Đầu tư chứng khoán ở châu Á: Nhiều lý do để lạc quan

Thực tế chứng minh:

Theo báo cáo của ING, chỉ số lòng tin của nhà đầu tư đã giảm 7,4% trong quý đầu tiên, nhưng những nhà đầu tư được hỏi khẳng định họ vẫn lạc quan một cách thận trọng về tương lai gần của thị trường chứng khoán khu vực và tin rằng thời điểm tồi tệ nhất rồi cũng qua.

Đáng chú ý là nhiệt huyết của các nhà đầu tư ở những thị trường phát triển như Nhật Bản, Hong Kong và Singapore bị ảnh hưởng nặng nề nhất, trong khi các nhà đầu tư ở Trung Quốc và Ấn Độ vẫn rất nhiệt tình. Đặc biệt là trường hợp của Ấn Độ, bất chấp thực trạng là tỷ lệ lạm phát tăng mạnh lên 7,41% đang giáng một đòn nặng nề lên Chính phủ Ấn Độ và củng cố khả năng ngân hàng trung ương nước này sẽ phải tiếp tục tăng lãi suất, chỉ số nhiệt huyết của giới đầu tư Ấn vẫn không hề thay đổi trong cả sáu tháng trước. Không khí tại các sàn chứng khoán ở Malaysia và Đài Loan, nơi mà chiến thắng của tân Tổng thống Mã Anh Cửu khiến thị trường chứng khoán ở hòn đảo này đột ngột thăng hoa, cũng khá vui vẻ. "Rõ ràng là lòng tin vẫn tràn ngập ở châu Á, cho dù bầu không khí kinh tế khu vực không phải là thoáng đãng" - Mike Ferrer, Tổng giám đốc điều hàng khu vực Nam Á của ING nói.

Bài học Seoul:

Ngày 16/4, cổ phiếu Hàn Quốc đã tăng 0,9% sau nhiều ngày tăng liên tiếp, với việc các nhà đầu tư ngày càng thận trọng trước triển vọng kinh tế Mỹ. Chỉ số KOSPI đã kết thúc ở 1.758,56 điểm, sau những ngày phục sức gần 1,4% trước đó.

Trong lúc các chính khách trên thế giới chú ý dõi theo bước chân của tân Tổng thống Lee Myung-bak trên đất Mỹ, thì giới tài chính bắt đầu tìm kiếm một bí quyết mang tên "Bài học Seoul". Trong khi Hàn Quốc thừa nhận khó có thể đạt tốc độ tăng trưởng kinh tế 6% trong năm 2008 theo như mục tiêu mà Tổng thống Lee Myung-bak đưa ra do sự suy thoái của nền kinh tế toàn cầu và những yếu tố khác, thì bí quyết duy trì ổn định thị trường chứng khoán của Seoul, bất chấp những biến động trên thị trường Mỹ, quốc tế và khu vực, càng là điều gây tò mò.

Thống đốc Ngân hàng Trung ương Hàn Quốc (BoK) Lee Seong-tae cảnh báo về sự tăng trưởng chậm lại của nền kinh tế Hàn Quốc, cho rằng sự thắt chặt thị trường tài chính Mỹ sẽ kéo tốc độ tăng trưởng của Hàn Quốc xuống và "dội gáo nước lạnh" vào lĩnh vực tiêu dùng và đầu tư ở nước này. Nhưng chuyên gia kinh tế Lee Yoonsok của Viện Tài chính Hàn Quốc cho rằng Hàn Quốc vẫn là một trong những thị trường chứng khoán có tính thanh khoản cao trong số các nền kinh tế mới nổi, vì đây thường là nơi các nhà đầu tư nước ngoài nghĩ tới khi cần tiền mặt khẩn cấp. Các nhà đầu tư này bán cổ phiếu ở Hàn Quốc, đổi đồng won sang USD để mang về nước và việc này khi xảy ra dồn dập đã khiến đồng won giảm giá. Việc chỉ số Kospi đã tăng 32% trong năm ngoái đủ để các nhà đầu tư nước ngoài thu được số lợi nhuận cần thiết, vì thế họ không mấy băn khoăn khi “xả hàng” lúc cần tiền mặt.

Và lời định hướng

Phản ứng với tình trạng bất ổn trên thị trường chứng khoán, các nhà đầu tư đang thực thi cách tiếp cận "đợi để xem". Nhiều người "lò dò" đem tiền đầu tư cho những lĩnh vực rủi ro thấp hơn như tiền mặt, nhà đất hoặc vàng. Nhưng ING Investment Management khẳng định tỷ lệ 47% nhà đầu tư khu vực trong quý II tin rằng những ngày đen tối sẽ qua (trừ những nhà đầu tư của Nhật Bản), so với chỉ 32% số nhà đầu tư được hỏi tỏ ý tin tưởng kinh tế sẽ cải thiện trong quý I, là dấu hiệu tích hiệu tích cực đối với thị trường chứng khoán châu Á. ING Investment Management kết luận các nhà đầu tư hoàn toàn có cơ sở giữ vững tâm lý lạc quan bước vào sàn giao dịch chứng khoán./

Hà Khoa (Theo MW)

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây