Chọn mua cổ phiếu ngân hàng

Các ngân hàng (NH) đang đại hội cổ đông năm 2009, trong đó thông qua kế hoạch tăng vốn điều lệ. Không ít người đang cân nhắc mua cổ phần để trở thành “ông chủ” của NH.

 NH tăng vốn có hai trường hợp: phải tăng vốn để đến năm 2010 vốn điều lệ đạt được mức vốn theo quy định tối thiểu là 3.000 tỷ đồng, và trường hợp tăng vốn để tăng năng lực tài chính và quy mô hoạt động.

 Đồng loạt tăng vốn

 Mùa đại hội cổ đông năm nay, một nội dung quan trọng được nhiều NH bàn tới là sớm hoàn thành tăng vốn điều lệ lên 3.000 tỷ đồng. NH Sài Gòn tăng vốn từ 2.047 tỷ đồng lên 3.374 tỷ đồng bằng phát hành trái phiếu chuyển đổi. NH Quốc tế (VIB) tăng từ 2.000 tỷ lên 3.000 tỷ đồng. Các NH vừa mới đạt mức vốn điều lệ 1.000 tỷ đồng vào cuối năm 2008 như Đại Á, Kiên Long, Đại Dương, Việt Nam Tín Nghĩa, Gia Định, Đệ Nhất, Xăng Dầu Petrolimex (PG Bank), Việt Nam Thương Tín... nay lại phải “xắn tay” xây dựng kế hoạch tăng vốn mới. Như Đại Á, Việt Nam Tín Nghĩa, Đại Dương sẽ tăng vốn lên 2.000 tỷ đồng.

 Các NH đã có vốn điều lệ xấp xỉ hoặc vượt mức 3.000 tỷ đồng cũng có kế hoạch tăng vốn. NH Nhà Hà Nội (Habubank) tăng từ 2.800 tỷ đồng lên 3.000 tỷ đồng, NH Đông Á từ 2.880 tỷ lên 3.400 tỷ đồng, NH Sài Gòn Thương Tín từ 5.115 tỷ lên 6.700 tỷ đồng. Các NH này cho biết tăng vốn nhằm tăng năng lực tài chính, đáp ứng lộ trình phát triển trong dài hạn.

 Tuy nhiên, những NH này cũng thận trọng khi tăng vốn. Một thành viên hội đồng quản trị NH Á Châu (ACB) cho biết tăng vốn sẽ ảnh hưởng đến cổ tức, trong khi chủ trương của NH không muốn trả cổ tức thấp. ACB sẽ cân nhắc qua sáu tháng đầu năm 2009 nếu có khả năng vượt kế hoạch lợi nhuận sẽ tăng vốn, ngược lại thì tạm hoãn tăng vốn.

 Hướng nội

 Trước đây, các NH như Eximbank, Ngoài quốc doanh, Phương Đông... khá thành công với việc bán cổ phần cho đối tác chiến lược nước ngoài với giá cao đã đem lại nguồn thặng dư vốn cho NH. Nhưng khủng hoảng tài chính toàn cầu đã thay đổi xu hướng này, việc bán cổ phần cho nước ngoài khó khăn hơn, giá không còn hấp dẫn như trước. Theo ông Phạm Văn Bự - Chủ tịch hội đồng quản trị NH Đông Á, việc bán cổ phần cho đối tác chiến lược trong bối cảnh hiện nay sẽ không mang lại thặng dư lớn như kỳ vọng. Với giá cổ phần như hiện nay, việc tăng vốn bán cho cổ đông hiện hữu vẫn có lợi hơn.

* Nhiều NH cổ phần đưa ra mức chia cổ tức năm 2009 khoảng 12-15%/năm, có NH dưới 10%. Nhưng so với mặt bằng lãi suất chung, mức này vẫn chấp nhận được vì giá cổ phiếu gần ngang với mệnh giá.

 * Một lãnh đạo NH Nhà nước TP.HCM thừa nhận các NH quy mô nhỏ sẽ gặp khó khăn khi tăng vốn lên mức 3.000 tỷ đồng. Trước đó, một số NH đã phải chạy đua mới đạt được mức vốn 1.000 tỷ đồng do nhiều cổ đông không góp thêm vốn, còn cổ đông lớn thì phải cố xoay trở mới góp đủ. Theo giới đầu tư, đây cũng là vấn đề mà người có nhu cầu mua cổ phiếu NH phải tính đến trước khi có quyết định tham gia.
 

Nhưng với những NH nhỏ, việc tìm kiếm cổ đông chiến lược có tiềm lực tài chính không phải dễ dàng. Theo một tổng giám đốc NH, khi tăng vốn NH nhắm đến các cổ đông chiến lược. Nhưng các nhà đầu tư nước ngoài đang trong tình trạng khó khăn, phải giảm đầu tư để phòng ngừa rủi ro. Còn các đối tác chiến lược trong nước là các tập đoàn, tổng công ty nhà nước cũng đang bị hạn chế đầu tư vào các ngành như NH, chứng khoán. Vì vậy, nhà đầu tư cá nhân sẽ được các NH nhắm tới, qua đó cho phép nhà đầu tư có nhiều lựa chọn, thậm chí giảm được chi phí đầu tư.

Để đảm bảo đợt phát hành thành công, không chỉ đảm bảo mức cổ tức hấp dẫn, các NH cũng sẽ duy trì xu hướng bán cổ phần ngang với mệnh giá, thay vì giá cao như hơn một năm trước.

Mua cũ hay mới

Những NH có quy mô lớn có nhiều thuận lợi hơn khi tăng vốn. Như ACB sẽ chuyển hơn 1.300 tỷ đồng trái phiếu chuyển đổi phát hành trước đây sang cổ phần mà chưa phải phát hành cổ phần. Cộng 6.300 tỷ đồng vốn điều lệ hiện tại, đến cuối năm 2009 ACB đã có vốn điều lệ gần 7.700 tỷ đồng. Việc tăng vốn của Eximbank trong năm 2009 cũng khá thuận lợi và hấp dẫn cho nhà đầu tư vì NH này dự kiến sẽ tăng vốn từ nguồn thặng dư do bán cổ phần giá cao trước đây, có nghĩa cổ đông không phải đóng thêm tiền. Ước tính thặng dư vốn của Eximbank còn trên 6.000 tỷ đồng.

Trong khi đó, một số NH lại đang gặp khó khăn khi tăng vốn. Tháng hai vừa qua, một NH cổ phần đưa ra kế hoạch tăng vốn nhưng nhiều cổ đông đã không góp thêm. Cổ đông của NH này tính toán dù giá bán bằng mệnh giá nhưng so với mặt bằng chung chỉ cần bỏ thêm chút ít đã có thể sở hữu cổ phần của NH quy mô lớn có tính thanh khoản cao.

 Theo phó tổng giám đốc một NH cổ phần lớn của VN, tình trạng này do giá cổ phiếu nói chung và của NH nói riêng đã về sát mệnh giá. Vì thế nhà đầu tư cân nhắc, tính ra mua cổ phiếu cũ của những NH quy mô lớn nhiều khi có lợi hơn vì thông thường các NH này có của ăn của để. Hiện giá cổ phiếu có tính thanh khoản cao như Eximbank, NH Đông Á, Quân Đội... chỉ 12.000-14.000 đồng/cổ phiếu, của Vietcombank 32.000-33.000 đồng/cổ phiếu...

 Khi mua các cổ phiếu này, nhà đầu tư có cơ hội được mua cổ phiếu mới ngang với mệnh giá hoặc được chia thêm cổ phiếu từ nguồn thặng dư. Quan trọng hơn là khi cần có thể dễ dàng bán lại do cổ phiếu của những đơn vị này có tính thanh khoản cao.

Vốn điều lệ hiện hữu của một số NH và dự kiến sẽ tăng trong năm 2009

Đơn vị: tỷ đồng

Ngân hàng

 

Vốn điều lệ hiện hữu

 

Vốn dự kiến tăng (*)

 

Á Châu

 

6.300

 

7.700

 

Eximbank

 

7.220

 

8.850 - 9.400

 

Sacombank

 

5.115

 

6.700

 

Ðông Á

 

2.880

 

3.400

 

Sài Gòn

 

2.047

 

3.374

 

Quốc tế

 

2.000

 

3.000

 

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây