Chúng ta đã quá ưu ái các tập đoàn

Năm 2008, Tập đoàn Dầu khí Quốc gia VN phấn đấu khai thác 16 triệu tấn dầu thô và 7,5 tỉ m3 khí, sản xuất 6,96 tỉ m3 khí khô, 740.000 tấn phân đạm u rê và 7,8 tỉ kwh điện. Trong ảnh: Vận hành thiết bị khai thác dầu thô tại mỏ Bạch Hổ. Ảnh: TTXVN

Phóng viên: Thưa bà, nhân dân - những người đóng thuế - rất thất vọng trước việc các tập đoàn kinh tế lớn của Nhà nước thay vì chia sẻ với Chính phủ và người dân, lại đi hàng đầu trong việc đòi tăng giá. Bà nhìn nhận như thế nào về cách hành xử như vậy của những tập đoàn vốn đã nhận được nhiều ưu ái?

- Bà Phạm Chi Lan: Đúng là lẽ ra khi được hưởng nhiều ưu ái như thời gian qua thì các tập đoàn cần hiểu rằng họ phải làm tốt hơn nhiệm vụ của mình, phục vụ lợi ích chung của đất nước. Tuy nhiên, cách hành xử đòi tăng giá của một số tập đoàn kinh tế trong thời điểm hiện nay là không hợp lý. Chính vì vậy mà Thủ tướng Chính phủ đã phải có cuộc gặp riêng với các tập đoàn để yêu cầu họ phải nghiêm túc tăng cường trách nhiệm, góp phần cùng Chính phủ chống lạm phát và ổn định nền kinh tế ở tầm vĩ mô.

Cách ứng xử không đúng trong lúc khó khăn này của tập đoàn phải chăng là do họ đã quá được nuông chiều?

- Điều này đã được đề cập nhiều trên công luận. Những tập đoàn, doanh nghiệp Nhà nước (DNNN) nào không được đặt trong cạnh tranh thực sự hay giám sát tốt thì nhiều khi không tự giác cải thiện mình để nâng cao năng lực cạnh tranh. Nhìn vào DNNN phải hoạt động trong môi trường cạnh tranh như dệt may, da giày... có thể thấy họ kinh doanh, ứng xử với nền kinh tế và xã hội tốt hơn nhiều.

Phải kiểm soát chặt các tập đoàn

Trong cuộc gặp với các tập đoàn vừa qua, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng có đề nghị Tổng Công ty Xi măng xem lại vì sao những nơi nhập than của VN về để sản xuất xi măng vẫn có thể xuất khẩu được xi măng sang nước ta. Vấn đề đặt ra là làm sao kiểm soát được giá thành của các DNNN độc quyền?

- Chính phủ cần phải giao cho các cơ quan làm quyết liệt hơn để kiểm soát giá thành. Bộ Tài chính cần phải giao trách nhiệm lớn hơn trong việc kiểm soát, kiểm tra toàn bộ giá thành của các tập đoàn lớn, từ điện, than cho đến xi măng, sắt thép, hàng không, hàng hải. Chúng ta đều thấy mỗi khi giá xăng dầu thế giới tăng là các DN xăng dầu đòi tăng giá mà không hề có động thái xem xét lại giá thành của mình hợp lý hay chưa. Ngoài Bộ Tài chính, Chính phủ cũng nên để Kiểm toán Nhà nước tiến hành kiểm toán thường xuyên các DNNN độc quyền, nhằm thúc giục họ phải rà soát, chấn chỉnh lại toàn bộ cấu trúc sản xuất, kinh doanh để nâng cao hiệu quả.

Nhà nước đã quan tâm và đầu tư nhiều cho các tập đoàn kinh tế lớn, nhưng hệ thống giám sát lại kém hiệu quả. Yếu kém của hệ thống giám sát của VN được thể hiện trên nhiều lĩnh vực chứ không riêng gì lĩnh vực kinh tế như giám sát thi hành pháp luật, các cơ quan Nhà nước...

Cũng với mong muốn để các tập đoàn trở thành trụ cột nền kinh tế, Chính phủ có cơ chế “70/30” cho phép họ ngoài 70% lĩnh vực chính được kinh doanh thêm 30% ngoài ngành nghề nhưng thực tế cho thấy rất khó kiểm soát điều này?

- Đây cũng là một lĩnh vực rất cần giám sát chặt chẽ, vì chính tỉ lệ 70% của ngành cần thiết và then chốt này mà các tập đoàn nhận được sự ưu ái của Nhà nước. Ngay việc cho họ quyền kinh doanh thêm 30% trên các lĩnh vực khác cũng là một sự ưu ái nữa.

Vừa qua, dư luận đã đặt dấu hỏi về sự tiếp tay của các tập đoàn kinh tế lớn đến cơn sốt chứng khoán và bất động sản?

- Tôi nghĩ khi các tập đoàn kinh tế hình thành và được Nhà nước cho phép mở rộng kinh doanh sang các lĩnh vực khác thì đó có thể là một cách để họ tranh thủ tận dụng thêm tài sản đã có.

Buông dần các tập đoàn Nhà nước

Thưa bà, các tập đoàn đã nhận được nhiều ưu ái từ vốn, tài nguyên đến cơ chế, nhưng họ đã không chứng tỏ được vai trò trụ cột của nền kinh tế, đặc biệt trong bối cảnh khó khăn chung hiện nay. Phải chăng đây là lúc cần phải nhìn nhận lại vai trò của các tập đoàn?

- Lúc khó khăn này là một dịp để Nhà nước xem xét lại việc thúc đẩy cải cách, đặc biệt là cải cách các DNNN. Họ có đóng góp lớn vào GDP, nhưng nguồn lực mà họ sử dụng còn lớn hơn nên đóng góp đó là chưa tương xứng với thứ mà các DNNN được hưởng. Cải cách trước hết có thể bắt đầu ngay từ quản trị nội bộ từng DN để tăng cường hiệu quả. Cũng cần cải cách quan hệ giữa Nhà nước với vai trò chủ sở hữu với DN, Nhà nước cần phải tăng cường giám sát hơn nữa các DNNN - là những người đang sử dụng tài sản của nhà nước cũng là tài sản của toàn dân. Mọi công dân đóng góp phần mình vào tài sản đó phải có quyền giám sát các DNNN.

Với thực tế hiện nay chúng ta có nên giữ quan điểm phát triển và duy trì nhiều tập đoàn giữ vai trò trụ cột trong nhiều lĩnh vực kinh tế như hiện có?

- Theo tôi, cần phải có một khuôn khổ luật pháp và hệ thống chính sách đầy đủ hơn trước khi cho ra đời tiếp các tập đoàn. Lúc đầu chỉ hình thành một vài tập đoàn nhằm thử nghiệm mô hình phát triển, nhưng sau đó phát triển ồ ạt và lan quá nhanh trong các ngành khác nhau. Sự phát triển quá lớn, quá nhanh các tập đoàn sẽ làm cho Nhà nước không kịp tăng cường năng lực quản lý của mình với các tập đoàn. Như vậy có thể dẫn tới sự phát triển đó không mang lại hiệu quả cho xã hội và làm nảy sinh các vấn đề mới.

Thưa bà, chủ trương phát triển nhiều tập đoàn của chúng ta có đi ngược lại xu thế của các nền kinh tế thị trường là không khuyến khích các tập đoàn Nhà nước bởi họ làm ăn không hiệu quả bằng DN tư nhân?

- Tuy nhiên, việc phát triển tập đoàn tại nước ta lại ít nhiều mang tính hành chính trên cơ sở các tổng công ty được các bộ đề nghị và Chính phủ phê chuẩn. Vì thế nó thiếu những cơ sở để phát triển thành các tập đoàn vững mạnh. Chưa kể các tập đoàn Nhà nước thường có hiệu quả thấp hơn các tập đoàn tư nhân vì họ có động lực lớn hơn.

Nền kinh tế VN chuyển đổi từ cơ chế cũ sang cơ chế mới nên bóng dáng của Nhà nước vẫn còn nhiều và vai trò của Nhà nước trong đầu tư cũng như các lĩnh vực kinh tế vẫn còn lớn. Tôi nghĩ trong tương lai nên điều chỉnh, kể cả vai trò của Nhà nước theo hướng Nhà nước buông dần các lĩnh vực kinh doanh để các DN hoạt động một cách tự chủ.

Ý bà là Nhà nước chỉ nên giữ lại các tập đoàn mang tính công ích hoặc thực sự then chốt chứ không nên lan tràn?

- Đúng vậy. Ngành xây dựng cần gì phải phát triển nhiều tập đoàn như vậy. Việc hình thành tập đoàn xi măng là không có cơ sở, bởi các DN trong và ngoài quốc doanh đã đầu tư và kinh doanh rất hiệu quả, có tính cạnh tranh cao.

Năng lực cạnh tranh không cao

Theo số liệu thống kê, cả nước hiện có khoảng 3.000 DNNN các loại, đang nắm giữ 20% tổng vốn đầu tư toàn xã hội, gần 50% tổng vốn đầu tư của Nhà nước, 70% tổng vốn vay các ngân hàng nước ngoài và gần 60% tổng lượng vốn tín dụng của các ngân hàng thương mại Nhà nước... Thế nhưng, hằng năm khối DNNN chỉ đóng góp 40% thu nhập trong GDP của cả nước. Điều đó cho thấy DNNN có tiềm lực lớn, được ưu đãi nhiều, đầu tư lớn từ phía Nhà nước nhưng hiệu quả kinh doanh và năng lực cạnh tranh không cao.

Được ưu ái quá nhiều

Bà có cho rằng chính phủ đã có rất nhiều ưu ái về vốn cũng như nhiều điều kiện kinh doanh thuận lợi cho các tập đoàn kinh tế Nhà nước?

- Sự ưu ái mà Chính phủ dành cho các tập đoàn này cũng có những thứ đúng lẽ. Ví như phát triển điện năng phục vụ sự phát triển kinh tế cũng như nhu cầu của toàn xã hội thì cần tập trung đầu tư cho ngành điện. Tuy nhiên, việc ưu ái đó phải đi liền với việc giám sát và kiểm soát chặt chẽ hơn các tập đoàn. Việc mở rộng kinh doanh thì không cho họ làm quá mức mà chỉ mở sang các lĩnh vực có liên quan. Không nên cho các tập đoàn tự do kinh doanh trên tất cả các lĩnh vực như DN bình thường khác. Được giao giữ các lĩnh vực trọng yếu của nền kinh tế thì các tập đoàn phải tập trung vào các lĩnh vực này để bảo đảm yêu cầu phát triển của đất nước và nền kinh tế.

. Những ưu ái đó là nhằm mục đích tạo điều kiện để họ trở thành những trụ cột vững chắc của nền kinh tế?

- Sự ưu ái dành cho các tập đoàn kinh tế là đúng nếu họ làm được điều đó. Đối với những nước đang phát triển như VN còn nhiều thiếu thốn về cơ sở hạ tầng, nhiều lĩnh vực kinh tế chưa khỏe mạnh thì việc tập trung cho một số ngành quan trọng nhất mạnh lên là điều cần thiết. Tuy nhiên, kèm theo sự ưu ái đó là sự kiểm soát để bảo đảm hiệu quả và thực sự phục vụ nhu cầu chung, chứ không chỉ phát triển những gì mà các tập đoàn muốn cũng như mang lại lợi ích lớn cho bản thân họ nhưng không phù hợp với lợi ích chung của nền kinh tế và người tiêu dùng.

Phạm Dương thực hiện

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây