![]() |
Mục tiêu của gói kích cầu là cho vay để góp phần hạ giá thành sản phẩm, duy trì sản xuất - kinh doanh.Mục tiêu của gói kích cầu là cho vay để góp phần hạ giá thành sản phẩm, duy trì sản xuất - kinh doanh. |
Theo số liệu của NHNN, dư nợ cho vay hỗ trợ lãi suất đến ngày 20/3 là 151.903 tỷ đồng; trong tuần qua, dư nợ cho vay của chương trình này đã tăng 7.591 tỷ đồng (gần 5,26%). Trước thông tin về việc một phần lớn tiền cho vay kích cầu dùng để đảo nợ, tỷ lệ đồng vốn đi vào sản xuất, kinh doanh rất thấp và nhiều ý kiến cho rằng, nên công khai chính sách này để DN không phải “lách luật”, cuối tuần qua Thống đốc NHNN Nguyễn Văn Giàu khẳng định: Chính phủ không ủng hộ những đề xuất như vậy.
Số liệu từ NHNN cũng cho thấy một diễn biến khá tích cực, đó là mức giải ngân vốn kích cầu tăng cao ở khối NHTM cổ phần, ngân hàng nước ngoài - nhóm có đối tượng khách hàng tập trung ở khu vực DN dân doanh, DN vừa và nhỏ. Đây là nhóm DN được đánh giá sử dụng vốn tương đối hiệu quả. Cụ thể, dư nợ cho vay của nhóm NHTM nhà nước và Quỹ tín dụng nhân dân Trung ương hiện đạt 115.659 tỷ đồng, tăng 1.122 tỷ đồng (tăng gần 0,98%); nhóm NHTM cổ phần là 31.731 tỷ đồng, tăng 4.894 tỷ đồng (tăng gần 18,2%); nhóm ngân hàng liên doanh, chi nhánh ngân hàng nước ngoài và ngân hàng 100% vốn nước ngoài là 4.513 tỷ đồng, tăng 1.575 tỷ đồng (tăng gần 53,59%).
Hiểu đúng về đảo nợ
Đề cập đến những lo ngại vốn kích cầu trở lại ngân hàng dùng để đảo nợ, thể hiện qua việc tổng số tiền được giải ngân không có độ tương xứng hợp lý so với tăng trưởng dư nợ tín dụng trong tháng 2 khoảng 0,8%, trao đổi với ĐTCK cuối tuần qua, Thống đốc Nguyễn Văn Giàu nói: “So sánh như vậy là rất khập khiễng”. Số tiền hỗ trợ lãi suất góp phần tạo ra 620.000 tỷ đồng vốn vay ngắn hạn nhằm giảm chi phí trả lãi tiền vay góp phần hạ giá thành sản phẩm cho DN, còn mục tiêu tăng trưởng tín dụng cả ngắn, trung và dài hạn của toàn ngành ngân hàng trong năm nay cao nhất chỉ khoảng 250.000 tỷ đồng, tức tăng 21 - 23% so với năm 2008.
Ông Giàu giải thích thêm: “Đảo nợ theo Thông tư 02/2009/TT-NHNN là hình thức cho DN vay để trả nợ tại ngân hàng đang vay hoặc để chuyển sang trả nợ cho ngân hàng khác”. Đến nay, NHNN chưa nhận báo cáo phát hiện trường hợp nào như vậy từ Thanh tra NHNN và giám đốc các chi nhánh NHNN tỉnh, thành phố. Việc DN trả nợ trước hạn, giải phóng hàng hóa tồn kho, rồi vay lại cho kế hoạch sản xuất - kinh doanh mới không phải là hình thức đảo nợ. Nếu DN vay vốn chỉ với mục đích vay đảo nợ, thì khó có thể đưa ra phương án kinh doanh chặt chẽ, khả thi và như vậy cũng khó có cơ hội vay được tiền. Hơn nữa, ngân hàng phải kiểm tra giám sát chặt chẽ phương án sản xuất - kinh doanh trước, trong và sau khi cho vay, yêu cầu DN cung cấp đủ chứng từ hóa đơn nếu phát hiện DN sử dụng không đúng mục đích sẽ thu hồi ngay.
Trong quá trình triển khai gói kích cầu, tiêu cực có thể nảy sinh dưới nhiều hình thức, song NHNN cũng đã khẳng định quyết tâm sẽ giám sát chặt chẽ, thể hiện qua việc quy trách nhiệm cụ thể cho tổng giám đốc, chủ tịch HĐQT các ngân hàng. Đồng thời, nếu phát hiện có hiện tượng bất bình thường, thanh tra tại các địa phương sẽ báo ngay Thanh tra NHNN vào cuộc. Tuy nhiên, NHNN cũng đã quán triệt tư tưởng hậu kiểm, chỉ kiểm tra khi cần thiết, chứ không phải làm tràn lan khiến cả DN và ngân hàng bị phiền hà.
Công khai cho DN đảo nợ theo khẳng định của Thống đốc Nguyễn Văn Giàu sẽ tiềm ẩn rủi ro cho cả nền kinh tế khi những DN yếu kém, không có phương án sản xuất - kinh doanh được sử dụng tiền vay, được hỗ trợ lãi suất.
Khó kéo dài gói kích cầu
Trước đề xuất của các chuyên gia Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia và Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính - tiền tệ về việc Chính phủ nên kéo dài gói kích cầu, cho DN được hỗ trợ lãi suất vay vốn trung, dài hạn nhằm đổi mới công nghệ, đầu tư máy móc, Thống đốc Nguyễn Văn Giàu cho biết, mục tiêu của gói kích cầu được nói rất rõ là cho vay để góp phần hạ giá thành sản phẩm, duy trì sản xuất - kinh doanh, việc làm, chứ chưa nhằm tập trung cho đầu tư mới, tạo việc làm mới (đầu tư cho tăng trưởng). Với những đề xuất về kéo dài gói hỗ trợ kích cầu, câu hỏi được quan tâm hiện nay là lấy tiền qua kênh nào để tiếp tục hỗ trợ lại chưa thấy các chuyên gia đề cập.
Để tăng cường giám sát tính hiệu quả của gói kích cầu, NHNN sẽ tiến hành thống kê sâu, chi tiết ngành nào, loại hình DN nào, địa phương nào được giải ngân vốn hỗ trợ và công bố thông tin rộng rãi.