Công ty chứng khoán nỗ lực tự cứu

Thị trường chứng khoán ảm đạm kéo dài sẽ khiến nhiều CTCK tiếp tục lỗ nặng.

Theo thống kê, tính đến cuối năm 2008, có tới 80% công ty chứng khoán (CTCK) bị thua lỗ. Nhiều công ty đang nỗ lực tìm kiếm đối tác để sáp nhập, sang nhượng nhưng việc này không hề đơn giản.

 


Trượt dốc

 

Sinh sau đẻ muộn, CTCK Vincom (VincomSC) đã từng tự hào vì không "dính" thua lỗ cho khoản tự doanh mà hầu hết CTCK khác đều mắc phải. Với tiềm lực tài chính mạnh, VincomSC đã trang bị một cơ sở vật chất, hệ thống máy móc hiện đại. Trong quãng thời gian thị trường trầm lắng, để thu hút nhà đầu tư, VincomSC liên tục tổ chức các buổi hội thảo về các vấn đề nóng trên thị trường... Nhưng tất cả những nỗ lực này cũng không đủ giữ phong độ cho VincomSC. Khó khăn, hoạt động không hiệu quả là lý do mà VincomSC chính thức cho nghỉ một lúc tới vài chục nhân viên, trong đó có cả những cán bộ của công ty trước Tết Kỷ Sửu vài ngày. Công ty mẹ là Vincom đang kỳ vọng, việc tinh gọn bộ máy sẽ giảm được chi phí không cần thiết đủ giúp VincomSC "trụ" được qua thời kỳ khó khăn hiện nay.

 

Khóa sổ năm 2008, mức lỗ của CTCK Kim Long dự tính là vài trăm tỷ đồng, mà nguyên nhân chính là tự doanh. Con số này tương đương với mức lỗ của CTCK Bảo Việt trong 9 tháng đầu năm 2008. Đến lúc này, CTCK Bảo Việt chưa đưa ra con số cuối cùng của năm 2008 nhưng lỗ là điều chắc chắn bởi từ tháng 9 tới nay, thị trường vẫn luôn trên đà lao dốc và các CTCK nói chung đều trong tình trạng hoạt động cầm chừng.

 

Theo thống kê, có tới 80% CTCK thua lỗ trong năm 2008 mà trong đó, thua lỗ nặng nề là rất nhiều. Không chỉ thua lỗ, các CTCK còn đang đứng trước áp lực tăng vốn cho đủ điều kiện về vốn phù hợp với các nghiệp vụ đăng ký theo Nghị định 14 của Chính phủ. Các CTCK nhỏ đang "lên ruột" vì tăng vốn thì cực kỳ khó mà cắt bớt nghiệp vụ thì "thê thảm" quá. Có thể nói, tình trạng các CTCK hiện nay là cực kỳ căng thẳng.

 

Bán công ty, không dễ

 

Trên thực tế, không phải đến bây giờ các CTCK mới gặp khó khăn. Tình trạng này đã bắt đầu từ năm 2007 với hàng loạt các CTCK bị phá sản từ trong trứng nước (được cấp phép nhưng chưa hoạt động). Từ giữa năm 2007 đã có nhiều vụ mua bán, sáp nhập giữa các CTCK với các đối tác trong và ngoài nước. Nhưng nếu như trước đây, các vụ mua bán, sáp nhập chỉ diễn ra trong âm thầm thì đến thời điểm này, việc tìm đối tác để sang nhượng cổ phần đối với các CTCK đã đến hồi gay cấn. Đó cũng chính là lý do lần đầu tiên một CTCK công khai đăng tải trên báo chí việc tìm đối tác chiến lược để bán cổ phần. Đó là CTCK Gia Anh, được thành lập từ tháng 12.2006. Gia Anh cần bán đến 80% vốn điều lệ với giá gốc. "Lý lịch" đầu tiên được nhắc đến trong thông tin chào bán là vốn điều lệ nhỏ, bộ máy nhân sự gọn nhẹ, không có hoạt động tự doanh, mới đầu tư vào tài sản cố định khoảng 4 tỷ đồng. Việc "công khai" của CTCK Gia Anh cho thấy tình hình các CTCK đang rất nguy kịch, nếu không nhanh chóng tìm được đối tác rất có thể nhiều công ty phải tuyên bố phá sản vì không thể cầm cự lâu hơn cũng như không đáp ứng được quy định về vốn theo quy định mới.

 

Một chuyên gia chứng khoán tại TP.HCM cho rằng, việc tìm đối tác để sang nhượng cổ phần của các CTCK thời điểm này không dễ. Đầu tiên là do hầu hết các công ty này đều "mất điểm" với đối tác vì làm ăn thua lỗ (thua lỗ mới phải sang nhượng). Trong khi đó, thị trường chứng khoán dự báo sẽ tiếp tục lình xình trong năm nay khiến khả năng kiếm lời từ chứng khoán là rất khó khăn. Lý do thứ 2 là ngoài việc thua lỗ, nếu mua lại cổ phần, các đối tác phải đối mặt với việc tăng vốn nếu muốn giữ nguyên các nghiệp vụ mà CTCK đã đăng ký theo quy định về vốn của Nghị định 14 như nói trên. "Đứng từ góc độ người mua, chỉ 2 trở ngại này thôi cũng khó có thể thuyết phục được khách hàng" - chuyên gia này nói.

 

Với những lý do trên, dự báo trong thời gian tới sẽ có hàng loạt CTCK tuyên bố phá sản. Thị trường chứng khoán sẽ có thêm một năm đầy kịch tính bởi những chuyện như thế này và đây cũng là bài học cho các công ty đã đua nhau mở sàn giao dịch trong thời gian trước đây.

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây