Kiềm chế lạm phát và ổn định kinh tế vĩ mô, đồng thời chủ động phòng ngừa suy giảm kinh tế, duy trì tốc độ tăng trường hợp lý, bền vững, đảm bảo an sinh xã hội. Đó là mục tiêu được xác định từ nội dung cuộc họp báo Chính phủ thường kỳ chiều 1/11 theo nguồn tin chính thức từ TTXVN và cổng Thông tin điện tử Chính Phủ.
Dự báo 2008, GDP đạt 6,7% và CPI là 22%
Theo công bố từ Cổng TT ĐT Chính phủ, các chỉ số cụ thể của kinh tế xã hội 10 tháng đầu năm 2008 như sau: Tốc độ tăng giá trị sản xuất công nghiệp 15,8%; kim ngạch xuất khẩu 53,8 tỷ USD ( tăng 36,7%); kim ngạch nhập khẩu 70,1 tỷ USD (tăng 42,6%); dự kiến năm 2008 nhập siêu 19 tỷ USD (bằng 29,7% tổng kim ngạch xuất nhập khẩu). Tốc độ tăng tổng mức bán lẻ 30,7%; vốn FDI cấp mới và tăng thêm 59,3 tỷ USD, vốn FDI thực hiện 9,1 tỷ USD; chỉ số giá tiêu dùng (so với tháng 12 năm 2007) tăng 21,6%; giải quyết việc làm cho 1,36 triệu lượt người. Về nợ xấu, đại diện Ngân hàng Nhà nước cho biết: hoàn toàn có thể yên tâm về mức độ nợ xấu của các ngân hàng thương mại, hiện nay chỉ chiếm trung bình gần 3% tổng dư nợ.
Căn cứ vào tình hình hiện nay và triển vọng 2 tháng cuối năm, theo đánh giá thì tốc độ GDP năm nay có thể đạt khoảng 6,7%, kim ngạch xuất khẩu đạt 64 tỷ USD (giảm 1 tỷ USD so với báo cáo trình Quốc hội) và kim ngạch nhập khẩu khoảng 83 tỷ USD (giảm 1 tỷ USD) và tốc độ giá tiêu dùng tăng khoảng 22%. Mục tiêu năm 2009, GDP có thể đạt 6,5%, kim ngạch xuất khẩu đạt 70 tỷ USD (tức là tăng so với dự báo năm nay khoảng 6 tỷ USD).
Liên quan đến giá xăng dầu trong nước liên tục giảm trong thời gian vừa qua, Thứ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Cẩm Tú cho biết, điều chỉnh mức giá xăng dầu phải theo hai nguyên tắc lớn là nhằm kiềm chế lạm phát và đảm bảo an sinh xã hội.
Chính phủ luôn ưu tiên giảm giá để đảm bảo an sinh xã hội cho nhân dân. Người tiêu dùng có thể thấy, khi giá dầu thế giới tăng Chính phủ chưa áp dụng ngay biện pháp tăng giá mà lui lại một thời gian, nhưng ngay sau khi giá dầu thế giới giảm, Chính phủ đã thực hiện ngay việc giảm giá xăng dầu. Như vậy, chỉ nhìn về mặt thời gian thực hiện tăng, giảm giá xăng, dầu, người dân thấy rõ là luôn được lợi từ những chính sách và biện pháp trên.
Kinh tế thế giới năm 2009 có thể tác động đến xuất khẩu, chứng khoán
Nhận đinh về tình hình kinh tế thế giới, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng cho rằng, năm 2009 sẽ suy giảm nhiều hơn năm 2008, hiện một số nước đã bước vào suy thoái, tốc độ tăng trưởng kinh tế thấp hơn năm 2008... sẽ tác động đến nền kinh tế nước ta. Sự tác động này trước hết là xuất khẩu do sức mua giảm, ngoài ra sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến du lịch, thị trường chứng khoán... Trên cơ sở đó, Thủ tướng chỉ đạo: tiếp tục kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, chủ động ngăn ngừa suy giảm kinh tế, duy trì tăng trưởng hợp lý, bền vững, bảo đảm an sinh xã hội. Cụ thể,năm 2009 phải phấn đấu quyết liệt để đạt tốc độ tăng trưởng khoảng 6- 6,5%, nếu thuận lợi thì đạt mức cao hơn 6,5%; xuất khẩu cố gắng đảm bảo tăng khoảng 10% và phấn đấu 12%. Tiếp tục thực hiện 8 nhóm giải pháp đã ban hành, trong đó chú trọng Chính sách tiền tệ phải linh hoạt để đảm bảo mục tiêu vừa kiềm chế lạm phát, vừa duy trì tăng trưởng. Các ngân hàng thương mại chủ động giảm lãi suất cho vay; chính sách tỷ giá, thuế phải linh hoạt để kích thích sản xuất, xuất khẩu. Đồng thời, các Bộ, ngành, địa phương, doanh nghiệp cũng cần chủ động mở rộng các thị trường nước ngoài, kích thích sức mua trong nhân dân, đẩy mạnh đầu tư xây dựng cơ bản, giữ vững tiến độ các công trình trọng điểm. Năm 2009, giá điện, giá than sẽ điều hành theo nguyên tắc của kinh tế thị trường.