![]() |
30,3 triệu đơn vị giao dịch thành công với 959,2 tỷ đồng là con số bùng nổ trên sàn HOSE sáng nay, gấp đôi những phiên chùng xuống trước đó - Ảnh: VNN. |
Ở phiên liền trước, một tín hiệu tích cực trong giao dịch của nhà đầu tư nước ngoài đã xuất hiện: mua ròng thay vì bán ròng triền miên từ đầu tháng 10; khối lượng mua vào ít hơn bán ra những giá trị mua vào đã vượt 8,6 tỷ đồng.
Và trong phiên hôm nay, bất ngờ đó trở nên nổi bật hơn khi khối này mua ròng lớn. Thống kê kết thúc phiên của HOSE cho thấy họ đã mua vào hơn 2,7 triệu cổ phiếu và chứng chỉ quỹ, trị giá 135,3 tỷ đồng, trong khi chỉ bán ra hơn 1,42 triệu đơn vị với gần 51,7 tỷ đồng giá trị; mua ròng trên 83,6 tỷ đồng.
Diễn biến này cũng tạo cú “đảo chiều” ngoạn mục trên sàn HASTC, đặc biệt so với phiên bán ra rất mạnh hôm qua. Nhà đầu tư nước ngoài tại đây đã mua vào 28 mã với tổng khối lượng 800.000 cổ phiếu, tương ứng với giá trị 24,71 tỷ đồng, vượt trội so với 632.200 cổ phiếu bán ra với 16,1 tỷ đồng giá trị.
Qua phiên này, trên cả hai sàn, chuỗi bán ròng triền miên của nhà đầu tư nước ngoài đã chính thức cắt cơn. Với ảnh hưởng của khối này, đây là một tín hiệu tích cực đối với tâm lý nhà đầu tư trong nước, ngoài sự hỗ trợ trực tiếp đối với lực cầu của thị trường.
Về phiên giao dịch hôm nay, sự sụt giảm mạnh của chứng khoán Mỹ có thể là một “cú vấp” đối với sự hưng phấn của nhiều nhà đầu tư, nhất là sau phiên tăng giá mạnh mẽ hôm qua. Bên cạnh đó, áp lực bán ra chốt lời sau 6 phiên tăng điểm liên tiếp cũng là một nguyên nhân đè nén. Nhưng, lực cầu đã thực sự mạnh để chống đỡ thành công, giúp VN-Index có phiên tăng điểm thứ 7 liên tiếp.
30,3 triệu đơn vị giao dịch thành công với 959,2 tỷ đồng là con số bùng nổ trên sàn HOSE sáng nay, gấp đôi những phiên chùng xuống trước đó. Một phiên đại xả hàng nhưng cũng là cơ hội để đáp ứng một khối lượng cầu lớn. Giá phần lớn chứng khoán không trụ nổi trước sức ép này, nhưng VN-Index chung cuộc vẫn tiếp tục tăng điểm nhờ sự bền bỉ của nhóm blue-chip.
Trong đợt 1, lượng cung hàng đã ồ ạt vào sàn với 7,2 triệu đơn vị chuyển nhượng xong; VN-Index không trụ nổi trước sức áp bán ra đó, giảm 6,25 điểm. Nhưng từ đợt 2, lực lượng hỗ trợ vào sàn hỗ trợ chỉ số chung tăng điểm trở lại. Chung cuộc VN-Index chỉ tăng nhẹ 1,68 điểm, lên 379,51 điểm. Thị trường có một phiên sôi động hiếm thấy, và phía sau đó là một lượng hàng đã được giải phóng trước mục đích chốt lời.
STB vẫn là một điểm nóng cục bộ trên bảng điện tử. Giá không còn tăng trần (tăng 300 đồng/cổ phiếu), không còn trống dư bán, nhưng khối lượng khớp thành công đã tạo một thách thức khó đánh đổ đối với các cổ phiếu khác trong thời điểm này: trên 7,24 triệu đơn vị. Có thể kế hoạch mua vào 25 triệu đơn vị của Sacombank đang là một nhân tố chính kích thích giao dịch ở mã này.
Sau STB, trong một phiên đột biến về khối lượng, các cổ phiếu lớn như HPG, SAM, FPT, PVF, SSI, PPC… cũng được giao dịch mạnh với khối lượng từ 1,1 triệu đến gần 1,8 triệu đơn vị.
Về giá chứng khoán, trước áp lực xả hàng mạnh, nhiều cổ phiếu lớn nhỏ đã giảm giá trở lại. Tính chung có tới 113 mã giảm, 17 mã đứng giá và chỉ còn 37 mã tăng giá.
Trong số 37 mã tăng giá, ngoài STB, FPT tiếp tục tăng mạnh, thêm 3.500 đồng/cổ phiếu và chỉ cách giá trần một bước nhỏ; HPG tiếp tục duy trì màu xanh, thêm 1.300 đồng/cổ phiếu; ITA tăng thêm 1.100 đồng/cổ phiếu; PPC tăng trần thêm 1.200 đồng/cổ phiếu; SSI tăng trần thêm 1.800 đồng/cổ phiếu; VNM tăng 3.000 đồng/cổ phiếu; VPL tăng 2.500 đồng/cổ phiếu; PVF tăng nhẹ 700 đồng/cổ phiếu. REE, SJS, VSH… cùng tiếp tục tăng giá. Những cổ phiếu này đã tạo một chốt chặn cần thiết cho VN-Index trong phiên tăng điểm mong manh.
Trên sàn Hà Nội, HASTC-Index lại không có được sự bám trụ thành công đó. Chỉ số này liên tục đổi màu, điểm số trong một phiên giằng co kịch tính. Kết thúc phiên, HASTC-Index đã giảm trở lại mất 3,11 điểm, còn 122,12 điểm, dù giữa phiên có lúc bật lên thành công.
Khối lượng giao dịch tại đây cũng tăng vọt lên gần 20,3 triệu đơn vị, gần với kỷ lục 22,7 triệu đơn vị của ngày 8/9/2008, giá trị đạt gần 622 tỷ đồng.
Lượng mã giảm đã chiếm áp đảo với 97 mã, trong đó có nhiều cổ phiếu lớn như ACB, KBC, VCG, VNR… Lượng mã tăng có 47 thành viên, còn lại 3 mã không có giao dịch, 8 mã giữ giá tham chiếu.