NĐT không muốn chia cổ tức bằng CP.

Với diễn biến TTCK như hiện nay, khó lòng để UBCK NN mở rộng thêm biên độ. Ảnh: Cao Thăng
NH, CTCK vẫn tranh thủ xả hàng

Diễn biến sau 6 phiên giao dịch đã cho thấy những lo ngại trước đó đã trở thành hiện thực. Đó là những trở ngại từ những bất ổn vĩ mô của nền kinh tế, đặc biệt là những dự báo về lạm phát có thể sẽ tăng ở mức hai con số, dù từ đây đến tháng 6 giá cả có thể được kìm giữ song sau thời điểm này, không ai có thể đảm bảo đà lạm phát sẽ giảm xuống. Trong quý I, giá cả tăng cao đã khiến nhiều DN gặp khó khăn trong hoạt động sản xuất, kinh doanh. Những DN có hoạt động đầu tư tài chính, BĐS càng bị ảnh hưởng nặng nề, lợi nhuận giảm sút so với cùng kỳ.

Ngoài lạm phát, vấn đề mà nhiều NĐT lo sợ là việc giải chấp CK cầm cố từ các NHTM, CTCK. Lượng giải chấp được nhìn nhận là nguyên nhân quan trọng khiến thị trường liên tục sụt giảm trước khi biên độ được siết. Con số tổng dư nợ tính đến đầu năm 2008 ước khoảng 10.000 tỷ đồng, dù một phần trong số này đã được giải chấp vừa qua nhưng chưa có thống kê tương đối chính xác nào cho thấy lượng cầm cố còn lại bao nhiêu.

Thực tế, trong các phiên giao dịch kể từ khi biên độ được nới rộng đã cho thấy một lượng cung khổng lồ từ CK cầm cố đã sẵn sàng “tham chiến” mà đỉnh điểm là phiên giao dịch ngày 8-4, khi có trên 25 triệu CK được giao dịch. Lượng cung lớn đã khiến NĐT chùn tay khi đặt lệnh từ phía ngược lại. Theo nhận định của CTCK FPT, việc lượng cung đổ ra ào ạt đáp ứng bất kỳ lượng cầu nào ở hầu hết các mã đã dường như cho thấy dấu hiệu các NH, CTCK đang tiếp tục giải chấp CK cầm cố trong các hợp đồng trước đó.

NĐT lại bị áp lực

Trước đó, để giải quyết mối lo này, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo NHNN  yêu cầu các NHTM nhà nước và vận động các NHTM CP ngừng giải chấp, cho vay tái chiết khấu với lãi suất 9%. Tuy nhiên, tình hình có vẻ chỉ “êm” trong biên độ hẹp trước đó (thời điểm biên độ 1% và 2%). Còn nay, khi tính thanh khoản được khắc phục thì khó ai có thể kiểm soát được việc các tổ chức này có giải chấp hay không. Bởi trên thực tế, không có gì ràng buộc các lời cam kết của họ, bởi bản thân các NH, CTCK cũng phải tự cứu mình trước thay vì trông chờ vào người khác. Trên thực tế, các NH nhỏ đang trong tình trạng khá căng thẳng về vốn do đã cho vay hết công suất, trong đó có một khoản không nhỏ từ cho vay CK. Do vậy, để đảm bảo tính thanh khoản, các NH sẽ khó tránh việc “xả hàng”, nhất là trong trường hợp thị trường lại tiếp tục đi xuống. 

Một chuyên gia bình luận: Thị trường giảm không thể chỉ đổ lỗi hết cho việc các NH, CTCK giải chấp mà quan trọng là tâm lý của NĐT. Bởi mới tuần trước đó, khi biên độ vẫn ở mức 1% và 2%, NĐT chen nhau đặt lệnh trần để mua bằng được CK, nhưng rồi sau đó lại tranh bán ở mức giá sàn cùng một loại CP. Không thể có chuyện mọi giá trị mất đi chỉ sau một vài phiên. Tuy nhiên, theo nhiều NĐT trong vài phiên gần đây họ liên tục bị áp lực bởi những CP đang nắm giữ đều chia cổ tức bằng CP. Bởi khi thị trường đi xuống, không ai muốn nắm giữ những mã có chia cổ tức bằng CP. 

Theo một số chuyên gia CK, với tình hình diễn biến hiện nay, biên độ này nên được giữ thêm 1 tháng để chống sự suy giảm của thị trường, nhất là khi TTCK  đang diễn biến một cách “không bình thường”. Ông Bùi Đức Thịnh, Trưởng phòng Phân tích-Đầu tư của CTCK Quốc tế Hoàng Gia, cho rằng để thị trường phát triển thì cần có thời gian để giải quyết những vấn đề nội tại của nền kinh tế như lạm phát, giải chấp… và chỉ giãn biên độ khi thị trường có tín hiệu tốt hơn. Còn theo quan điểm của UBCKNN, với biên độ này, chỉ khi nào thị trường phát triển ổn định thì UBCKNN mới xem xét tiếp tục mở rộng biên độ.

Hằng Thanh

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây