Trong phiên họp thường kỳ cuối tháng (27 và 28-8), Chính phủ (CP) đã thảo luận, góp ý cho đề án “Tiếp tục sắp xếp, đổi mới và nâng cao hiệu quả doanh nghiệp nhà nước (DNNN)”. Đây là đề án quan trọng, từng được Ban Cán sự Đảng CP trình Trung ương thảo luận tại Hội nghị lần thứ 6, tháng 10-2012. Nhưng vì có ý kiến khác nhau nên Trung ương giao lại để CP nghiên cứu tiếp để trình vào Hội nghị lần thứ 7, dự kiến khai mạc cuối tháng 9 tới.
Lập Ủy ban Quản lý giám sát DNNN?
Chuẩn bị cho công việc này, Bộ KH&ĐT - cơ quan chủ trì soạn thảo đã nhiều lần làm việc với các cấp, các bộ, ngành liên quan. Tuy nhiên, đến nay vẫn còn nhiều vấn đề lớn trong đề án có ý kiến khác nhau, trong đó khác biệt nhất là các quan điểm về mô hình thực hiện chức năng đại diện chủ sở hữu (CSH).
Ở nội dung này có hai phương án chính. Phương cán 1: CP lập Ủy ban Quản lý, giám sát DNNN làm đầu mối thực hiện chức năng đại diện CSH nhà nước với các tập đoàn, tổng công ty nhà nước quan trọng. Các DNNN công ích đặc thù khó xã hội hóa ngay được vẫn do bộ, UBND cấp tỉnh làm chủ quản.
Phương án 2: Bộ quản lý ngành thực hiện chức năng đại diện CSH nhà nước tại các tập đoàn, tổng công ty nhà nước và DNNN có ngành nghề kinh doanh chính thuộc ngành quản lý của bộ. Tương tự, UBND cấp tỉnh nắm các DNNN công ích trực thuộc. Phương án này về cơ bản không thay đổi nhiều so với mô hình quản lý hiện tại.
Ngoài ra, quá trình thảo luận còn có đề xuất “triệt để” theo hướng lập một đầu mối thuộc CP “nắm” toàn bộ khu vực DNNN, cả ở trung ương, địa phương. Trong tất cả đề xuất này, Bộ trưởng Bùi Quang Vinh cho biết cơ quan soạn thảo ủng hộ phương án 1.
Từng thất bại nên đừng vội vàng
Tuy nhiên, ý kiến của các bộ trưởng, thành viên CP khác rất băn khoăn với phương án này. Thống đốc Nguyễn Văn Bình nhận xét: “Tách bạch chức năng quản lý nhà nước với chức năng CSH, về nguyên tắc là đúng. Nhưng không nên vội vàng quá. Mấy năm, ta chọn mô hình SCIC (Tổng Công ty Quản lý kinh doanh vốn nhà nước - PV) để quản lý tập trung vốn nhà nước tại DN nhưng có hiệu quả đâu. Vừa rồi lại phải tách ra, trả về cho các bộ, ngành, địa phương”.
Bộ trưởng NN&PTNT Cao Đức Phát góp ý: “Trước mắt nên đẩy mạnh sáp nhập, cổ phần hóa DNNN. Tôi cho rằng vấn đề ở đây không phải là giao ai quản lý DNNN, mà trước hết phải sắp xếp lại cho gọn đã. Còn bóc tách thế nào thì tính tiếp”.
Còn Bộ trưởng GD&ĐT Phạm Vũ Luận lại lo ngại tổ chức theo mô hình tập trung thì làm thế nào chỉ đạo được DN theo mục tiêu của ngành. Lấy ví dụ NXB Giáo dục - đơn vị kinh doanh hiếm hoi hiện do Bộ quản lý, ông Luận báo cáo: “Khi CP yêu cầu không tăng giá sách giáo khoa, tôi chỉ lệnh cái là họ chấp hành, cho dù giá giấy biến động… Không biết tôi yêu cầu như thế là thực hiện chức năng quản lý nhà nước của ngành giáo dục hay chức năng CSH. Không biết có tách bạch được không và tách ra thì còn chỉ đạo được không”.
Nghiên cứu kỹ lưỡng hơn
Cũng tham gia thảo luận, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải cho rằng cải cách DNNN là quá trình lâu dài, mà trước hết phải sắp xếp lại. Từ con số 12.000 ban đầu, đến nay sau nhiều năm sáp nhập, giải thể, cổ phần hóa... cả nước chỉ còn hơn 1.200 DNNN. Tiếp tục sắp xếp theo lộ trình đã phê duyệt thì tới đây sẽ chỉ còn 600, rồi 300. “Bản thân đó đã là quá trình thoát chủ quản rất nhẹ nhàng. DNNN còn ít thì lúc đó ta tính tập trung đầu mối quản lý cũng được” - ông góp ý.
Ở góc nhìn khác, Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh cho rằng nếu quản lý tập trung các tập đoàn, tổng công ty theo phương án 1 thì “rất băn khoăn mối quan hệ giữa Ủy ban Quản lý giám sát với các bộ quản lý ngành”.
Mặt khác, sau những bất cập do phân cấp, giao quyền quá nhiều cho lãnh đạo DNNN mà thiếu cơ chế giám sát, quản lý, cuối năm 2012, CP đã ban hành Nghị định 99, giao trở lại cho các bộ quản lý một số tập đoàn, tổng công ty. Đồng thời đang tiến hành xây dựng các nghị định riêng áp dụng cho từng tập đoàn lớn. Các quy định mới này đang trong quá trình triển khai, mới được hơn một năm, cần thêm thời gian để đánh giá, tổng kết, rút kinh nghiệm...
Từ các ý kiến thành viên CP, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng kết luận việc đổi mới quản lý DNNN cần được nghiên cứu kỹ lưỡng hơn. Qua thảo luận cho thấy đề án chưa đủ chín, chưa đạt thống nhất nên sẽ báo cáo, xin chưa trình Hội nghị Trung ương tới.