Có ý kiến cho rằng giao dịch của NĐT hiện nay không còn bị ảnh hưởng nhiều xu hướng mua bán của khối ngoại hay chỉ số chứng khoán. Điều này xuất hiện sau khi các doanh nghiệp niêm yết (DNNY) công bố lợi nhuận quý II/2013.
Qua thống kê, mặc dù mức độ hoàn thành kế hoạch, tăng trưởng doanh thu và lợi nhuận, đòn bẩy tài chính, cơ cấu tài sản và nguồn vốn, tỷ suất sinh lợi trên tài sản và vốn chủ sở hữu… vẫn chưa đảm bảo được kỳ vọng nhưng bù lại NĐT đã phân định được rõ những ngành nghề ổn định, sinh lời nằm ở đâu nên tiền vẫn ra-vào thường xuyên.
Nếu xét về mức độ hoàn thành kế hoạch thì hiện nay, NĐT nhận thấy ngành Điện, Nước, Xăng dầu và Khí đốt tiếp tục là ngành dẫn đầu về tốc độ hoàn thành lợi nhuận (101%). Hai ngành có tỷ lệ hoàn thành lợi nhuận khá cao tiếp theo là ngành Bán lẻ (69%) và Hóa chất (68%).
Theo thống kê của CTCK Rồng Việt, thất vọng nhất của NĐT là ngành Vật liệu xây dựng, ngành này hiện chỉ mới đạt 4% kế hoạch lợi nhuận của cả năm sau 2 quý. Nói về đòn bẩy tài chính, dù giảm nhẹ so với đầu năm 2013 nhưng ngành bán lẻ, hàng cá nhân và gia dụng, Tài nguyên hiện trở thành ba ngành có tỷ lệ nợ/TTS khá cao lần lượt là 47%, 39% và 38%.
Ngược lại, ngành có tỷ lệ nợ/TTS giảm mạnh nhất được NĐT xác định là ngành Điện nước, Xăng dầu và Khí đốt.
Một lợi thế của các cổ phiếu ngành Điện nước, Xăng dầu, Khí đốt có được là tăng trưởng vốn chủ sở hữu (VCSH) của toàn bộ các DNNY trên hai sàn đạt 7% trong 2 quý đầu năm 2013. Trong đó, những ngành có VCSH tăng cao là Hóa chất và Dầu khí.
Bên cạnh đó, ngành Dịch vụ tài chính là ngành có VCSH sụt giảm mạnh nhất (-36%). Cơ cấu tài sản và vốn điều lệ của ngành Dịch vụ tài chính cũng suy giảm so với cuối năm 2012, ngược lại, ngành Ô tô và phụ tùng và Bán lẻ là hai ngành có sự tăng trưởng đồng đều về VCSH, tài sản và vốn điều lệ.
Tỷ suất sinh lợi trên tổng tài sản và VCSH của các ngành niêm yết hầu hết ở mức thấp trừ ngành Điện, nước và Xăng dầu khí đốt (11%). ROA trung bình là 2% và ROE trung bình là 5%, không thay đổi nhiều so với quý I/2013. Ba ngành có ROA và ROE cao nhất hiện nay vẫn là ngành Điện, nước và Xăng dầu khí đốt, Hóa chất, Ô tô và phụ tùng.
Trưởng phòng phân tích CTCK ACBS cho biết, những ngành như Dịch vụ Tài chính, BĐS, đặc biệt là ngành Xây dựng và vật liệu vẫn đang đối mặt với rất nhiều khó khăn, có bức tranh tổng quan hoàn toàn đối lập với ngành Điện nước, Xăng dầu và Khí đốt. Sự phân hóa rõ rệt cơ hội ngành không chỉ được thể hiện ở con số lợi nhuận mà còn ở triển vọng vĩ mô.
Theo vị này, về mặt vĩ mô, số liệu gần đây nhất cho thấy nền kinh tế Việt Nam đã bắt đầu xuất hiện một số nhân tố tích cực giúp DNNY Việt Nam tránh được rủi ro nghiêm trọng. Đó là, cán cân thương mại đã đảo chiều nhập siêu trở lại trong tháng 8. Lạm phát cả năm dự báo khoảng 7-8%, tỷ giá hối đoái được cam kết giữ ổn định.
Ở góc nhìn khác, đối tác cung cấp vốn FDI lớn nhất cho Việt Nam là Nhật Bản, vẫn đang thực hiện chính sách nới lỏng tiền tệ nên không đáng lo ngại. Ngoài ra, Việt Nam là một thị trường cận biên P/E rẻ thứ hai trong khu vực, quy mô không lớn, do đó sự dịch chuyển vốn chủ yếu là do ảnh hưởng của các quỹ ETF…
Còn xét về tiềm năng ngành, tính đến ngày 16/8/2013, tổng lợi nhuận sau thuế của 30 doanh nghiệp ngành Điện, Nước, Xăng dầu và Khí đốt tăng hơn 57,63% so với cùng kỳ năm 2012.
Tuy nhiên, xét về tăng trưởng lợi nhuận thì ngành Điện nước, Xăng dầu và Khí đốt lại chỉ đứng ví trị thứ 3 sau ngành BĐS và ngành Ô tô, phụ tùng. Nhưng tính con số lợi nhuận sau thuế, đây là ngành có mức lợi nhuận sau thuế 6 tháng đầu năm 2013 lớn nhất trong tất cả các ngành, đạt 9.349,72 tỷ đồng.