Đây là ngành hàng chiến lược thứ sáu ngoài xăng dầu, xi măng, điện, than và nước sạch, được yêu cầu không tăng giá.
Trao đổi với Thời báo Kinh tế Sài Gòn Online cùng ngày, Chủ tịch Hiệp hội thép Việt Nam Phạm Chí Cường cho hay: Hiệp hội Thép đã nhận được văn bản mới nhất của Thủ tướng, yêu cầu tất cả các doanh nghiệp sản xuất thép trong cả nước, kể cả các liên doanh và công ty 100% vốn nước ngoài, không thay đổi giá bán thép từ nay đến tháng 6-2008.
Trước đó, trong các chỉ thị, thông điệp và các cuộc họp với các cơ quan quản lý nền kinh tế, Chính phủ đã chỉ đạo các mặt hàng chiến lược như xăng dầu, điện, than, xi măng không được tăng giá đến tháng 6 năm nay để chờ các thông báo mới. Ban đầu, Hiệp hội thép Việt Nam đảm bảo giữ bình ổn giá đến hết tháng 4-2008, nhưng trước tình hình biến động mạnh của thị trường phân phối thép, đặc biệt là giá bán tăng liên tục, Chính phủ đã phải có chỉ đạo trực tiếp, nhằm kiềm chế lạm phát.
Hiệp hội Thép Việt Nam cho biết: hiện nay, giá nhập khẩu phôi thép trên thị trường đang ở mức 860 đô la Mỹ/tấn và giá bán cao nhất tại thị trường Hà Nội, TPHCM của doanh nghiệp sau khi đã tính 5% thuế VAT và cước vận tải ở mức 16 triệu đồng/tấn.
Tổng công ty Thép Việt Nam có mức giá thấp hơn các doanh nghiệp khác từ 100 ngàn đến 200 ngàn đồng/tấn. Tuy nhiên mức giá ngoài thị trường đến tay người tiêu dùng cao nhất đến 17,8 triệu đồng/tấn. Do giá mặt hàng thiết yếu này của ngành xây dựng lên cao, hàng loạt các hợp đồng xây dựng đã được điều chỉnh giá và đặc biệt trong các hợp đồng trọn gói buộc tính giá thép theo giá thị trường thực tế để phòng ngừa việc thua lỗ.
Cục trưởng Cục quản lý giá Bộ Công thương Nguyễn Tiến Thỏa nói với TBKTSG Online rằng việc tăng giá thép là do trung gian phân phối lũng đoạn, trừ Tổng công ty Thép Việt nam và Thép Thái Nguyên có khả năng bán thẳng đến chân các công trình lớn qua hệ thống hơn 20 đại lý cấp I trên toàn quốc.
Nhưng Chủ tịch Hiệp hội Thép Việt Nam Phạm Chí Cường khẳng định rằng Hiệp hội đã phối hợp với Bộ Công thương tiến hành kiểm tra các khâu phân phối, tiêu thụ, sản xuất của nhiều doanh nghiệp và Bộ Công thương không đưa ra được báo cáo nào về việc đầu cơ thép.
Lý do của giá thép tăng, theo ông Cường là do các doanh nghiệp sản xuất muốn bán chậm lại để “đón” giá cao hơn, trong khi người mua cố gắng mua sớm, tránh giá tăng khiến cho thị trường trở nên căng thẳng. “Tuy nhiên, tôi biết là các doanh nghiệp hoặc đại lý không giữ hàng quá lâu vì vốn luân chuyển của thép rất lớn, lại cần kho bãi lớn nên ít khi để ứ đọng. Nếu có đầu cơ cũng khó giấu được, có nhiều cách kiểm tra là phát hiện được”, ông Cường nói.
Tổng giám đốc Tổng công ty Thép Việt Nam Đậu Văn Hưng - đơn vị được chỉ đạo phải bình ổn giá thị trường đầu tiên trong ngành - cũng cho rằng, các doanh nghiệp sản xuất thép trong nước đã tăng 36% giá trị sản xuất quý I so với cùng kỳ năm trước, nhưng lãi suất ngân hàng cao như hiện tại chiếm 2/3 lợi nhuận nên hầu hết các doanh nghiệp phải cung cấp hàng ra thị trường để tái đầu tư cho sản xuất, thay vì đầu cơ.
Ông Cường còn phàn nàn về văn bản mới đây của Bộ Tài chính yêu cầu thu hồi chênh lệch giá thép. Ông nói: “Thép là mặt hàng được thả giá ra thị trường từ mấy năm nay, đâu có bắt buộc cam kết về giá trần, giá sàn, hạn định về mức lãi mà tính được con số chênh lệch bắt buộc phải thu hồi. Các doanh nghiệp sẽ cùng Chính phủ chung tay chống lạm phát, bình ổn giá nhưng đừng buộc cho họ những yêu cầu trái với thực tế thị trường quá xa”.
Hiện nay, cả ông Cường và ông Hưng đều rất lo ngại rằng, nếu giá nhập phôi dừng ở mức 860 đô la Mỹ/tấn như hiện tại thì các nhà sản xuất vẫn có lợi nhuận, nhưng nếu chỉ tăng giá thêm vài đô la nữa mà giá bán không được tăng, chắc chắn các doanh nghiệp sẽ lỗ. “Có thể doanh nghiệp sẽ ngừng nhập phôi để cắt lỗ, gây nên tình trạng khan hiếm hàng như hồi năm 2005 (khi giá bán thép bị kiềm chế ở mức dưói 8 triệu đồng/tấn mà giá phôi thế giới tăng đến 420 đô la Mỹ/ tấn)”, ông Cường nói.
Còn ông Hưng chia sẻ khó khăn với các đồng nghiệp ngoài quốc doanh: “Chúng tôi lỗ thì còn có thể phải chịu vì là doanh nghiệp nhà nước, nhưng nếu các doanh nghiệp khác lỗ, họ sẽ ngừng nhập nguyên liệu sản xuất, gây ảnh hưởng đến nguồn cung khá lớn”. Ông Hưng nói thêm, dù phôi thép trong 3 tháng đầu năm tăng 87% về lượng nhập khẩu và 167% về trị giá nhưng một số nước đã đưa ra các biện pháp hạn chế xuất khẩu phôi, như Ấn Độ tạm thời cấm hoàn toàn việc đưa nguồn phôi ra ngoài đất nước, Đài Loan cấm xuất khẩu phôi 3 tháng.
Ngọc Lan