Các cổ phiếu blue-chip vẫn giữ được tốc độ tăng trưởng tương đối khả quan, nhưng đa số các công ty tầm trung và nhỏ gặp khó khăn với lợi nhuận đạt 50% chỉ tiêu kế hoạch. Các công ty chứng khoán và những doanh nghiệp có đầu tư tài chính đang chật vật để giữ lợi nhuận dương.
Lợi nhuận blue-chip
Với lợi nhuận sau thuế chín tháng đầu năm 1.023 tỉ đồng, Công ty Sữa Việt Nam (VNM) chỉ cần đạt 101 tỉ đồng nữa trong ba tháng tới là hoàn thành mục tiêu lợi nhuận năm (1.124 tỉ đồng). Công ty Khoan và Dịch vụ khoan dầu khí đã có một bước tiến đáng kể khi lợi nhuận sau thuế lũy kế đến hết quí 3 là 751 tỉ đồng, vượt chỉ tiêu năm là 700 tỉ đồng. Với Hòa Phát (HPG) lợi nhuận chín tháng đã bằng 135% kế hoạch năm (1.082 tỉ đồng).
Các cổ phiếu có mức vốn hóa lớn trên thị trường hầu hết đều khiến cổ đông hài lòng, như Thủy điện Vĩnh Sơn - Sông Hinh VSH (lợi nhuận sau thuế 276 tỉ đồng, bằng 98% kế hoạch năm); Cao su Tây Ninh TRC (145,7 tỉ đồng, 98%); CII (113,5 tỉ đồng, 81%); Vận tải dầu khí Vinashin VSP (353 tỉ đồng, gấp ba lần chỉ tiêu lợi nhuận năm); Ngân hàng Á Châu ACB (lợi nhuận trước thuế 1.389 tỉ đồng, 70%). Đạm Phú Mỹ, Nhiệt điện Phả Lại, FPT… cũng đang tiến rất gần đến đích lợi nhuận năm.
Công ty chứng khoán: thử thách trụ vững
Khối công ty chứng khoán đang là những doanh nghiệp khó khăn nhất hiện nay. Trừ SSI (Chứng khoán Sài Gòn) đạt 47% chỉ tiêu lợi nhuận năm (233,5 tỉ đồng), phần lớn các công ty khác lợi nhuận âm hoặc chỉ đủ duy trì chi phí hoạt động.
BVS (Chứng khoán Bảo Việt) chín tháng lỗ 300 tỉ đồng, Chứng khoán Hải Phòng âm 89 tỉ đồng, KLS (Chứng khoán Kim Long) lời hơn 3 tỉ đồng.
Những công ty chứng khoán ngoài sàn hầu hết chưa công bố kết quả kinh doanh quí 3-2008, (trừ ACBS công bố lãi 42 tỉ đồng). Với những công ty bị lỗ, hoạt động tự doanh là nguyên nhân chính dẫn đến các khoản lợi nhuận âm. Nếu VN-Index tiếp tục giảm thì khả năng một số công ty chứng khoán phá sản là điều có thể nhìn thấy trước.
Vượt lên và tụt xuống
Các cổ phiếu ngành nhựa đã có ba quí làm ăn tương đối thành công, nhất là những công ty tập trung vào hoạt động sản xuất chính. Nhựa Tiền Phong (NTP) có mức tăng trưởng lợi nhuận đáng ghi nhận với kết quả chín tháng hơn 140 tỉ đồng (vốn điều lệ 217 tỉ đồng). Lợi nhuận sau thuế của Nhựa Tân Tiến (TTP) quí 3 bằng cả sáu tháng đầu năm, nâng mức chín tháng lên 39,6 tỉ đồng (vốn điều lệ gần 150 tỉ đồng). Các cổ phiếu cao su như Đồng Phú (DPR), Hòa Bình (HRC) giữ được tốc độ tăng trưởng của năm ngoái. Tuy nhiên giới đầu tư đang lo ngại nếu giá cao su quốc tế không tăng trở lại, việc xuất khẩu của những công ty này sẽ gặp trở ngại.
Lợi nhuận ngành dược đáp ứng được mong đợi của cổ đông. Hết tháng 9-2008 Dược Domesco Đồng Tháp (DMC) đạt lợi nhuận 51,2 tỉ đồng (vốn điều lệ 137,7 tỉ đồng). 38,3 tỉ đồng là lợi nhuận của Dược Pharimexco (DCL, vốn 81 tỉ đồng). Lợi nhuận của Imexpharm (IMP) là 47,6 tỉ đồng. Hiện chỉ số P/E của cổ phiếu dược nhìn chung đã giảm nhiều so với năm ngoái, nhưng vẫn còn ở mức 10-14 lần, tương đối cao so với các lĩnh vực khác.
Cổ phiếu thủy sản đang trên đà giảm giá mạnh một phần do lợi nhuận sau thuế của các công ty xuất khẩu thủy sản còn khoảng cách khá xa so với kế hoạch. Nam Việt (ANV) chỉ đạt lợi nhuận 237,2 tỉ đồng (vốn 660 tỉ đồng), thấp hơn cùng kỳ năm ngoái; Cửu Long An Giang (ACL) đạt 58 tỉ đồng (vốn 90 tỉ đồng); Vĩnh Hoàn (VHC) đạt 70 tỉ đồng (vốn 300 tỉ đồng); Thủy sản Bến Tre (ABT) đạt 34,8 tỉ đồng (vốn 81 tỉ đồng)…
Các công ty bất động sản phải nỗ lực nhiều trong quí 4 nếu muốn hoàn thành chỉ tiêu lợi nhuận năm. Nhiều công ty chín tháng đầu năm lợi nhuận rất thấp như Phát triển đô thị và Khu công nghiệp Sông Đà (SJS); Nhà Từ Liêm (NTL); Xây dựng số 5 (SC5, lợi nhuận 28,4 tỉ đồng trên vốn điều lệ 103 tỉ đồng)… Hội đồng quản trị Công ty Nhà Thủ Đức vẫn cam kết lợi nhuận cả năm là 160 tỉ đồng, nhưng ba quí mới được 85,2 tỉ đồng (vốn 252,2 tỉ đồng). Trên sàn Hà Nội, Công ty Kinh Bắc (KBC) đạt lợi nhuận 462 tỉ đồng. Riêng Công ty Sonadezi Long Thành (SZL) có lợi nhuận khá hấp dẫn là 85,2 tỉ đồng (vốn 100 tỉ đồng).
Ba blue-chip “thâm niên” của sàn TPHCM là REE (Cơ điện lạnh), GMD (Gemadept), SAM (Cáp và vật liệu viễn thông Sacom) đều chưa công bố báo cáo tài chính quí 3. Song, với việc đổ quá nhiều tiền cho hoạt động đầu tư tài chính, giới đầu tư có thể dự đoán lợi nhuận của cả ba sẽ không cao.
Đáng chú ý lợi nhuận của một số công ty nhỏ trên cả hai sàn rất cao, vượt hoặc gần bằng vốn. Tuy nhiên thanh khoản của các cổ phiếu này thấp. Chúng phù hợp với các nhà đầu tư nhỏ lẻ. Có thể dẫn chứng: Cáp treo Tây Ninh (TCT - HOSE) có lợi nhuận chín tháng 20 tỉ đồng (vốn 16 tỉ đồng); Viglacera Đông Triều (DTC - HASTC) lợi nhuận 8,56 tỉ đồng (vốn 5 tỉ đồng, vừa tăng lên 10 tỉ đồng); Vang Đà Lạt (VDL - HASTC) lợi nhuận 6,9 tỉ đồng (vốn 12 tỉ đồng); Viglacera Từ Sơn (VTS - HASTC) lợi nhuận 9,7 tỉ đồng (vốn 13 tỉ đồng); Viglacera Hạ Long (HLY - HASTC) lợi nhuận 6 tỉ đồng (vốn 7,5 tỉ đồng)…