![]() |
Giá cổ phiếu liên tục sụt giảm thời gian qua là cơ hội tốt để các nhà đầu tư có thể thâu tóm doanh nghiệp thông qua sàn chứng khoán. (Ảnh minh họa) |
Bùng nổ thâu tóm cổ phiếu
Cuối tháng 10 năm 2005, CTCP bánh kẹo Kinh Đô (mã KDC) tuyên bố đã nắm giữ trên 35,4% cổ phiếu của CTCP Nước giải khát Sài Gòn (Tribeco). Tribeco - mã chứng khoán TRI chính là công ty đầu tiên bị “thâu tóm” trên TTCK. Phi vụ “thâu tóm” này đã lúc đó đã thực sự gây “sốc” và làm xôn xao TTCK Việt Nam.
Tại thời điểm hiện nay, khi TTCK đang xuống dốc, giá nhiều cổ phiếu đã về gần mức mệnh giá, thậm chí có cả những cổ phiếu ngân hàng (một ngành được cho là rất hot chỉ cách đây không lâu) được giao dịch dưới mệnh giá trên thị trường OTC. Giá cổ phiếu xuống thấp đã trở thành "cơ hội vàng" cho không ít NĐT "thâu tóm" cổ phiếu công ty. Đã và đang có khá nhiều các vụ thâu tóm công ty xuất hiện.
Đi đầu trong các thương vụ này, vẫn là đại gia bánh kẹo Kinh Đô. Vừa qua, CTCP Kinh Đô đã mua một số lượng lớn cổ phiếu của CTCP Vinabico (ở mức chi phối) và đã chính thức trở thành pháp nhân lớn nhất của Vinabico. Đại diện Vinabico cho biết, ban lãnh đạo Công ty hoàn toàn bất ngờ trước việc KDC tuyên bố sở hữu 51% cổ phần của Vinabico, vì hoạt động mua lại cổ phần của DN này diễn ra rất thầm lặng.
CTCP Nam Vang (mã NVC) mới đây cũng tuyên bố đã mua xong CTCP Đầu tư phát triển Văn hóa - Kinh tế với giá hơn 41 tỷ đồng. Theo đó, Nam Vang đã mua 4.110.000 cổ phiếu với giá 10.000 đồng/CP của công ty này, chiếm giữ 99,95% vốn điều lệ của công ty (41,12 tỷ đồng). CTCP Phát triển Nhà Daewon - Thủ Đức cũng đang nâng tỷ lệ sở hữu CTCP Cơ khí Xăng dầu (mã chứng khoán PMS) từ 19,51% lên 20,62%. Chiến lược thâu tóm PMS của CTCP Phát triển nhà Daewon - Thủ Đức diễn ra khá bài bản và có lộ trình rõ ràng: năm trước chiếm 17,17% vốn điều lệ, sau tăng 19,51% vốn điều lệ và mới đây là 20,62%.
Mới đây khi CTCP Bông Bạch Tuyết (mã BBT) lao đao trong nguy khốn, nợ nần chồng chất, nguy cơ phá sản cận kề nhưng BBT vẫn có hàng chục nghìn cổ phiếu giao dịch mỗi phiên. Các chuyên gia cho rằng cổ đông lớn đang thâu tóm nhằm tăng tỷ lệ sở hữu cổ phần tại công ty.
Theo lý giải của các chuyên gia, đối tượng thâu tóm nhìn thấy được triển vọng và tên tuổi của BBT có thị phần lớn và gần như độc quyền về sản phẩm bông y tế trên thị trường. Cơ sở vật chất, máy móc thiết bị, thương hiệu sẵn có, trong khi giá lại quá rẻ. Chỉ cần giải quyết bài toán nợ và tái cấu trúc lại công ty, Bông Bạch Tuyết sẽ không mất quá nhiều thời gian để trỗi dậy và phát triển trở lại.
Do vậy, một số chuyên gia dự đoán thành phần này sẽ thâu tóm cổ phiếu BBT qua từng phiên giao dịch, có thể chính những người đã đưa ra và ủng hộ phương án phát hành cổ phiếu tăng vốn điều lệ trình tại đại hội cổ đông. Khi mức sở hữu vượt qua Dệt may Gia Định, họ sẽ ra mặt và có tiếng nói quan trọng tới các vấn đề lớn của công ty.
Trên thị trường OTC, trong đợt giảm giá vừa qua, một vài công ty đại chúng cũng đã bị cổ đông bên ngoài thâu tóm bằng cách ngầm mua 30% cổ phần, sau đó dùng quyền biểu quyết không thông qua nhiều nội dung tại ĐHCĐ để tạo sức ép với ban lãnh đạo cũ. Giá cổ phiếu OTC vẫn còn thấp, không phản ánh đúng giá trị công ty như hiện nay là điều kiện tốt cho những NĐT không vì mục đích lợi nhuận đơn thuần này "tái thâu tóm" cổ phiếu công ty của mình.
Với tiềm lực tài chính và kinh nghiệm, các công ty nước ngoài hiện đang để mắt tới hoạt động mua bán, sáp nhập DN ở Việt Nam. Đi đầu trong chiến dịch thâu tóm cổ phiếu này là Công ty Lotte Confectionery (Hàn Quốc). Sau khi nắm giữ được khối lượng lớn cổ phiếu của Công ty Bánh kẹo Biên Hòa Bibica (BBC), Lotte Confectionery đã thương lượng với BBC tăng tỷ lệ sở hữu lên 5,49 triệu cổ phiếu (chiếm 35,6% vốn điều lệ của BBC). Sau khi giao kèo, Lotte Confectionery cử ông Dong Jin Park nắm giữ quyền quản lý giữ chức Chủ tịch Hội đồng Quản trị BBC.
Hạn chế chính sách
Trong kế hoạch phát triển 500.000 DN tới năm 2010 của Việt Nam, dự kiến có tới 35 - 50% số DN của nước ta trong vòng 6 - 10 năm tới có thể sáp nhập hoặc bị sáp nhập. Luật sư Trần Vũ Hải (Công ty Luật Hà Nội) khẳng định hoàn toàn có khả năng thâu tóm trong lĩnh vực chứng khoán, vốn đã và đang xảy ra. Một số chuyên gia chứng khoán cho rằng, hoạt động thâu tóm DN thông qua thu mua cổ phiếu của các “đại gia” đang diễn ra như những đợt “sóng ngầm”, nhất là thời điểm thị trường sụt giảm sâu, giá cổ phiếu rẻ như hiện nay.
Trong khi đó, liên quan đến hoạt động thâu tóm cổ phiếu, Luật Chứng khoán Việt Nam quy định còn chưa chặt chẽ. Hiện Luật chỉ quy định, nếu NĐT nào muốn sở hữu trên 25% cổ phần của một DN thì phải thông báo cho cơ quan trực thuộc quản lý và DN niêm yết. Tuy nhiên thực tế, thời gian qua hầu như không có “đại gia” nào chịu thông báo, hoặc chỉ thông báo khi sự việc đã rồi.
Về thông báo đến công ty bị thâu tóm và ý kiến của công ty bị thâu tóm, theo quy định hiện hành tổ chức cá nhân chào mua chỉ phải gửi bản chào mua công khai đến Uỷ ban Chứng khoán Nhà nước. Sau khi được cơ quan này đồng ý thì công bố trên các phương tiện thông tin đại chúng, trong khi đó lại chưa có quy định về thời gian công ty đại chúng phải công bố ý kiến công ty về việc chào mua... Chính điều này sẽ làm cho công ty bị thâu tóm không có thời gian để kịp tự bảo vệ, đưa ra khuyến cáo có giá trị cho cổ đông. Khi thông tin được chính thức công bố thì sự việc đã rồi, DN bị thâu tóm không tài nào trở tay kịp.
Có đáng ngại?
Việc mua bán, sáp nhập hay thâu tóm DN là hoạt động bình thường tại nhiều nước trên thế giới. Tiềm năng của DN là yếu tố quyết định việc cân nhắc chiến lược đầu tư hay không của nhà đầu tư. Cần nhấn mạnh rằng chúng ta đừng nên lo lắng thái quá khi cho rằng, DN mình đang bị "thâu tóm" theo nghĩa tiêu cực trong khi Việt Nam đang ra sức kêu gọi vốn đầu tư. Điều đáng nói ở đây là không phải DN nào cũng hấp dẫn nhà ĐTNN để họ sẵn sàng bỏ tiền đầu tư hay mua lại hoàn toàn.
Câu chuyện từ thương vụ Kinh Đô thâu tóm Tribeco có thể dẫn chứng phần nào cho nhận định này. Ngày ấy, khi vừa nghe tin “người lạ” sắp vào nhà, ông Phan Minh Có, Tổng giám đốc Tribeco, đã cấp tốc nhóm họp ngay đội ngũ điều hành của công ty phần vì sợ đội ngũ hoang mang, nhưng phần khác ông lại thấy... vui! Theo ông Có, thì sự kiện này đã mở ra một cơ hội. Trước hết đó là tín hiệu mừng. Vì cả hai đều kinh doanh khác ngành hàng, và không phải là đối thủ của nhau.
Thứ hai, nếu mua như vậy thì Kinh Đô không đầu tư vào Tribeco kiếm lời bằng việc mua bán cổ phiếu, mà họ đầu tư vào để phát triển quy mô ngành hàng. Trong một hệ thống phân phối, anh bán bánh kẹo thì đây nước ngọt anh kèm theo. Thứ ba là chia sẻ rủi ro. Thực tế thời gian qua đã chứng minh cho nhận định của ông Phan Minh Có là đúng: Tribeco đã có sự thay đổi lớn về nhiều mặt, thương hiệu phát triển hơn, hệ thống phân phối cũng như sản phẩm được đa dạng, hoạt động sản xuất kinh doanh quy mô và hiệu quả hơn.
Bị “thâu tóm”, cũng có thể sẽ mở ra một cơ hội phát triển mới cho DN. Tất nhiên, không phải tất cả 100% đều như ý. Nhưng đây lại là một xu thế tất yếu của sự phát triển. Chưa thể khẳng định được rằng, việc bị thâu tóm DN là tốt hay không tốt. Vấn đề đáng quan tâm là ở chỗ, các DN sẽ thoả thuận với nhà đầu tư như thế nào. Nếu DN trở nên tốt hơn, cả về kết quả kinh doanh lẫn quản trị DN sau khi nhà đầu tưc tham gia góp vốn thì sẽ tốt chung cho cả nền kinh tế.