Chính sách tiền tệ là thành công lớn nhất của năm 2008

“Khuyết điểm 4 phần, thành công 6 phần”, Tiến sĩ Nguyễn Đức Kiên, Ủy viên Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, đánh giá về chính sách điều hành kinh tế - xã hội năm 2008.

Theo ông, thành công nhất trong các thành công là gì?

Đó là chính sách tiền tệ. Do tốc độ tăng chỉ số giá tiêu dùng cuối 2007 và những tháng đầu năm 2008 tăng cao nên đến cuối tháng 4, đầu tháng 5/2008 một loạt ngân hàng mất tính thanh khoản.

Dưới sự chỉ đạo của Chính phủ, chính sách tiền tệ thông qua điều hành lãi suất tiền gửi và lãi suất dự trữ bắt buộc kịp thời đã giúp ngân hàng vượt qua được thời kỳ sóng gió đó. Đến bây giờ cơ bản các ngân hàng hoạt động ổn định, lãi suất huy động và lãi suất cho vay của hệ thống ngân hàng thương mại cổ phần đã dần trở lại gần như cuối năm 2007.

Chính sách tất nhiên chưa thể nói là cực chuẩn nhưng việc điều hành đã đúng quy luật của kinh tế thị trường, đó là thành công.

Nền tài chính quốc gia không sụp đổ, bảo đảm cho sự ổn định về kinh tế, chính trị và xã hội. Đó là mối quan hệ nhân quả của chính sách tiền tệ đúng. Đó cũng là cơ sở để khẳng định năm 2008 chúng ta đã thành công nhiều hơn thất bại.

Vậy ông nghĩ thế nào khi nhiều ý kiến, nhất là của doanh nghiệp phê phán chính sách tiền tệ đã “phanh” gấp quá, thắt chặt quá, dẫn đến thiệt hại cho doanh nghiệp?

Đó có thể là những nhận xét theo cảm tính từ kinh nghiệm của một số ít, chứ chưa nhìn sâu vào bản chất của vấn đề và chưa có tính đại diện cao cho cả nền kinh tế.

Khi đánh giá về chính sách tiền tệ phải đứng ở góc độ của toàn dân chứ không thể chỉ đứng trên quan điểm của doanh nghiệp.

Đã hoạt động trong nền kinh tế thị trường thì doanh nghiệp không thể đòi hỏi ngân hàng - cũng là doanh nghiệp - phải phục vụ mình vô điều kiện.

Cũng nên đặt câu hỏi, tại sao các doanh nghiệp liên doanh, các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài không kêu về vấn đề vay vốn ngân hàng mà chỉ có doanh nghiệp nhỏ và vừa kêu. Đấy là vì bản thân doanh nghiệp có 2, 3 đồng thì tiêu 10 đồng, tức là phụ thuộc quá lớn vào ngân hàng. Điều này dẫn đến nền kinh tế phát triển nóng.

Khuyết điểm lớn nhất: Chính sách phát triển kinh tế nóng

“Kinh tế phát triển nóng” phải chăng xuất phát từ những yếu kém trong “4 phần” mà ông đã phân định ở trên?

Tôi xin chia sẻ nhận xét này. Khuyết điểm lớn nhất trong điều hành năm 2008 là đặt ra chính sách phát triển kinh tế nóng.

Tháng 11/2007 tuy đã có tiếng nói cảnh báo nhưng Chính phủ vẫn đặt chỉ tiêu tăng trưởng GDP từ 8,5- 9%, tạo việc làm cho 1,7 triệu lao động, xuất khẩu vẫn tăng…

Việc đặt chỉ tiêu như vậy đã tạo ra hoàn cảnh khó khăn hơn cho nền kinh tế trong 8 tháng đầu năm 2008. Cùng bị tác động mặt bằng giá kinh tế thế giới thì nền kinh tế nước ta khó khăn hơn do chính sách vĩ mô không dự báo được xu hướngcũng như bối cảnh kinh tế khu vực và thế giới.

Thứ hai nữa là Chính phủ đã không đánh giá kịp thời tác động của khủng khoảng kinh tế thế giới đến Việt Nam, trong khi độ mở của nền kinh tế nước ta lớn, doanh số xuất khẩu + nhập khẩu gấp 1,6 lần GDP.

Kinh nghiệm của cuộc khủng khoảng tài chính khu vực năm 1997 đã chỉ ra nền kinh tế Việt Nam luôn có độ trễ so với khu vực và quốc tế do chúng ta đang chuyển đổi. Đánh giá này góp phần làm lệch biện pháp điều hành dẫn đến khó khăn hơn cho nền kinh tế.

Xét về góc độ lập chính sách cũng phản ánh việc chúng ta chưa có kinh nghiệm trong việc phát triển các loại thị trường trong kinh tế thị trường. Ví dụ như đối với thị trường bất động sản. Vì muốn mở rộng thị trường bất động sản nên trong Luật Nhà ở quy định là chỉ cần 20% vốn của dự án là được khởi công và huy động các nguồn vốn khác (nói cụ thể là có quyền bán nhà dự án khi vừa khởi công). Song điều đó chỉ phù hợp trong điều kiện nền kinh tế phát triển bình thường.

Còn trong nền kinh tế khó khăn, vì sức ép đáp ứng 80% vốn còn lại còn lại cho doanh nghiệp đã đẩy nhanh tổng phương tiện thanh toán ra quá nhiều và quá nhanh, dẫn đến đẩy lạm phát lên. Đến nay khi cầu giảm thì doanh nghiệp gặp khó khăn trong việc bán hàng, ngân hàng gặp khó khăn trong thu hồi nợ làm nợ xấu của ngân hàng tăng cao hơn.

Chứ nếu doanh nghiệp đã có 6 đồng, chỉ đi vay 4 đồng thì vấn đề không căng thẳng như bây giờ.

Đúng, vẫn không dễ thuyết phục

Nhưng không lẽ tại thời điểm đó, không có bất cứ ý kiến nào phản biện những nhận định chưa chính xác đó sao? Còn vai trò giám sát của Quốc hội nữa mà, thưa ông?

Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Kinh tế vào tháng 11/2007 cũng đã nói rõ mặt bằng giá 2007 sẽ tạo áp lực tăng giá và có thể gây tăng chỉ số giá tiêu dùng rất lớn trong năm 2008.

Tại báo cáo trình bày trong kỳ họp thứ 3 (tháng 5/ 2008), Ủy ban đã đề nghị xem xét để không chỉ điều chỉnh giảm tốc độ tăng trưởng GDP và chỉ số lạm phát, vì các chỉ tiêu còn lại của nền kinh tế có liên quan mật thiết với nhau.

Ví dụ như về chỉ tiêu tạo việc làm mới của năm 2008, theo quan điểm của Ủy ban thì con số 1,7 triệu việc làm là không thể thực hiện được trong 2009. Không thể đầu tư giảm, xuất khẩu giảm mà việc làm lại tăng, đó là nghịch lý.

Song lúc đó mình tiếng nói của Ủy ban không thể nào thuyết phục được cả ba bộ Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, Công thương, ba người phải hơn một người. Và Quốc hội vẫn quyết, còn Ủy ban thì không thể bác.

Nhưng sau đó thực tế đã chứng minh ý kiến của Ủy ban Kinh tế là đúng?

Trong khoa học kinh tế thì chưa chắc đa số đã đúng. Nhưng hiện nay Quốc hội vẫn hoạt động theo đa số, biểu quyết thì phải theo số đông. Khi nghe lần lượt bốn người phát biểu thì ba người bày tỏ đồng ý, một người bày tỏ sự nghi ngại thì các đại biểu Quốc hội làm sao mà theo một ông được, phải theo ba ông chứ.

Có lý do các đại biểu Quốc hội còn thiếu thông tin không, thưa ông?

Nếu thiếu thông tin là do các đại biểu chưa thực hiện hết quyền của mình, vì một trong năm quyền của đại biểu là quyền được thông tin. Muốn phát biểu vấn đề gì đó thì đại biểu cần tìm đủ thông tin để nói. Còn nếu không thì rất dễ gây áp lực không cần thiết đến anh em làm công tác điều hành.

Ví dụ như việc đánh giá về tập đoàn kinh tế. Ủy ban Kinh tế chưa hề được đại biểu nào yêu cầu cung cấp thông tin về tập đoàn kinh tế. Nhưng mới chỉ qua một số thông tin trên các phương tiện thông tin đại chúng đã có rất nhiều ý kiến phê phán nặng nề, gay gắt dễ gây những ấn tượng không chính xác.

Vì thông tin từ những bài báo sẽ cung cấp những góc nhìn khác nhau, đa chiều về một vấn đề, nhưng không có tính định hướng. Những người sử dụng thông tin đó phải kết hợp nhiều nguồn thông tin khác nhau để phân tích, đối chiếu trước khi sử dụng.

Tuy nhiên, để tìm được sự đồng thuận của gần 500 đại biểu Quốc hội là cực kỳ khó. Vì thế chúng tôi đã chọn cách làm việc nhanh hơn. Đó là đổi mới phương pháp làm việc của Ủy ban với các bộ.

Đổi mới như thế nào, xin ông nói cụ thể hơn?

Tăng cường tính tranh luận, trao đổi của các ủy ban của Quốc hội với Chính phủ và các bộ, nâng cao tính chuyên nghiệp của hoạt động thẩm tra để thực hiện tốt hơn quyền giám sát.

Trước mỗi vấn đề mới, Ủy ban Kinh tế đều chủ động bày tỏ quan điểm và kiến nghị giải pháp để Ủy ban Thường vụ Quốc hội thảo luận và trình bộ Chính trị. Kết luận của Bộ Chính trị về 8 nhóm giải pháp phát triển kinh tế - xã hội năm 2008 được hình thành trên cơ sở đó, tức là trên cơ sở đề xuất của Chính phủ, Ủy ban Kinh tế và Ủy ban Tài chính – Ngân sách phản biện, bổ sung..

Khi có 8 nhóm giải pháp thì điều hành phải linh hoạt. Tháng 5/2008, khi tính thanh khoản của các ngân hàng khó khăn, Ủy ban Kinh tế đã có văn bản gửi Thường trực Chính phủ về vấn đề này. Tất nhiên các cơ quan điều hành đã nhìn thấy việc đó, sẽ thực hiện, nhưng khi có tác động của các cơ quan Quốc hội thì việc xử lý nhanh hơn và rốt ráo hơn.

Năm 2008, lần đầu tiên Ủy ban Kinh tế chủ động đăng ký gặp Thường trực Ban bí thư và Chủ tịch, các phó chủ tịch Quốc hội để báo cáo (cả trực tiếp và cả bằng văn bản) tình hình kinh tế và đề xuất giải pháp mỗi khi nền kinh tế gặp khó khăn lớn cần tháo gỡ.

Mặc dù vậy, khuyết điểm lớn nhất của chúng tôi trong năm qua là nhiều vấn đề cảm thấy mình đúng mà vẫn không thuyết phục được mọi người. Qua đó chúng tôi tự nhận thấy các thành viên Ủy ban phải tiếp tục nghiên cứu để khi đề xuất các vấn đề mới đưa ra được các luận cứ khoa học có tính thuyết phục hơn. Cần tận dụng chất xám của các chuyên gia trong và ngoài nước khi nghiên cứu các vấn đề kinh tế - xã hội trước khi trình cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định.

Chúng tôi đã có thỏa thuận hợp tác với Viện Khoa học xã hội Việt Nam, trong năm nay, chúng tôi sẽ ký tiếp thỏa thuận với Kiểm toán Nhà nước và Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam để phát huy được chất xám của các nhà khoa học, các doanh nhân trong xử lý các vấn đề quan trọng.

Như vậy có thể nói đã có cọ xát, có tranh luận, có phản biện, nhưng đúng chưa hẳn đã dễ thuyết phục, phải không ạ?

Chính xác. Chắc là tại tính thuyết phục của chúng tôi chưa cao. 

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây