Chỉ ổn khi lãi suất cơ bản xuống mức 8%

Ông Trang Văn Sanh

Cùng với giá đầu vào đã hạ trong thời gian qua, tác động hạ lãi suất giúp doanh nghiệp hạ giá bán. Trong điều kiện đó, thị trường sẽ có một mặt bằng giá mới, thấp hơn.

Ông Trang Văn Sanh (nguyên chủ tịch HĐQT ngân hàng Nam Á) cho rằng, lãi suất như hiện nay vẫn còn quá sức chịu đựng của doanh nghiệp.

Xác lập mặt bằng lãi suất ổn định

Việc giảm lãi suất cơ bản từ 13% xuống 12%, tức giảm gánh nặng về chi phí cho ngân hàng và doanh nghiệp.

Chi phí vốn phải giảm xuống, mới mong nền kinh tế hoạt động năng động trở lại. Đây là việc tất yếu phải làm (sau khi ngân hàng Nhà nước đã buộc phải tăng lãi suất cơ bản để chặn đứng lạm phát), nếu không hoạt động kinh tế sẽ ngưng trệ.

Lộ trình, tiến trình giảm lãi suất phải phù hợp với tình hình. Và ngân hàng Nhà nước sẽ phải tiếp tục giảm lãi suất xuống nữa.

Vì với lãi suất cơ bản 12% áp dụng từ 5.11, ngân hàng có thể cho vay tối đa 18%/năm, trong khi chưa có doanh nghiệp nào mà tôi có dịp tiếp xúc cho biết có thể chịu nổi chi phí vốn 15%/năm. Còn thời kỳ trước khi lạm phát xảy ra, chi phí vốn 12%/năm, nhiều doanh nghiệp đã kêu cao.

Theo tôi, ngân hàng Nhà nước sẽ phải tiến tới lãi suất cơ bản 8%/năm, nghĩa là lúc đó ngân hàng có thể cho vay tối đa 12%.

Cái khó hiện nay là cần nhanh nhóm xác lập mặt bằng lãi suất ổn định mà cả ngân hàng và doanh nghiệp đều chấp nhận được.

Tình thế hiện nay, mọi đối tượng tham gia vào nền kinh tế đều trong “thế thủ”: nhà kinh doanh không dám đầu tư, người dân không dám tiêu dùng… Tình hình này kéo dài sẽ không có lợi cho nền kinh tế.

Đi theo lãi suất cơ bản là lãi suất tái cấp vốn và lãi suất tái chiết khấu cũng phải giảm xuống, là đương nhiên.

Tuy nhiên, ở đây cần cân nhắc việc tái cấp vốn của ngân hàng Nhà nước chỉ áp dụng đối với ngân hàng quốc doanh dưới hình thức ghi nợ, ngoài việc tạo ra bất bình đẳng, cũng có thể tạo ra lạm phát.

Trong lúc đó, ngân hàng cổ phần chỉ có thể thực hiện tái chiết khấu trên thị trường liên ngân hàng, và được ngân hàng Nhà nước áp dụng tái chiết khấu để giải quyết thanh khoản, chứ không được tái cấp vốn như ngân hàng quốc doanh.

Việc giảm tỷ lệ dự trữ bắt buộc cũng là biện pháp cần thiết, vì hiện tại nhiều ngân hàng vẫn còn thiếu vốn.

Nhiều doanh nghiệp tiếp xúc với ngân hàng cho biết vay 500 triệu đồng trở lên là khó khăn. Có thể do nhiều ngân hàng đang tập trung vốn lo duy trì khách hàng cũ, đắp vá tạm thời.

Tính đến đầu tháng 10, các ngân hàng trên địa bàn thành phố đã huy động được 542.000 tỉ đồng (theo cục Thống kê thành phố), nên việc giảm 1% tỷ lệ dự trữ bắt buộc đồng nghĩa với việc ngân hàng có thêm 5.420 tỉ đồng vốn khả dụng.

Cơ cấu lại thời hạn trả nợ: biện pháp giải cứu
Theo tôi, biện pháp quan trọng nhất mà ngân hàng Nhà nước vừa ban hành chính là văn bản yêu cầu các tổ chức tín dụng thực hiện việc cơ cấu lại thời hạn trả nợ theo quy định tại quyết định số 783/2005/QĐ-NHNN ngày 31.5.2005 của thống đốc ngân hàng Nhà nước đối với các khoản vay không trả nợ đúng hạn do tác động của cuộc khủng hoảng tài chính thế giới làm cho sản xuất, kinh doanh gặp khó khăn, chậm tiêu thụ và xuất khẩu sản phẩm, ứ đọng tồn kho hàng hoá như gạo, xi măng, sắt...

Thực chất, đây là biện pháp cho phép các ngân hàng thực hiện việc đảo nợ, hình thành hợp đồng tín dụng với thời hạn mới. Nên trên sổ sách sẽ không còn thể hiện nợ quá hạn nữa.

Đây là biện pháp giúp ngân hàng giải quyết nợ đọng, nợ khó, giúp ngân hàng có điều kiện thuận lợi để linh hoạt trong chính sách tín dụng.

Biện pháp này cũng giúp các doanh nghiệp đang gặp khó khăn có thể duy trì, và hy vọng hoạt động khởi sắc trở lại trong chu kỳ kinh doanh mới.

Chính sách nuôi con nợ để bắt con nợ phải trả nợ thay vì để con nợ chết. Số phận của ngân hàng gắn với doanh nghiệp, và không ngân hàng nào muốn doanh nghiệp chết.

Hiện nay, Chính phủ Mỹ cũng đang áp dụng chính sách nuôi nợ này với gói giải pháp 700 tỉ USD giải cứu thị trường.

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây