Công ty sợ lên sàn

Thị trường chứng khoán đang giảm khiến nhà đầu tư sợ giao dịch - Ảnh: D.Đ.M

Lo giá giảm

Ngược với việc chạy đua lên sàn từ cuối năm 2006 đầu năm 2007, hiện nay nhiều công ty đã thông báo tạm dừng kế hoạch niêm yết. Tháng 10.2007, Ngân hàng Sài Gòn - Hà Nội (SHB) thông báo gửi hồ sơ xin niêm yết tại Trung tâm Giao dịch chứng khoán Hà Nội (HASTC) và dự kiến lên sàn tháng 12.2007. Nhưng đến thời điểm hiện tại, các cổ đông của SHB chờ mỏi mắt vẫn không thấy có thông báo mới về việc chuẩn bị lên sàn. Anh Minh - một nhà đầu tư đang giữ 2.000 CP phổ thông SHB rất sốt ruột vì điều này. “Lên hay không thì cũng phải thông báo để cổ đông còn biết đường mà tính. Không biết hồ sơ chưa xong hay vì lý do gì nhưng không có thông tin thì sẽ càng bất lợi cho nhà đầu tư” - anh Minh nói.

Công ty cổ phần chứng khoán Đại Việt cũng đã công bố chốt danh sách để đăng ký lưu ký chứng khoán từ cuối tháng 12.2007. Tuy nhiên đến đầu tháng 3.2008, công ty này gửi thông báo cho các cổ đông về việc hoãn lưu ký và niêm yết. Thông báo nêu rõ: “Do tình hình thị trường đang diễn biến theo chiều hướng không tích cực, việc niêm yết CP vào thời điểm hiện nay sẽ không thuận lợi, ảnh hưởng lớn đến thị giá CP cũng như quyền lợi của cổ đông”. Vì vậy, Hội đồng quản trị công ty này quyết định dời ngày niêm yết đến một thời điểm thuận lợi hơn.

Một công ty cổ phần ngành vận tải cũng đã nhận được giấy phép chính thức niêm yết CP tại HOSE giữa tháng 3.2008. Nhưng đến thời điểm này, công ty vẫn chưa có thông báo cụ thể khi nào chính thức lên sàn. Tổng giám đốc một quỹ đầu tư nước ngoài cũng cho rằng nếu như lúc trước, việc đầu tư vào một số công ty tư nhân nhằm thúc đẩy nhanh chóng lên sàn thì hiện nay điều này không phải là mục tiêu của quỹ nữa.

Hệ lụy

Việc hoãn lên sàn của một số công ty trong thời điểm hiện nay được xem là điều tất yếu. Vì khi câu chuyện niêm yết được xem là một trong những “chiêu kích giá” từ cuối năm 2006 hoặc để lấy phần thặng dư vốn cho doanh nghiệp thì hiện nay, điều đó là không hiện thực. Ví dụ Công ty cổ phần bóng đèn Điện Quang (mã DQC) và Công ty cổ phần đầu tư và sản xuất Việt-Hàn (VHG) được nhắc đến như một điển hình cho sự rớt giá dài hạn. DQC giao dịch ngày đầu tiên tại HOSE vào 21.2.2008 với giá 232.000 đồng/CP (đây cũng là giá thực hiện thấp so với giá khởi điểm mà công ty đưa ra là 290.000 đồng/CP). Nhưng đúng một tháng sau, giá DQC ngày 21.3 là 107.000 đồng/CP. Tương tự, VHG chào sàn ngày 28.1.2008 với mức giá 96.000 đồng/CP thì đến nay chỉ còn 28.900 đồng/CP. Anh Lê Trung, một nhà đầu tư tại sàn SSI cho biết đã giữ CP Điện Quang từ lúc chưa lên sàn với tin tưởng vào kết quả hoạt động khả quan của công ty. Tuy nhiên, khi CP này giảm xuống ngày càng nhiều và ở khoảng 130.000 đồng/CP thì anh không đủ kiên nhẫn nữa và đành bán cắt lỗ.

Thị trường hiện nay không đủ hấp dẫn công ty lên sàn cũng như khiến việc bán bớt phần vốn của Nhà nước tại nhiều doanh nghiệp không thành công. Điều đó sẽ dẫn đến quá trình cổ phần hóa bị chậm lại. Theo nhiều chuyên gia chứng khoán, tiến độ chậm CPH các doanh nghiệp nhà nước, sẽ làm cho cam kết của Việt Nam với các nhà đầu tư nước ngoài không thực hiện được. Khi đó, sự chán nản của những nhà đầu tư này sẽ góp phần làm cho thị trường trở nên khó khăn hơn.

Mai Phương

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây