![]() |
Ngân hàng thừa tiền, vắng khách vay. Ảnh: Phạm Yên |
TP - Việc Cục dự trữ Liên bang Mỹ hạ lãi suất USD xuống chỉ còn 0-0,25%/năm lập tức tác động đến thị trường tài chính Việt Nam.
Các ngân hàng thương mại vốn đang thừa tiền, nay tiếp tục phải tính tới việc hạ lãi suất cho vay. Còn khách vay tiếp tục chờ vay rẻ...
Chờ lãi suất hạ mới vay
Vợ chồng chị Hà (khu đô thị mới Định Công - Hà Nội) đang có ý định mua một chiếc ôtô. So với 6 tháng trước, giờ việc cho vay đã nới rộng rất nhiều. Thậm chí khi liên lạc với người quen là phó giám đốc khối tiêu dùng một ngân hàng tại Hà Nội, chị được biết có thể vay tới 90% giá trị xe nếu thế chấp bằng bất động sản, và tới 70% giá trị xe nếu thế chấp bằng chính chiếc xe.
Tuy nhiên, nay chị đã quyết định chờ mặc dù biết rằng đến 1/1/2009 thuế trước bạ xe ôtô ở Hà Nội sẽ tăng từ 10% lên 12%.
Chị tính toán: “Tôi dự kiến vay khoảng 200 triệu đồng trong thời hạn 3 năm. Với lãi suất hiện tại 13%/năm, mỗi tháng tôi phải chi trả hơn 2 triệu đồng tiền lãi. Nếu lãi suất cho vay hạ xuống 10% thì tôi sẽ bớt được 400 ngàn đồng/tháng, đó là một khoản tiền kha khá. Còn việc tăng thuế, tôi đã nghe ngóng chắc chắn đến thời điểm đó, các hãng xe sẽ phải hạ giá ít nhất đủ bù 2% thuế tăng (lần tăng thuế truớc cũng thế)”.
Bà Trần Thu Hằng, Tổng giám đốc một Cty cổ phần chuyên doanh về sản xuất sơn tại Hà Nội cho hay: “Nhờ ký được vài hợp đồng với một số Cty xây dựng mà sang năm 2009, Cty tôi sẽ có việc làm cho công nhân. Nhưng trước xu hướng lãi suất có thể tiếp tục hạ, tôi đang chờ thêm ít ngày nữa xem các ngân hàng có hạ lãi suất mới quyết định vay.
Doanh nghiệp đã vay là phải vài tỷ đồng mỗi lần, chỉ cần chênh lệch lãi suất vài phần trăm đã bớt được cả chục triệu đồng tiền lãi mỗi tháng”.
TS Cao Sỹ Kiêm, Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp nhỏ và vừa cho rằng, vốn khả dụng các ngân hàng thương mại đang dư thừa nhưng đầu ra cho vay vẫn tắc bởi lãi suất hiện còn cao.
Quan trọng hơn, trước ảnh hưởng của suy thoái kinh tế toàn cầu, doanh nghiệp xuất khẩu đang phải chịu sức ép từ vịêc đơn hàng bị cắt giảm, thu hẹp thị trường, từ đó dẫn đến nhu cầu vay giảm.
Trao đổi với Tiền Phong, Phó giám đốc khối tiêu dùng Hà Nội của Ngân hàng An Bình cho biết, do ảnh hưởng suy giảm kinh tế, không chỉ tại các tỉnh thành mà ngay cả ở thành phố, với những người có thu nhập ổn định, họ cũng rất cân nhắc khi quyết định vay tiêu dùng.
Trong bối cảnh này, giới tài chính dự đoán, việc Ngân hàng Nhà nước điều chỉnh hạ lãi suất cơ bản để giảm lãi suất cho vay sẽ đến sớm.
Lãi suất năm 2009: Sẽ giảm mạnh?
Việc Cục dự trữ Liên bang Mỹ (FED) cắt giảm lãi suất có tác động thế nào đến Việt Nam? Trao đổi với Tiền Phong, một quan chức Bộ Tài chính phân tích: “Thực ra thị trường Việt Nam quá nhỏ, việc cắt giảm lãi suất USD của FED chủ yếu tác động lên những thị trường lớn trên thế giới”.
Tuy nhiên, lãi suất USD hạ tức là đồng USD hạ xuống và vào thời điểm cuối năm trong nước kiều hối thường đổ về nhiều, do đó VND sẽ mạnh lên và ảnh hưởng đến các doanh nghiệp xuất khẩu.
Cùng đó, khi đồng USD hạ, nới lỏng chính sách tín dụng, doanh nghiệp có thể nhập hàng về phục vụ cho sản xuất trong nước nhiều, khiến chúng ta phải chú ý đến vấn đề nhập siêu.
Còn người dân có tiền, khi thấy lãi suất USD giảm, VND có giá, họ có thể quay sang gửi VND hoặc lựa chọn các kênh đầu tư hấp dẫn khác như chứng khoán, bất động sản hay vàng.
Mặt bằng lãi suất sẽ hạ xuống mức nào thì được xem là hợp lý? Đến thời điểm này, các chuyên gia kinh tế đều cho rằng nếu muốn lãi suất cho vay đứng ở mức dưới 10% thì lãi suất cơ bản phải hạ xuống ít nhất ở mức 7%-7,5%/năm.
“Nhưng nếu vậy thì lãi suất huy động chỉ có thể từ 5-6% và mức đó sẽ không hấp dẫn người gửi tiền”- Tổng giám đốc một ngân hàng cổ phần lo lắng.
Trả lời báo giới ngày 17/12 về xu hướng lãi suất thời gian tới, Thống đốc NHNN Trần Văn Giàu đã chia sẻ quan điểm: Lãi suất năm 2009 sẽ đi theo xu hướng giảm. Tuy nhiên giảm thế nào sẽ do cung cầu thị trường quyết định và chính sách tiền tệ sẽ vận động linh hoạt trong từng thời điểm.
Lãi suất cho vay hơn 10%/năm vẫn cao Trước việc Cục dự trữ Liên bang Mỹ (FED) giảm lãi suất xuống còn 0,25% và hàng loạt quốc gia từ Âu sang Á đồng loạt hạ lãi suất, TS Nguyễn Đức Hưởng, Tổng GĐ Ngân hàng Liên Việt cho biết, giờ đây không chỉ khách vay chờ mà ngân hàng, người gửi cũng chờ xem lãi suất cơ bản (LSCB) còn hạ hay không. Theo TS Lê Thẩm Dương (ĐHNH TPHCM), trong bối cảnh nhiều nước hạ lãi suất xuống khá thấp, sản xuất kinh doanh trong nước đang khó khăn thì lãi vay hiện nay phổ biến hơn 10%/năm vẫn cao.. TS Trần Hoàng Ngân (ĐH Kinh tế TPHCM) đánh giá lãi suất toàn cầu giảm sẽ tạo áp lực đến việc giảm lãi suất của các ngân hàng tại Việt Nam nhưng với tình hình kinh tế hiện nay thì mức lãi vay khoảng 8-10% sẽ giúp các DN và các thành phần kinh tế bớt khó khăn về vốn, kích thích sản xuất và tiêu dùng. Tuy nhiên giới ngân hàng tính toán nếu lãi suất vay hạ dưới 10% thì lãi huy động chỉ còn 6-7%/năm, mà với mức này người gửi tiền rất dễ rút tiền ra. Hà Phan |