![]() |
Mỹ đã "kịch sàn" lãi suất, một thông tin rúng động thị trường tài chính toàn cầu, không ít thì nhiều, nền kinh tế nào cũng bị ảnh hưởng nhất định về tỉ giá, cán cân thanh toán, lãi suất... VN cũng không là ngoại lệ, chỉ còn một câu hỏi liệu VN có hạ mạnh lãi suất cơ bản?
Ngay khi FED cắt giảm lãi suất (LS) đã có nhiều dự đoán về những tác động nhất định đến kinh tế VN.
Một nhà đầu tư (NĐT) nói: "Đáng lo ngại nhất là chi phí sử dụng vốn vay, nếu LS được đẩy về 0% hết (cả Mỹ, Nhật, Châu Âu...) thì chắc giá thành hàng hóa của họ sẽ rẻ đi thêm nữa; trong khi cầu đang bị suy giảm nghiêm trọng thì giá bán hàng hóa xuất khẩu của VN sẽ ra sao để có thể cạnh tranh, trong khi giá bán là thế mạnh nhất mà VN có thể đem ra cạnh tranh. Cho nên việc Ngân hàng Trung ương (NHTƯ) các nước hạ LS có thể cứu nền kinh tế của họ, nhưng chưa chắc đã là lợi ích của ta xét trong ngắn hạn".
VN có hạ lãi suất cơ bản?
Ngay sau khi thông tin về việc FED hạ LS về 0%-0,25%, trong giới tài chính - NH, cộng đồng NĐT và giới truyền thông... đã rộ lên tin đồn NHNN hạ lãi suất cơ bản (LSCB) về 8%/năm. Tuy nhiên, hiện vẫn chưa có thông tin chính thức nào từ phía NHNN về vấn đề này. Dù như vậy, hầu hết ý kiến vẫn cho rằng NHNN sẽ tiếp tục điều chỉnh hạ LSCB ngay trong những ngày còn lại của năm 2008, vấn đề chỉ là phần trăm cắt giảm (1% hay 2%) mà thôi.
Cơ sở của dự đoán này là NHNN phải sử dụng công cụ LS để hỗ trợ Chính phủ thực hiện mục tiêu ngăn chặn suy giảm kinh tế, duy trì tăng trưởng kinh tế; Đòi hỏi của các tập đoàn, TCty nhà nước về việc hạ LS vốn... Tuy nhiên, có lẽ quyết định cắt giảm LSCB lần này sẽ khó khăn hơn các đợt cắt giảm LS gần đây.
Trước đây, có niềm tin vào hiệu quả cắt giảm LS với kích thích kinh tế, nhưng hiện nay thì nhiều dấu hiệu cho thấy ngay ở VN công cụ LS cũng không còn nhiều tác động kích thích đầu tư và tiêu dùng nữa. Mặc dù từ cuối tháng 10 đến nay LS cho vay của các NHTM liên tục giảm, một số loại cho vay đã về mặt bằng LS cuối năm 2007. Tuy nhiên, theo lãnh đạo một chi nhánh NHNo&PTNT thì đang xảy ra một nghịch lý khi LS cao (18%-21%/năm) thì nhu cầu vay rất nhiều, nay LS càng hạ thì nhu cầu vay lại ít.
Một số khách hàng tốt, đặc biệt là khách hàng của các NHTMCP (đang có mặt bằng LS cho vay còn cao hơn các NHTM nhà nước) thì "mặc cả" LS cho vay với NH.
Còn những khách hàng khác thì sau khi thẩm định thực tế và kiểm tra từ các đơn vị cung cấp thông tin thì NH không dám cho vay vì tình hình tài chính và dự báo thị trường tiêu thụ của khách hàng rất kém.
Cần thêm các giải pháp khác?
TS Võ Trí Thành (Viện Nghiên cứu quản lý T.Ư) cho rằng, điều chỉnh LS phải tính toán rất cẩn thận trong mối tương quan với các công cụ điều hành vĩ mô khác và cán cân thanh toán quốc tế của VN. Một số ý kiến cho rằng, trong bối cảnh kinh tế hiện nay của VN, việc tiếp tục cắt giảm LSCB cũng chưa chắc đạt hiệu quả như mong muốn mà có thể còn ảnh hưởng đến các TCTD.
GĐ một chi nhánh NH Công Thương nói: "Việc LSCB tiếp tục hạ và các NH vẫn phải tiếp tục cho vay theo trần LS sẽ làm nghiêm trọng hơn rủi ro LS cho các TCTD. NH nào bây giờ cũng còn một khối lượng khá lớn vốn huy động với LS cao, dù chưa đẩy mạnh được cho vay nhưng hiện vẫn tiếp tục phải huy động vốn để giữ khách hàng và đảm bảo khả năng thanh khoản. Nếu LS cho vay phải hạ nữa thì thu nhập của NH, đặc biệt trong năm 2009 là không có hoặc rất thấp". Vì vậy, một số chuyên gia tài chính cho rằng Chính phủ và NHNN nên cân nhắc thêm/hoặc dùng các biện pháp khác thay vì tiếp tục hạ LSCB để kích cầu và chống suy thoái kinh tế.
Đặc biệt việc sử dụng gói hỗ trợ 1 tỉ USD nhằm kích thích đầu tư cho năm 2009 như thế nào được dư luận rất quan tâm. Nhiều ý kiến cho rằng để bảo toàn vốn và đạt hiệu quả, gói hỗ trợ của Chính phủ nên đưa qua kênh các TCTD qua con đường Chính phủ ủy thác, các NH thẩm định và chịu trách nhiệm về tính hiệu quả và thu hồi vốn cho vay....
Tất cả những vấn đề trên, chắc chắn Chính phủ và NHNN đã biết và đang cân nhắc trước khi có những quyết định và kế hoạch cụ thể. LSCB nhiều khả năng sẽ còn giảm. Tuy nhiên, mức giảm lần này có thể chưa lớn như dự đoán (2%).
Bên cạnh đó, có thể NHNN sẽ có thêm các giải pháp khác để tạo điều kiện cho các TCTD thực hiện tốt hơn vai trò cung ứng tín dụng để kích cầu đầu tư và tiêu dùng.
Về phía các NHTM nên điều chỉnh hoạt động của mình theo sự biến động của LS để đảm bảo thu nhập. NHTM sẽ phải chấp nhận giá của thị trường, những người quản trị NH trong điều kiện hiện nay buộc phải đặc biệt coi trọng kỹ thuật quản lý tài sản - nợ (sự dung hoà giữa chiến lược quản lý tài sản và chiến lược quản lý tài sản nợ) để đối phó với rủi ro về LS và thị trường mà các NH nhiều khả năng sẽ phải đối mặt trong thời gian tới.