Chứng khoán 2007 tạo 'hiệu ứng quả bóng tuyết'

Tuy nhiên, sự phát triển quy mô vốn mới là điểm ấn tượng của thị trường năm 2007, và theo các chuyên gia, đây sẽ là yếu tố thu hút giới đầu tư nước ngoài trong năm 2008, giống như “hiệu ứng quả bóng tuyết”.

“Hiệu ứng quả bóng tuyết”

Quy mô vốn thị trường chứng khoán Việt Nam năm nay đạt gần 496.000 tỷ đồng (xấp xỉ 31 tỷ USD), chiếm 40% GDP, so với 22,6% năm 2006 và chỉ 5% năm 2005.

“Khi quy mô thị trường càng lớn thì tính minh bạch càng cao, điều này khiến các nhà đầu tư sẽ càng rót vốn vào thêm, nhờ đó tiếp tục làm tăng tính thanh khoản và minh bạch”, Tổng Giám đốc Công ty Chứng khoán Mê Công Nguyễn Việt Hà nhận xét và ví điều này với hiện tượng quả bóng tuyết theo lẽ tự nhiên khi xuống dốc sẽ bám thêm tuyết, sẽ lăn nhanh hơn và trở nên lớn hơn.

Ông Hà dự đoán năm 2008 sẽ chứng kiến dòng vốn đầu tư nước ngoài tiếp tục đổ vào thị trường sau khi các công ty lớn được niêm yết, đặc biệt, việc niêm yết Ngân hàng Ngoại thương Việt Nam với tổng giá trị vốn hóa 10 tỷ USD và Tổng Công ty Bảo hiểm Việt Nam, 3 tỷ USD, sẽ đưa mức vốn hóa thị trường tăng tới 43 tỷ USD.

Theo báo cáo tháng 10 của Ngân hàng Hồng Công và Thượng Hải (HSBC), với sự phát triển như hiện nay, có thể tổ chức tài chính nổi tiếng toàn cầu Mogan Stanley Capital International (MSCI) sẽ đưa Việt Nam vào một trong các chỉ số các thị trường mới nổi của họ vào năm 2008 và điều này có nghĩa là sẽ có một lượng vốn lớn từ các quỹ chuyên đầu tư theo chỉ số này đổ vào Việt Nam.

Một yếu tố nữa thu hút nhà đầu tư nước ngoài trong năm tới là sự tăng trưởng về hoạt động kinh doanh và lợi nhuận của công ty niêm yết. Theo tính toán của Công ty Chứng khoán Mê Công, tốc độ tăng trưởng chỉ số lợi nhuận tính trên cổ phiếu (EPS) bình quân của các công ty đang niêm yết dự đoán khoảng 21% trong năm tới, cao hơn so với mức trung bình là 10-15% tại các thị trường mới nổi khác ở châu Á.

Còn Giám đốc Quỹ Dragon Capital, ông Dominic Scriven cho rằng không nên kỳ vọng vào một thị trường tăng trưởng hàng trăm phần trăm mà nên căn cứ vào sự tăng trưởng EPS và mức tăng EPS 21% vào năm tới sẽ là điều kiện tương đối thuận lợi cho các nhà đầu tư.

Kênh huy động vốn hiệu quả

Trong bối cảnh thị trường chứng khoán tăng trưởng không cao so với năm trước, tốc độ tăng EPS 33% trong năm 2007 đã tạo sức hút nhà đầu tư nước ngoài. Đến nay luồng vốn đầu tư của họ gần gấp đôi năm ngoái, lên tới khoảng 7 tỷ USD.

“Mặc dù hoạt động của thị trường chưa thực sự sôi động nhưng lòng tin của nhà đầu tư vào hoạt động kinh doanh của các công ty niêm yết vẫn vững mạnh”, Giám đốc Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) tại Việt Nam Ayumi Konishi nói.

Ông Konishi cho rằng điều này được thể hiện rõ khi mức vốn hóa thị trường cũng như mức vốn các doanh nghiệp huy động qua thị trường đang gia tăng. Từ đầu năm đến nay, các doanh nghiệp đã huy động mức vốn gấp 3 lần so với năm 2006, lên tới 5,6 tỷ USD.

Theo số liệu của Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, đã có 179 công ty được phép chào bán 2,46 tỷ cổ phiếu ra công chúng, tương ứng với mức 3 tỷ USD, gấp 25 lần so với năm 2006. Ủy ban cũng tổ chức phát hành được 3,468 triệu trái phiếu, tương ứng với 234,5 triệu USD cho 3 ngân hàng thương mại cổ phần và 25 triệu chứng chỉ quỹ, tương ứng với 15 triệu USD cho Quỹ tăng trưởng Manulife.

Nỗ lực minh bạch hóa thị trường

Lượng vốn doanh nghiệp huy động càng nhiều, quy mô thị trường càng tăng thì việc minh bạch hóa thị trường trở thành vấn đề càng cấp thiết. Việt Nam đã ban hành Luật Chứng khoán đầu năm 2007, quy định việc công khai thông tin và chế tài xử phạt hành chính đối với những trường hợp vi phạm.

Trưởng đại diện Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) tại Việt Nam Benedict Bingham coi đây là bước đi đúng hướng, cho thấy Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (SSC) đã thực thi các biện pháp nhằm thúc đẩy tính minh bạch thị trường và việc công khai thông tin của các công ty niêm yết.

Giám đốc phụ trách nghiên cứu Công ty Chứng khoán Mê Công King Yoong Cheah thì cho rằng yếu tố gián tiếp khiến thị trường chứng khoán sẽ minh bạch hơn đó là ngày càng có nhiều công ty niêm yết bởi việc này sẽ “cải thiện tính minh bạch của công ty”. Đến nay, có 249 công ty niêm yết trên thị trường chứng khoán, tăng so với gần 200 công ty năm ngoái.

Theo Phó Chủ tịch Ủy ban Chứng khoán Nhà nước Nguyễn Đoan Hùng, Ủy ban sẽ thành lập một ban giám sát thị trường trong năm nay, nhằm theo dõi toàn bộ giao dịch hằng ngày, phát hiện ra dấu hiệu bất thường từ đó can thiệp kịp thời, tìm ra nguyên nhân để xử lí.

Tuy nhiên, các chuyên gia cho rằng Việt Nam vẫn cần nỗ lực hơn nữa nhằm đẩy mạnh cổ phần hóa doanh nghiệp, xây dựng năng lực giám sát tốt hơn cho Ủy ban Chứng khoán Nhà nước và hệ thống ngân hàng để việc quản trị và giám sát bắt kịp với tốc độ tăng trưởng của thị trường.

Mặc dù còn nhiều việc phải làm nhưng Giám đốc ADB tại Việt Nam Ayumi Konishi vẫn tin rằng thị trường chứng khoán sẽ phát triển tích cực.
 

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây