Chuyện học của người Hàn Quốc

 
 
Sự thịnh vượng mà người dân Hàn Quốc đang được hưởng không xứng đáng với áp lực cạnh tranh mà họ đã phải trải qua.
 
Hiếm có nước nào làm tốt hơn Hàn Quốc trong suốt nửa thế kỷ qua. Nền kinh tế Hàn Quốc đã tăng trưởng gấp 17 lần, chính phủ chuyển từ chế độc độc tài sang dân chủ kiểu Mỹ. Giờ đây, nền văn hóa Hàn Quốc đã trở thành thế mạnh với sự thống trị trong các mảng âm nhạc và điện ảnh thế giới. 
 
Giới lãnh đạo và các học giả đều cảm thấy tự hào về bước tiến vượt bậc này. Tuy nhiên, bộ phận duy nhất không cảm thấy ấn tượng với những thành tựu này có lẽ cũng chính là người dân Hàn Quốc. Sự thịnh vượng mà họ đang được hưởng không xứng đáng với áp lực cạnh tranh mà người dân Hàn Quốc đã phải trải qua. 
 
Đối với người dân của xứ sở kim chi, bước phát triển của đất nước gây ấn tượng theo một cách khác: thành công chỉ gắn liền với một bộ phận nhỏ. Ngành sản xuất của Hàn Quốc hùng mạnh hơn ngành dịch vụ, mặc dù dịch vụ mới là ngành tạo ra nhiều việc làm hơn. Và, trong ngành sản xuất, các chaebol (tập đoàn gia đình trị) hoạt động tốt hơn rất nhiều so với các nhà cung cấp nhỏ bé nhưng phải chịu áp lực khổng lồ. 
 
Không có gì đáng ngạc nhiên, những người Hàn Quốc trẻ tuổi đầy tham vọng chỉ mong muốn có được việc làm ở chaebol. Các ngành dược phẩm, luật, tài chính và công việc ở cơ quan nhà nước vẫn có ưu thế, nhưng chaebol mới là bộ phận thu hút được nhiều nhân tài nhất. Samsung, Huyndai và các chaebol khác thường tuyển thẳng sinh viên mới tốt nghiệp từ những trường đại học danh tiếng nhất. 
 
Điều này tạo ra “nút cổ chai” kép trên thị trường lao động. Chỉ có một số ít chaebol để lựa chọn và cơ hội để vào những tập đoàn này là khá nhỏ. Bởi vậy, thanh niên Hàn Quốc bỏ ra nhiều năm trời để làm đẹp bản sơ yếu lí lịch và chuẩn bị cho các kỳ thi, đặc biệt là kỳ thi đại học năm 18 tuổi. 
 
Điều này nghe có vẻ không có gì to tát, và học sinh sinh viên Hàn Quốc cũng thuộc top đầu thế giới về khả năng đọc, làm toán và nghiên cứu khoa học. Tuy nhiên, cái giá phải trả khá đắt. Mọi nỗ lực đều dồn vào mục tiêu là những tấm bằng đắt đỏ chứ không phải học tập thực sự. Hệ thống tạo ra những nhân tài ở độ tuổi quá cao. Chi phí để đào tạo một đứa trẻ cho kỳ thi đại học cũng là một lý do khiến phụ nữ Hàn Quốc sinh rất ít con. Với tỷ lệ sinh thấp nhất trong nhóm OECD, Hàn Quốc đứng trước nguy cơ dân số già hóa đe dọa tốc độ tăng trưởng kinh tế. 
 
Trong quá khứ, chính phủ nước này cũng đã cố gắng giảm bớt áp lực bằng cách cấm dạy thêm học thêm. (Hiệu trưởng trường ĐH Quốc gia Hàn Quốc đã phải từ chức sau khi con của ông đi học thêm). Tuy nhiên, đây không phải là cách để giải quyết vấn đề. Câu trả lời không nằm ở các trường học mà nằm trong nền kinh tế. Tạo ra thị trường lao động mở hơn và linh hoạt hơn mới là cách triệt để. 
 
Chính phủ Hàn Quốc nên thực hiện 3 điều. Thứ nhất, loại bỏ các quy định vốn đang phân chia thị trường lao động thành lao động vĩnh viễn (được nhận thù lao nhiều hơn) và lao động tạm thời (nhận thù lao ít hơn). Thứ hai, Hàn Quốc nên khuyến khích các doanh nghiệp (trong đó có cả các doanh nghiệp nước ngoài) tham gia vào các ngành mà chaebol đang chiếm ưu thế. Thứ ba, thúc đẩy các chaebol mở rộng hoạt động trong ngành dịch vụ, điển hình như bán lẻ, du lịch và vận tải nội địa. 
 
Hàn Quốc đã khiến thế giới phải ngạc nhiên với tốc độ tăng trưởng vượt bậc. Vì lợi ích của các bậc cha mẹ và giới trẻ, điều Hàn Quốc cần là giảm bớt gáng nặng áp lực.
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây