![]() |
Các doanh nghiệp thép phải "bán tháo" với giá thấp để tránh lỗ. Ảnh: Lê Hưng. |
Giá nguyên liệu đầu vào đang giảm mạnh, cộng với sức mua giảm do suy thoái kinh tế, doanh nghiệp không thể duy trì mức giá cũ mà phải bán sản phẩm dưới giá thành nhằm xoay vòng vốn. Với lạm phát, doanh nghiệp chỉ thiệt một, nay thiệt gấp đôi khi đối mặt với giảm phát.
Điển hình của tình trạng trên là các doanh nghiệp trong ngành thép. Do lạm phát những tháng đầu năm, các doanh nghiệp ồ ạt nhập phôi thép (có thời điểm là giá lên đến 1.200 USD một tấn) để “đón đầu” vì lo sợ nguyên liệu này tiếp tục tăng cao vào mùa xây dựng.
Hiện giá phôi thép trên thị trường giảm hơn một nửa khiến giá thép giảm mạnh (hiện dao động quanh mức 11 triệu đồng, trong khi đầu năm lên đến 20 triệu đồng một tấn). Thậm chí, có doanh nghiệp phía Bắc còn gây “sốc” khi bán với giá 7 triệu đồng một tấn. Mặc dù chạy đua phá giá thép nhưng các doanh nghiệp vẫn rất khó tiêu thụ sản phẩm, bởi người tiêu dùng cho rằng giá thép còn cao so với thế giới. Vì vậy, các doanh nghiệp sản xuất thép vẫn phải “cắn răng” sản xuất để giữ chân lao động vì càng sản xuất càng lỗ.
Chủ tịch Hiệp hội Thép Việt Nam VSA, ông Phạm Chí Cường lo lắng, các doanh nghiệp thép đang bán hàng không theo giá trị hàng hóa mà vì áp lực tài chính. Ông Cường lý giải, dù giá giảm xuống mức 7 triệu đồng một tấn cũng phải bán vì hầu hết doanh nghiệp thế chấp vay ngân hàng bằng chính lượng thép trong kho. Đến kỳ đáo hạn, ngân hàng siết nợ buộc doanh nghiệp phải “bán tháo”, còn ngân hàng đứng ra thu tiền trực tiếp.
“Không bán bằng mọi giá, doanh nghiệp sẽ thiếu vốn, nguy cơ đóng cửa rất cao. Hiện năm đơn vị thành viên VSA đã ngừng sản xuất hoàn toàn”, ông Cường nói.
Các doanh nghiệp ngành thủy sản, dệt may, đồ gỗ, hàng tiêu dùng…không chỉ gặp khó trong hoạt động xuất khẩu mà ngay tại thị trường nội địa, nhiều doanh nghiệp cũng điêu đứng do giá cả và nhu cầu tiêu dùng cùng giảm.
Thua trên sân nhà
Chuyên gia kinh tế Bùi Kiến Thành cho biết, khủng hoảng tài chính tại Mỹ khiến các mặt hàng xuất khẩu vào nước này gặp khó khăn vì hai lý do. Thứ nhất, hàng xuất khẩu của Việt Nam phần lớn là các sản phẩm thô, trong khi giá nguyên liệu thô trên thị trường đang giảm, kể cả khi không có khủng hoảng tài chính. Kế đến là sự khó khăn của thị trường tài chính dẫn đến thị trường nhập khẩu hàng hóa co hẹp lại nên nhu cầu nhập khẩu cũng giảm.
Ngoài nỗi lo về sự sụt giảm xuất khẩu do suy thoái kinh tế, ông Trương Đình Tuyển, thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tiền tệ quốc gia, vừa đưa ra một thông tin “nóng” là: Kể từ năm 2009, các quốc gia châu Âu và Mỹ sẽ không còn áp dụng hạn ngạch đối với các mặt hàng dệt may và da giày của Trung Quốc. Theo thỏa thuận gia nhập WTO của Trung Quốc năm 2001, quốc gia này sẽ bị áp hạn ngạch hai mặt hàng này trong tám năm và quy định này hết hiệu lực trong năm 2008.
Đây là một thông tin đáng lo ngại đối các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực này bởi trong bối cảnh khủng hoảng kinh tế toàn cầu hiện nay, người tiêu dùng sẽ chuyển sang sử dụng các mặt hàng rẻ tiền mà đây lại là lợi thế của các doanh nghiệp Trung Quốc. Thế nhưng, khi được hỏi về thông tin nói trên, không ít doanh nghiệp dệt may và da giày trong nước đều “lắc đầu”.
Theo ông Thành, không chỉ mất thị trường ngoại, các doanh nghiệp còn có nguy cơ thua ngay trên sân nhà do nhiều doanh nghiệp nước ngoài chuyển hướng tiêu thụ sản phẩm tại thị trường Việt Nam. Để đối phó với tình trạng này, ông Thành cho rằng, các doanh nghiệp trong nước cần nghiên cứu sản xuất các mặt hàng thay thế hàng nhập khẩu và có khả năng phát triển mạnh tại thị trường nội địa. Đặc biệt, các doanh nghiệp cần chủ động tiết kiệm chi phí nhằm giảm giá thành sản phẩm để năng sức cạnh tranh.
Theo ông Thành, không riêng Việt Nam, các quốc gia châu Á khác cũng bị ảnh hưởng nặng nề từ sự suy thoái của Mỹ, nền kinh tế mà tỷ lệ tiêu dùng chiếm 70%. Một khi người Mỹ thắt chặt hầu bao thì các nền kinh tế dựa chủ yếu vào nguồn lợi xuất khẩu của thị trường này chắc chắn gặp khó khăn.