặc đầu tư mạo hiểm theo kiểu “lướt sóng” mua vàng mới dám vay, bởi vì hiếm có lĩnh vực sản xuất kinh doanh nào có mức lợi nhuận 24% - 26%/năm để đủ trả lãi ngân hàng.
Theo thông lệ, tác động của việc thực hiện chính sách tiền tệ có độ trễ ít nhất là 6 tháng. Do đó tình trạng thiếu vốn đầu tư cho nền kinh tế từ hạn chế cho vay sẽ tác động đến tăng trưởng kinh tế của Việt Nam trong nửa cuối năm 2008. Rõ ràng, mục tiêu tăng trưởng GDP là 9% trong năm nay khó đạt được.
Với những quy định khống chế trần lãi suất tiền gửi của ngân hàng thương mại là 12%/năm, Ngân hàng Nhà nước cũng cần có biện pháp khống chế ngay lãi suất cho vay, có lẽ hợp lý hơn cả là không được quá 15%/năm, nhằm hạn chế những rủi ro với chính các ngân hàng thương mại và với doanh nghiệp.
Bởi lẽ “vòng xoáy” lãi suất sẽ tạo nên mặt bằng mới về lãi suất trong nền kinh tế, làm tăng chi phí sản xuất kinh doanh, gây sức ép tăng giá, tạo thêm nguy cơ lạm phát. Hiện nay tỷ lệ dự trữ bắt buộc của Việt Nam đã cao gần bằng của Trung Quốc, nhưng lãi suất tiền gửi và lãi suất tiền vay lại cao gấp 2 lần, trong khi tăng trưởng kinh tế của Việt Nam chỉ bằng 70% mức tăng của Trung Quốc!
Coi trọng điều hành tỷ giá
Trong 2 năm gần đây, USD đã mất giá nhiều so với các ngoại tệ mạnh khác cũng như các đồng tiền trong khu vực, ước tính khoảng 20% - 24%.
Tuy nhiên ở Việt Nam thì lại để cho USD lên giá nhẹ: năm 2005 tăng 0,90%, năm 2006 tăng 0,90%, năm 2007 tăng 0,10%. Thậm chí năm 2007 Ngân hàng Nhà nước đã bơm ra tới gần 150.000 tỷ đồng mua khoảng 9,9 tỷ USD để thực hiện mục tiêu tăng giá nhẹ 0,50%.
Việc neo giữ tỷ giá quá lâu đã là nguyên nhân quan trọng góp phần gây nên lạm phát cao hiện nay. Việc này cũng làm cho hàng hoá nhập khẩu vào Việt Nam tăng giá, thêm phần lạm phát.
Cần cụ thể hoá các chính sách khác
Tiền tệ là một nguyên nhân quan trọng của lạm phát, song qua phân tích ở trên, lạm phát còn do cầu kéo, do chi phí đẩy. Các biện pháp thắt chặt tài khoá, nâng cao hiệu quả chính sách đầu tư,... đã được đề cập đến, nhưng hầu như mới chỉ nêu trong văn bản. Các biện pháp thúc đẩy sản xuất phát triển chưa thấy đề cập nhiều.
Chủ trương hỗ trợ 1 triệu đồng cho 1 con bò, con trâu bị chết rét, nhưng đến nay người dân vẫn chưa được hưởng. Bên cạnh đó, Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn lại khống chế dư nợ đối với các tỉnh không quá mức dư nợ thời điểm 30/11/2007, hoặc khống chế theo kế hoạch, làm cho vốn đầu tư cho nông nghiệp và nông thôn càng thiếu.
Các doanh nghiệp cần nâng cao năng lực cạnh tranh, đổi mới thiết bị, hiện đại hoá công nghệ, đa dạng hoá sản phẩm, chủ động tìm kiếm thị trường xuất khẩu mới, tiết kiệm chi phí trong hoạt động kinh doanh,... không nên chỉ ỷ lại vào tỷ giá. Chính phủ cần đẩy mạnh cải cách hành chính, chống tham nhũng, tiết kiệm và chống lãng phí trong chi tiêu từ ngân sách Nhà nước. Thực hiện kiên quyết khâu giải phóng mặt bằng, hoàn thành dứt điểm các dự án đầu tư. Kiên quyết thắt chặt việc chi tiêu từ ngân sách. Không nên chỉ gây sức ép quá lớn cả về cơ chế và dư luận lên điều hành chính sách tiền tệ.
Chính phủ cũng cần có các chính sách về miễn giảm thuế cho hộ nông dân sau đợt rét đậm vừa qua, có chính sách tín dụng ưu đãi thúc đẩy sản xuất nông nghiệp, ngư nghiệp,... phát triển. Chính phủ kiên quyết không bù lỗ giá xăng, giá điện... và sử dụng số tiền tiết kiệm do không phải bù lỗ để hỗ trợ trực tiếp cho người có thu nhập thấp.
Nguyễn Hà