![]() |
Niềm tin của NĐT phụ thuộc vào những gì mà DN niêm yết đang làm. |
Hai ngày trước khi tiến hành ĐHCĐ thường niên, ông Đỗ Văn Trắc, Tổng giám đốc CTCP Cáp và Vật liệu viễn thông (Sacom) khi trao đổi với ĐTCK đã kêu gọi cổ đông có trách nhiệm hơn với Công ty. Số thư mời dự họp của Sacom bị trả về chiếm trên 35% số cổ phần khiến ĐHCĐ đứng trước nguy cơ không thể tiến hành.
Cổ đông thờ ơ
Lo ngại của ông Trắc đã thành hiện thực, ngày 20/3, số NĐT có mặt chỉ đại diện cho hơn 51% số cổ phần. Trao đổi với ĐTCK, ông Trắc bức xúc: "Cổ đông quá thờ ơ với quyền lợi của mình. Là công ty niêm yết, Sacom luôn muốn minh bạch, cố gắng tôn trọng và bảo vệ quyền lợi của cổ đông, đổi lại cổ đông cũng phải thể hiện trách nhiệm với Công ty. Việc phải tổ chức lại ĐHCĐ không chỉ gây thiệt hại vật chất cho Sacom, mà còn lãng phí thời gian cho nhiều cổ đông khác". Hai tuần trước đó, CTCP Nước giải khát Sài Gòn (Tribeco) tiến hành ĐHCĐ thường niên, 8h30 khai mạc theo thời gian ghi trên thư mời, nhưng chỉ có vài ba cổ đông có mặt. Sau đó cũng chỉ có tổng cộng 36 cổ đông, đại hội chỉ đủ điều kiện tiến hành do các cổ đông lớn như Kinh Đô, Uni-President và một vài cổ đông cá nhân nắm tỷ lệ sở hữu khá cao tham dự. Đúng ra, ĐHCĐ Tribeco cần sự tham gia nhiệt tình hơn của các cổ đông nhỏ, nhiều vấn đề của Tribeco cần phải đem ra mổ xẻ và làm rõ, như kết quả kinh doanh năm 2008, phương án phát hành chào bán riêng lẻ cổ phiếu cho cổ đông lớn. Tuy nhiên, đứng trước nhiều vấn đề nóng bỏng, các cổ đông vẫn khá thờ ơ…
Trước đó, ĐHCĐ bất thường của CTCP Bông Bạch Tuyết (BBT) đã phải triệu tập đến lần thứ 3 mới có thể tiến hành (lần này, đại hội không bị ràng buộc bởi tỷ lệ cổ phần tham dự). TTCK xuống sâu, NĐT thua lỗ. Hoạt động của công ty sa sút, nhiều cổ đông chán nản. Liệu các ĐHCĐ sắp tới có còn công ty nào phải tổ chức lại ĐHCĐ như Sacom và BBT - một việc gây lãng phí thời gian và tiền bạc?
Tinh thần phản biện còn mờ nhạt
Điều 15 chương trình làm việc ĐHCĐ năm 2008 của Ngân hàng Đông Á quy định: "HĐQT chỉ giải đáp các ý kiến của cổ đông gửi bằng văn bản". Tại ĐHCĐ của Ngân hàng Sacombank, HĐQT chỉ trả lời vỏn vẹn 5 câu hỏi của cổ đông khi cũng quy định hình thức chất vấn như trên. Tương tự, tại đại hội NĐT của các quỹ VF1 và VF4, NĐT muốn chất vấn cũng phải ghi ra giấy gửi lên ban tổ chức. Các quy định trên khá xa lạ với Điều 79 Luật Doanh nghiệp: cổ đông có quyền tham dự và phát biểu trong các ĐHCĐ và thực hiện quyền biểu quyết trực tiếp hoặc thông qua đại diện; mỗi cổ phần phổ thông có một phiếu biểu quyết…
Nhiều cổ đông nhỏ đã bày tỏ thái độ không bằng lòng với cách tổ chức đại hội như trên. Theo họ, hình thức tổ chức như vậy có thể ẩn chứa sự không minh bạch. Chẳng hạn, với yêu cầu đặt câu hỏi bằng văn bản, chỉ ban tổ chức mới biết nội dung chất vấn và cổ đông không biết câu hỏi được mang ra trả lời đã có tính đại diện hay chưa? Liệu có những câu hỏi hóc búa nào mà ban điều hành lảng tránh, không muốn trả lời hay không? Theo một số cổ đông, nhiều khi chính từ việc hỏi đáp trực tiếp họ mới nảy sinh ra vấn đề và có yêu cầu phải chất vấn sâu thêm. Hình thức đặt câu hỏi bằng văn bản hoàn toàn bóp nghẹt tính chất phản biện tại các đại hội. Điệp khúc quen thuộc từ HĐQT là sẽ tập hợp câu hỏi và trả lời bằng văn bản trên website. Tuy nhiên, không ít DN vẫn còn đang nợ cổ đông nhiều câu trả lời từ những đại hội trước…
Trong nhiều ĐHCĐ, ban điều hành giải thích, do thời gian tổ chức đại hội ngắn, nên thời gian chất vấn, hỏi đáp phải hạn chế. Song theo ý kiến của cổ đông, giải thích này không hợp lý. Theo họ, các nội dung như báo cáo kết quả sản xuất - kinh doanh, đọc nội dung các tờ trình, NĐT có thể tự đọc hoặc HĐQT chỉ cần trình bày tóm tắt, lưu ý cổ đông những điểm quan trọng. Thời gian dành cho hỏi đáp - vấn đề trọng yếu nhất của ĐHCĐ cần phải được kéo dài. Thêm nữa, ý kiến của cổ đông nhỏ phải được tôn trọng và lắng nghe, vì họ có thể có sáng kiến đóng góp cho công ty.
Nhìn về lâu dài, niềm tin của NĐT phụ thuộc vào những gì mà DN niêm yết đang làm. Trong ĐHCĐ, nếu cổ đông nhỏ không thể cất lên tiếng nói thì họ sẽ cảm thấy mình chỉ là ông chủ danh nghĩa. Điều này không chỉ ảnh hưởng đến DN, mà còn ảnh hưởng đến cả thị trường.
Báo chí bị hạn chế
Tại ĐHCĐ Tribeco, chỉ những phóng viên có tên trong danh sách khách mời mới được tham dự. Tương tự, tại đại hội NĐT của VF1 và VF4 diễn ra trong tuần qua, ban tổ chức hạn chế tối đa sự tham dự của báo giới. Sự có mặt của một số phóng viên tại đại hội là kết quả của việc phải gây áp lực lên cấp cao hơn…
Những năm trước, có thể không được mời, nhưng báo giới khá tự do khi tham dự ĐHCĐ của các DN để viết tin, bài, đặc biệt là phản ánh những vấn đề nóng tại đại hội. Thông thường, một công ty niêm yết chí ít cũng có vài ngàn cổ đông, rải rác trong cả nước. Vì điều kiện địa lý, kinh tế và thời gian, khá nhiều người trong số họ không thể đến tham dự đại hội. Chi tiết và diễn biến sinh động tại đại hội họ chỉ có thể biết được qua cầu nối trung gian là báo chí. Nhưng năm nay, tình hình có thể sẽ khác. Nếu thực sự minh bạch và có trách nhiệm với cổ đông, tại sao ban tổ chức đại hội phải đặt ra những quy định hạn chế báo chí? Câu hỏi này xin được gửi tới ban lãnh đạo nhiều công ty trong mùa ĐHCĐ năm nay.