![]() |
Nhận thức đúng nghĩa là trong năm 2009 phải chấp nhận các doanh nghiệp phá sản, chấp nhận sự mua bán, sáp nhập doanh nghiệp.
"Năm 2009 tình hình kinh tế của nước ta sẽ khó khăn hơn 2008 rất nhiều". Tiến sĩ Nguyễn Đức Kiên, Ủy viên Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, nhận định tình hình kinh tế Việt Nam năm 2009.
Theo quan điểm riêng của Ủy ban Kinh tế thì khó nhất là gì?
Khó nhất là nhận thức đó chưa được thể hiện được bằng hành động kịp thời. Nhận thức đúng nghĩa là trong năm 2009 phải chấp nhận các doanh nghiệp phá sản, chấp nhận sự mua bán, sáp nhập doanh nghiệp.
Như vậy, các cơ quan quản lý Nhà nước phải có trách nhiệm “đỡ” cho những người thất nghiệp để họ có thể tái tạo việc làm. Đồng thời phải xem xét lại hệ thống văn bản pháp luật hiện hành về phá sản để tạo thuận tiện cho việc đăng ký phá sản gắn với trách nhiệm của người chủ doanh nghiệp.
Muốn “đỡ” thì phải có chính sách, nhưng đến giờ này chưa có những nghiên cứu, tổng kết và đề xuất chính sách loại này, chưa thấy ai tiến hành thống kê trong số 400 ngàn doanh nghiệp đã có bao nhiêu phải đóng cửa và số lượng người lao động mất việc từ tháng 9/2008 đến nay là bao nhiêu?
Bộ Lao động và Thương binh - Xã hội cũng chỉ vừa mới có văn bản yêu cầu các tỉnh thống kê số lao động thất nghiệp. Còn quy định bảo hiểm thất nghiệp thì vừa mới ra đời.
Chính sách thì luôn có độ trễ. Từ lúc ban hành đến khi có kết quả có khi mất vài năm. Muốn rút ngắn thời gian thì phải có tác động và chi phí tất yếu từ phía cơ quan quản lý nhà nước. Ví dụ cho quỹ bảo hiểm thất nghiệp vay tiền để hỗ trợ ngay cho những người thất nghiệp.
Đã là nhận thức đúng thì phải chuyển thành hành động. Hành động chậm thì thời gian hồi phục nền kinh tế kéo dài ra. Nó giống như khi chúng ta bị thương mà băng bó ngay thì đỡ chảy máu. Đằng này băng bó chậm thì sau này vừa phục hồi vết thương vừa phải tiếp máu.
Những khó khăn trên đang là thách thức lớn của khả năng hồi phục nền kinh tế, thưa ông?
Tôi nghĩ sự hồi phục của nền kinh tế Việt Nam năm 2009 sẽ phụ thuộc vào 3 yếu tố.
Thứ nhất, yếu tố ngoại. Nếu thị trường Mỹ, EU và đông bắc Á hồi phục nhanh , các gói cứu trợ của Mỹ, EU, Trung Quốc hoạt động tốt thì khoảng quý 3 năm 2009, tăng trưởng của các nước đó dương thì nền kinh tế của chúng ta vào những tháng đầu 2010 sẽ hồi phục.
Thứ hai là từ nội sinh. Chúng ta nói nhiều là nước ta dân số đông, thị trường tiềm năng, lợi thế để chào mời đầu tư nhưng lại chưa chú ý đúng mức đến việc khai thác thị trường này. Vấn đề sắp tới là biện pháp của Chính phủ khai thác thị trường này như thế nào. Nếu làm tốt thì quý 3 năm 2009 thì nền kinh tế sẽ bắt đầu hồi phục và giữ được đà tăng trưởng.
Yếu tố thứ ba có tính quyết định là tầm nhìn, cách nhìn của Chính phủ. Nếu nhân dịp này cơ cấu lại toàn bộ nền kinh tế, thì có thể tốc độ phục hồi sẽ chậm lại, không phải là quý 3/2009 nhưng phát triển sẽ nhanh hơn rất nhiều vào năm 2010.
Như vậy, theo ông đã đến lúc cần phải cơ cấu lại nền kinh tế? Ông có thể nói rõ là nên cơ cấu theo hướng nào?
Việc này lẽ ra phải làm trước khi gia nhập WTO để đón sự kiện này nhưng chúng ta chưa làm kịp. Song bối cảnh mới hiện nay đặt ra yêu cầu cấp bách phải cơ cấu lại nền kinh tế.
Nhìn lại kinh tế nước ta sau 22 năm đổi mới, có thể chia làm 2 giai đoạn: Giai đoạn thứ nhất là cơ cấu nền kinh tế theo hướng thay thế nhập khẩu từ năm 1986 đến 1997. Đây là thời kỳ hệ thống xã hội chủ nghĩa tan rã, nền kinh tế nước ta chuyển đổi từ kế hoạch hóa tập trung sang kinh tế thị trường.
Giai đoạn thứ 2 từ 1998 đến 2008, tôi tạm gọi như vậy, là giai đoạn cơ cấu nền kinh tế hướng tới xuất khẩu. Sau khủng khoảng tài chính khu vực nền kinh tế nước ta cũng gặp khó khăn, cuối 1999 cũng rơi vào tình trạng trì trệ. Trong giai đoạn này chúng ta tận dụng ưu thế về lao động, giá nhân công rẻ để thu hút đầu tư, sản xuất hàng xuất khẩu nhằm tạo lợi thế cạnh tranh trong việc chiếm lĩnh thị trường.
Đến năm 2000 trở đi dần đẩy nhanh được tốc độ phát triển kinh tế. Và bây giờ từ 2009, theo tôi, phải chuyển đổi sang phát triển bền vững.
Nên cơ cấu theo hướng kết hợp hài hòa giữa sử dụng nguồn lực lao động để giải quyết áp lực lao động với công nghệ. Trong điều kiện hiện nay phải cơ cấu theo hướng hàng hóa Việt Nam phải đi vào thị trường ngách, chứ không thể đi vào thị trường chính ngạch được. Nếu không phát triển thị trường ngách thì còn lâu nữa nền kinh tế mới phát triển được như chúng ta mong muốn.
Bởi, hiện nay trên thế giới thị trường đã định hình, các tập đoàn đa quốc gia phần lớn đã phân chia xong thị trường.
Theo tôi, Việt Nam phải đi vào thị trường ngách có chất lượng cao, ví dụ đi vào sản xuất sản phẩm nông sản cực sạch, sạch tuyệt đối. Con cá chỉ nuôi bằng nước sông không cần có trọng lượng đến 1 kg nhưng tỷ lệ mỡ và các tiêu chuẩn khác phải cực chuẩn để bán cho các đối tượng đặc biệt.
Rau sạch được trồng bằng tay, không bón phân, chứ không phải canh tác đại trà cả mấy chục ha, phun thuốc trừ sâu ầm ầm. Cách làm đó thì không thể xuất khẩu được được vì nhiều nước khác họ đã làm giỏi hơn nước mình nhiều.
Trong công nghiệp nên chọn những sản phẩm, những hướng đi tận dụng được lợi thế sẵn có, đừng đi theo hướng khép kín, nghĩa là để đóng một con tàu chúng ta tự sản xuất từ thép, động cơ thủy đến nghi khí hàng hải…
Mà phải học kinh nghiệm của Ấn Độ trong phát triển công nghệ phần mềm, họ không thể sản xuất những con chip cho máy tính rẻ và chất lượng cao như Intel nên họ đã chọn hướng đi là phát triển phần mềm ứng dụng trên nền của các nước tiên tiến. Và họ đã thành công.
Thế nên việc cơ cấu lại nền kinh tế lúc này là hết sức cần thiết rồi.
Đã có động thái nào cho thấy việc cơ cấu lại được bắt đầu chưa, thưa ông?
Chúng ta đã nhận thức được vấn đề nên bắt đầu rà soát lại các dự án khuyến khích đầu tư, xây dựng luật công nghệ cao, chú ý đến vấn đề bảo vệ môi trường…
Tuy nhiên, theo tôi vẫn chưa đủ và cần đẩy nhanh tốc độ. Cần sử dụng gói 17.000 tỷ đồng kích cầu sản xuất và tiêu dùng để đẩy nhanh việc chuyển đổi này. Chính phủ sẽ thảo luận cụ thể vào kỳ họp cuối tháng 12/2008.
Cá nhân tôi hy vọng vào một động lực mới để đẩy nhanh quá trình ổn định và phát triển trong năm 2009.