Vì sao NHTMCP thiếu ngoại tệ?
Diễn biến NH điều chỉnh tăng lãi suất tiền gửi USD trong hơn một tuần qua có cái gì đó giống như kịch bản đua tăng lãi suất VND. Bắt đầu là hiện tượng thiếu nguồn để cho vay, nhu cầu vay USD trên thị trường ngoại tệ liên NH tăng, một số NHTMCP hạn chế (có NH tạm ngừng) cho vay ngoại tệ.
Tuần thứ hai của tháng 3, vài NH đầu tiên thông báo điều chỉnh tăng lãi suất USD, đã có dấu hiệu người dân và tổ chức rút ngoại tệ từ các NH mức lãi suất còn thấp gửi sang NH lãi suất cao. Để tránh bị rút vốn, nhiều NH tăng lãi suất theo, đến hôm nay thì danh sách đã nối khá dài.
Theo ý kiến một số NH, do lãi suất VND cao hơn nhiều so với lãi suất USD và đồng USD ngày càng mất giá, nên DN và người dân có ngoại tệ thường bán đi lấy VND gửi tiết kiệm hoặc đầu tư vào các lĩnh vực khác làm nguồn tiền gửi USD của NH giảm đi. Trong khi đó, các DN NK lại thích vay USD vì lãi suất thấp hơn. Chênh lệch giữa lãi suất cho vay VND và USD cộng với tỉ giá tương đối ổn định đã khiến nhu cầu vay ngoại tệ tăng nhanh.
Đáng chú ý, mức tăng dư nợ ngoại tệ của các NHTMCP luôn đứng đầu hệ thống. Đến tháng 2.2008, trong khi dư nợ cho vay ngoại tệ của các khối NH khác đều giảm so với cuối năm 2007, riêng NHTMCP vẫn tăng (2,5%). Tỉ lệ sử dụng vốn/nguồn vốn huy động USD của các NH CP rất cao. Ở Hà Nội là 93,8% (tỉ lệ này ở các NHTMNN 60,4%).
Tỉ lệ sử dụng vốn quá cao, cộng thêm thời điểm phải thực hiện tăng mức dự trữ bắt buộc ngoại tệ (tăng 1% ở các kỳ hạn tiền gửi ngoại tệ so năm 2007) đã khiến các NHTMCP gặp khó khăn hơn về nguồn ngoại tệ.
Một số biện pháp mà các NH đang sử dụng để bù đắp thiếu hụt ngoại tệ là tăng cường huy động vốn từ các tổ chức và dân cư. Trên thị trường ngoại tệ liên NH hiện cũng đã có dấu hiệu các NH "thủ thế" không cho vay nhiều, kỳ hạn dài vì lo ngại tình trạng thiếu USD như tình trạng VND tháng 2 vừa qua.
Thiếu ngoại tệ cũng phản ánh tình trạng còn căng thẳng về VND của một số NHTMCP. Các NHTMCP do quy mô nhỏ nên khả năng đáp ứng nhu cầu vốn ngoại tệ cho DN XNK lớn khó khăn.
Bên cạnh đó, thanh toán quốc tế chưa đủ uy tín nên thiếu các khách hàng có nguồn tiền gửi ngoại tệ lớn. Tỉ lệ vốn huy động bằng ngoại tệ của các NHTMCP lại thấp, chẳng hạn trong khối NHTMCP Hà Nội chỉ chiếm 17,6% tổng vốn huy động.
Trong bối cảnh lượng cung ngoại tệ đang rất lớn trên thị trường hiện nay, nếu thiếu nguồn, NH dư thừa VND có thể mua USD từ các tổ chức và thu đổi cho dân cư, thậm chí thỏa thuận mua thấp hơn so biên độ tỉ giá công bố. Tuy nhiên, do căng thẳng về VND và lo ngại rủi ro tỉ giá nên một số NHTMCP khó thực hiện điều này.
Vòng đua có lôi cả hệ thống?
Nếu cân đối chung toàn hệ thống NH, chắc chắn nguồn vốn ngoại tệ vẫn đủ thực hiện mức dự trữ bắt buộc, thanh khoản và dư khả năng cho vay nền kinh tế. Cộng thêm vào đó, liên tục thông tin về tình trạng USD đang dư thừa trong lưu thông khiến ít người để ý đến hiện tượng tăng lãi suất USD của một số NHTMCP hiện nay. Có ý kiến cho đó chỉ phản ánh khó khăn cục bộ, ngắn hạn của vài NH quy mô nhỏ. Nhưng xét về tính dây chuyền của hoạt động NH thì mọi chuyện không đơn giản như vậy.
Diễn biến tăng lãi suất USD từ vài NH, trong gần 2 tuần đã kéo theo nhiều NHTMCP (kể cả các NH lớn) tăng lãi suất. Dù chưa NHTMNN nào thông báo tăng lãi suất USD, nhưng không chắc thời gian tới, họ có thể ngồi yên nhìn nguồn tiền gửi của mình bị rút sang các NHTMCP hay không.
Nếu để cuộc đua tăng lãi suất ngoại tệ lan rộng (trước là lãi suất huy động, tiếp theo ngay là lãi suất cho vay) thì hệ lụy của nó trước hết là đến các NH, sau là DN và nền kinh tế. Lãi suất cho vay USD đối với khách hàng của các NHTM hiện nay ở mức khá cao: NHTMNN dao động từ 6,45%/năm-8,5%/năm; NHTMCP từ 6,8%-gần 9%/năm. Cho vay TCTD khác từ mức 6%-7,33%/năm.
Thông thường lãi suất cho vay USD trung, dài hạn của các NH=lãi suất huy động (12,13 tháng) trả lãi sau + biên độ 3%-5%/năm. Nếu theo công thức này với lãi suất tiền gửi USD hiện nay, DN có thể sẽ phải vay USD lên tới mức 10%- 11,5%/năm.
Một số NH đề nghị NHNN có các biện pháp hỗ trợ NHTM trong giai đoạn này bằng các hình thức như: Cho vay tái cấp vốn ngoại tệ; điều chỉnh giảm mức dự trự bắt buộc bằng USD; ban hành quyết định thu hẹp các đối tượng được vay vốn bằng ngoại tệ. Trong ba đề nghị trên, khả năng NHNN sẽ xem xét việc ban hành quyết định thu hẹp các đối tượng được vay vốn bằng ngoại tệ. |
Trịnh Ngọc Lan