![]() |
Một cửa hàng giao dịch ngoại tệ tấp nập ở phố Hà Trung, Hà Nội vào sáng 4.3.2008 - Ảnh: Trường Sơn |
Ngày 4.3, tại Hà Nội và TP.HCM, rất nhiều người dân đã đến các cửa hàng vàng bạc để bán USD lấy tiền đồng.
Theo ghi nhận của Thanh Niên, chiều 4.3, rất đông người dân đến bán USD tại Công ty TNHH tư nhân Quốc Trinh trên phố Hà Trung - điểm mua bán USD tiền mặt lớn nhất tại Hà Nội. Vào buổi sáng, lượng người đến bán USD còn đông hơn. Tỷ giá USD mua vào tại đây là 15.650 VND/USD, bán ra 15.750 VND/USD; trong khi đó, tỷ giá tương ứng cùng thời điểm tại Vietcombank là 15.922 VND/USD, 15.924 VND/USD. Lý giải về hiện tượng này, một nhân viên giao dịch của Công ty Quốc Trinh cho biết: những ngày gần đây, thông tin về nguy cơ suy thoái của nền kinh tế Mỹ, kéo theo dự báo đồng USD sẽ tiếp tục mất giá khiến nhiều người muốn bán USD để chuyển sang đầu tư vào lĩnh vực khác sinh lợi hơn. Tuy nhiên, hiện nay các ngân hàng trong nước đều đang khan hiếm tiền VND nên không thể thu mua USD với số lượng lớn (một số ngân hàng còn quy định chỉ đổi tối đa 300 USD cho một khách hàng), do đó khách hàng phải tìm đến thị trường bên ngoài để đổi.
Sáng 4.3, các ngân hàng quốc doanh như Ngân hàng Ngoại thương (Vietcombank), Ngân hàng Đầu tư và Phát triển (BIDV), Ngân hàng Công thương Việt Nam (Incombank) đồng loạt tăng lãi suất tiết kiệm lên gần 12%/năm đối với các kỳ hạn ngắn. Tại Incombank là 11%/năm đối với các kỳ hạn 1 tháng, 2 tháng và 3 tháng (lãi suất tương ứng trước đó là 8,64%/năm, 8,66%/năm, 9%/năm); tại Vietcombank là 10,08%/năm đối với kỳ hạn 6 tháng (trước đó là 9,12%/năm)... T.D |
Anh Tuấn, người vừa bán một lượng lớn USD tại đây cho biết, anh sẽ dùng số tiền này để mua vàng vì nếu tiếp tục giữ USD sẽ lỗ nặng. Còn chị Vân, nhân viên một công ty tư nhân, chuẩn bị bán 2.000 USD thì khẳng định sẽ chuyển sang gửi tiết kiệm tiền VND vì "gửi bằng USD lãi suất chưa bằng một nửa lãi suất tiền Việt, lại thêm USD đang giảm nên nếu gửi USD lúc này sẽ thiệt đơn, thiệt kép".
Ông Lý Xuân Hải - Tổng giám đốc Ngân hàng TMCP Á Châu (ACB) khẳng định nhu cầu bán USD cho ngân hàng hiện đang tăng cao, trong khi doanh nghiệp mua vào rất ít. Hiện bình quân mỗi ngày ACB mua vào khoảng 5 triệu USD, có ngày lên đến 10 triệu USD. Còn lượng USD bán ra chỉ vài chục ngàn. Đại diện Ngân hàng Xuất nhập khẩu Việt Nam (Eximbank) cũng cho hay, ngày 3.3, ngân hàng đã mua vào 2 - 3 triệu USD; ngày 4.3, lượng USD mua vào có giảm chút ít. Phó giám đốc một ngân hàng quốc doanh trên địa bàn TP.HCM cho biết một số ngân hàng đã ngưng mua USD vì không có đầu ra. Trước đây, ngân hàng thương mại mua USD rồi bán cho doanh nghiệp và Ngân hàng Nhà nước. Nhưng hiện nay, Ngân hàng Nhà nước không mua lại USD của các ngân hàng thương mại. Thêm vào đó, các ngân hàng phải cân bằng trạng thái ngoại hối hằng ngày là 30% trên vốn điều lệ. Nếu ngân hàng mua USD nhiều mà không bán được, khiến vượt trạng thái ngoại hối thì Ngân hàng Nhà nước sẽ phạt. Hiện nay, do đầu ra không có nên buộc các ngân hàng phải mua USD một cách cầm chừng. Chính vì vậy đã xuất hiện tình trạng ngân hàng ép giá khách hàng, mua USD thấp hơn giá đang niêm yết. Theo tổng giám đốc một ngân hàng cổ phần lớn tại TP.HCM, tỷ giá USD đang có xu hướng giảm hằng ngày nên những người có USD không muốn giữ. Một điểm khác biệt so với trước đây là giá USD trên thị trường tự do đang thấp hơn giá niêm yết tại các ngân hàng. Chẳng hạn ngày 4.3, Vietcombank niêm yết giá mua bán USD mặt là 15.922 đồng - 15.924 đồng. Ở ngoài thị trường tự do, TP.HCM giá mua bán là 15.740 đồng - 15.780 đồng, còn ở Hà Nội giá USD tự do mua bán chênh lệch nhau 100 đồng, giá mua là 15.650 đồng, giá bán 15.750 đồng.
Vì sao khó bán USD cho ngân hàng? Tổng giám đốc một ngân hàng cổ phần tiết lộ: "Ngân hàng phải mua bán theo giá thị trường. Mức giá niêm yết của chúng tôi tuân theo quy định về biên độ cho phép của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, mà mức giá này thường cao hơn giá thị trường nên ngân hàng mua sẽ bị lỗ". Theo tìm hiểu của Thanh Niên, các khách hàng (cả cá nhân lẫn doanh nghiệp) muốn bán USD cho ngân hàng sẽ chỉ được tỷ giá xấp xỉ so với tỷ giá ở thị trường tự do và còn tùy thuộc vào khối lượng USD bán. Một trong những cách được ngân hàng sử dụng để tỷ giá mua bán vẫn tuân theo đúng quy định của Ngân hàng Nhà nước là khách hàng sẽ chuyển đổi từ USD sang một đồng tiền khác (như euro chẳng hạn) rồi bán đồng tiền mới chuyển đổi đó để lấy tiền đồng. Hoàng Ly |
Tuy nhiên, trái ngược với tình hình lãi suất USD trên thế giới có xu hướng giảm, các ngân hàng trong nước lại có động thái tăng lãi suất huy động USD trong những ngày qua. Ngân hàng TMCP Phương Nam (Southern Bank) vừa tăng lãi suất tiết kiệm USD từ 0,2% - 1,7%/năm tại khu vực TP.HCM. Với sản phẩm "Tiết kiệm bội thu" của Ngân hàng TMCP Sài Gòn Thương tín (Sacombank), khách hàng gửi dưới 5.000 USD sẽ có mức lãi suất 5,7%/năm ở kỳ hạn 6 tháng; từ 50.000 USD trở lên lãi suất cao nhất ở kỳ hạn 6 tháng là 5,9%/năm. Cuối tuần qua, Ngân hàng TMCP Quốc tế (VIB Bank) quyết định tặng thêm lãi suất từ 0,05%/năm - 0,3%/năm đối với khách hàng gửi từ 6.000 USD hoặc 5.000 EUR trở lên. VIB Bank hiện đang áp dụng lãi suất huy động USD với mức lãi suất lũy tiến lên tới 5,8%/năm... Ông Lý Xuân Hải cho rằng, nhu cầu vay USD hiện nay cao do lãi suất cho vay USD thấp hơn tiền đồng, tỷ giá USD có xu hướng giảm. Trong khi đó, khách hàng lại có xu hướng bán USD hơn là gửi, nên ngân hàng không đủ USD cho vay buộc phải tăng lãi suất huy động USD.
Tự Do - Thanh Xuân