Thích, vì nghệ thuật sắp đặt kinh tế với cấu hình quá lộn xộn. Nhớ, vì nội dung bị vượt tầm và ngôn ngữ chuyên môn bị méo mó. Chỉ muốn tóm tắt câu chuyện này cho năm nay rồi thôi không nhớ nữa.
Trong một đêm vừa gió lại vừa mưa, tôi đọc một bản tin trên báo Thanh Niên Online ngày 13-8-2007 về lạm phát và chống lạm phát qua cuộc họp báo do Chính phủ tổ chức. Ông Nguyễn Đồng Tiến, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước có một phần kết luận rất Las Vegas và Macau: “... tôi sẵn sàng đánh cược với ai cho rằng lạm phát năm nay phải là hai con số. Nếu quả thực lạm phát tăng lên hai con số thì Chính phủ và các bộ, ngành sẽ phải kiểm điểm trước Quốc hội vì không đạt mục tiêu đã đặt ra”.
Qua lời phát biểu gần như khẳng định 100/100 đó tôi đã tự nhủ: Thế là xong, là hết chuyện! Tôi nhẹ nhõm cả người vì bây giờ tôi sẽ hiểu nhiều hơn và sẽ không ngạc nhiên nhiều về những chính sách kinh tế tiền tệ sẽ được ban hành trong những năm kế tiếp. Nhớ rất rõ cái đêm đó, sau khi đọc xong bản tin lạm phát và chống lạm phát đó, dường như gió lớn hơn và mưa cũng lớn hơn cho đến gần tờ mờ sáng ngày hôm sau.
Theo kinh tế thường thức, nếu biết và hiểu kinh tế học không phải là ngành khoa học chính xác, chỉ số lạm phát được xem như là một mục tiêu di chuyển - một tấm bia di chuyển (moving target) và di chuyển không ngừng thì việc ngắm và bắn trúng đích một tấm bia di chuyển là việc rất khó ngay cả đối với những người chuyên nghiệp. Trong một nền kinh tế vẫn còn đang chuyển đổi, đang phát triển và tăng trưởng liên tục như Việt Nam thì việc khống chế hoặc kiểm soát chỉ số lạm phát trong phạm vi mong muốn cũng là một việc rất lớn và khó.
Điều hành nền kinh tế quốc gia phải chấp nhận và tập chấp nhận sự tương đối trong những giải pháp chứ không thể cứ duy ý chí với những con số chủ định và rồi đem ra đánh cược với hệ thống kinh tế của đất nước và thế giới. Cho dù là vấn đề lạm phát lớn và khó mấy đi nữa, chúng ta hoàn toàn có khả năng và có thể nhận định được những cái cốt lõi của vấn đề và cũng có những giải pháp đáp ứng với từng giai đoạn lạm phát. Cũng như y học, mỗi căn bệnh đều có những cách hội chẩn và những loại và liều thuốc khác nhau cho từng thời kỳ điều trị chứ không phải đến Las Vegas hoặc Macau đánh cược với hên xui may rủi của từng loại thuốc.
Đành rằng trong kinh tế học cũng cần có những nghệ thuật thao tác nhịp nhàng khi áp dụng chính sách tiền tệ, chính sách thuế, chính sách phát triển đúng lúc đúng nơi. Y học cũng cần những nghệ thuật trong phẫu thuật bên cạnh những thao tác của những đôi bàn tay được huấn luyện còn phải có dự trữ máu và tiếp máu, nguồn oxy, những loại và liều thuốc hỗ trợ và nhiều máy móc y khoa khác...
Nhưng trong điều hành kinh tế nghiêm túc sẽ không có chuyện đánh cược đời sống kinh tế thường ngày của người dân. Trong chữa bệnh nghiêm túc sẽ không có chuyện đánh cược với mạng sống con người. Có phải đời sống kinh tế thường ngày của 85 triệu người dân trong một đất nước còn nghèo là một canh bạc trong những canh bạc để đem ra đánh cược hơn thua hoặc được mất? Không! Chắc chắn là không! Đó là hành vi phạm quy và vi luật.
Ở góc độ trách nhiệm xã hội, trên báo Tuổi Trẻ ra ngày 9-11-2007, theo nhận định của nhà văn Nguyên Ngọc khi nói về sự việc em Nguyễn Thị Bình bị hành hạ và ngược đãi tại thủ đô Hà Nội mà nhiều người và cơ quan đoàn thể trong xã hội xung quanh làm ngơ là “một vụ báo động đỏ về lương tâm xã hội”. Với tôi, chuyện đánh cược lạm phát 2007 này cũng là “một vụ báo động đỏ về lương tâm xã hội” vậy.
Còn ít ngày nữa là hết năm tài khóa 2007, vẫn chưa có một con số phân tích hoặc thống kê chính thức của Chính phủ về chỉ số lạm phát - một con số hoặc hai con số. Là nhà đầu tư, là người làm việc trong ngành tài chính và ngân hàng hẳn nhiên tôi rất quan tâm và cần những con số đó. Nhưng suy cho cùng, một con số hoặc hai con số hoặc thậm chí ba con số, thì cũng chỉ là vấn đề của số học.
Vấn đề lớn hơn và đáng quan tâm hơn ngay bây giờ, cho năm 2008 và cho sự phát triển bền vững của nền kinh tế trong những chu kỳ kế tiếp là hãy chấp nhận và tập chấp nhận trả giá để có được điều tốt và những điều tốt hơn mà nền kinh tế và xã hội Việt Nam đang và sẽ mong muốn có. Tăng trưởng và lạm phát là trả giá. Lạm phát và thất nghiệp là trả giá. Trả giá ở đây phải là giá trị của cơ hội kinh tế và phát triển kinh tế chứ không phải giá trị của cơ hội đánh cược và phát triển đánh cược. Trả giá là cần thiết khi biết giá trị cần được trả; ngược lại thì trả giá trở thành cuộc đánh cược giá trị không cần thiết. Đánh cược và chấp nhận đánh cược chính sách kinh tế là kim chỉ nam, là loại sách hướng dẫn với nhiều cơ may của một nền kinh tế trì trệ và đi lệnh hướng.
Lạm phát 2007 rồi cũng qua, những hệ quả vẫn còn đây, bây giờ mong chờ lạm phát 2008 sẽ giảm hoặc không còn lộn xộn và méo mó như năm nay nữa. Hy vọng vậy và mong ước vậy.
Hoa Kỳ, ngày 22-12-2007
Theo LÊ TRỌNG NHI
Doanh nhân Sài Gòn Cuối tuần