"Giải cứu" thị trường!

Màn hình chứng khoán một màu "đỏ rực" - Ảnh: Trường Sơn

Chiều 4.3, Hiệp hội Kinh doanh chứng khoán đã triệu tập các thành viên họp khẩn trước tình hình thị trường đang lao xuống dữ dội. Hiệp hội đã đề xuất 9 kiến nghị để các thành viên thảo luận: Đề nghị Bộ Tài chính tạm dừng phát hành trái phiếu Chính phủ; Tổng công ty quản lý vốn nhà nước tạm dừng việc thoái vốn (ngừng bán bớt phần vốn của Nhà nước đang sở hữu); nâng tỷ lệ nắm giữ của các công ty đại chúng chưa niêm yết lên 49% như đối với các công ty đăng ký lên sàn giao dịch; xúc tiến thu hút vốn đầu tư nước ngoài vào thị trường Việt Nam; các công ty chứng khoán tạm dừng việc bán tự doanh và nên có chiến lược mua vào đối với những cổ phiếu tốt; đề nghị các công ty chưa nên giải tỏa cầm cố trước hạn; Chính phủ nên công bố rõ ràng một số chính sách cho thị trường phát triển; Ủy ban Chứng khoán Nhà nước cho phép triển khai nhanh các nghiệp vụ ký quỹ, bán khống; tạm giảm tiến độ thành lập các công ty chứng khoán mới.

Phó chủ tịch HĐQT Công ty chứng khoán SeaBank, Lê Thị Mai Linh khiến cả hội trường vỗ tay tán đồng khi đề xuất: "Nên dùng biện pháp mạnh, tạm dừng giao dịch 1-2 phiên, đến khi nào Nhà nước công bố chính sách một cách rõ rệt". Về dài hạn, đại diện Công ty chứng khoán Rồng Việt đề nghị: Phải thành lập Quỹ bình ổn thị trường. Ông Nguyễn Thanh Kỳ, Tổng thư ký Hiệp hội Kinh doanh chứng khoán nêu quan điểm: "Trước khi cứu người, hãy cứu mình trước. Ngay ngày mai các công ty chứng khoán hãy tạm dừng "xả hàng". Lời kêu gọi của ông Kỳ được các công ty chứng khoán hưởng ứng và cùng cam kết: "Tạm dừng xả hàng".

Cũng chiều 4.3, hơn 30 nhà đầu tư thuộc Câu lạc bộ (CLB) Chứng khoán TP.HCM và bạn đã họp đưa ra các kiến nghị với cơ quan quản lý nhằm "cứu" thị trường. Theo ông Nguyễn Hải Thanh - Chủ nhiệm CLB, thị trường chứng khoán sắp xảy ra khủng hoảng thật sự vì nhiều nhà đầu tư đã cực kỳ lo lắng, nhất là thị trường liên tục giảm sàn và chỉ số VN-Index xuống khá thấp. Theo ông Thanh, các kiến nghị đã được tham khảo ý kiến từ các thành viên của CLB (khoảng 200 thành viên) và mong muốn được các cơ quan quản lý thực hiện. Đó là đề nghị các công ty niêm yết có vốn hóa lớn trên thị trường cùng cổ đông lớn mua lại cổ phiếu của công ty đồng thời cam kết không bán ra hoặc phát hành thêm cổ phiếu; dừng giao dịch trong một số ngày; giảm biên độ dao động giá tại sàn TP.HCM xuống còn 2,5% và tại sàn Hà Nội còn 5%; cho phép nhà đầu tư thực hiện mua bán một loại cổ phiếu trong cùng một phiên trên cùng một tài khoản, áp dụng phương thức thanh toán T+1; thành lập tổ công tác đặc biệt để chấn chỉnh thị trường chứng khoán...

Ý kiến chuyên gia:

* "Nếu nhìn vào nền kinh tế nước ta thì thấy đầu tư nước ngoài vẫn lớn, các dự án đầu tư nước ngoài có hiệu quả cao, tỷ lệ tăng trưởng kinh tế vẫn ở mức cao..., do đó không có lý do gì mà chứng khoán lại xuống đến mức như vậy. Vào thời điểm hiện tại, có lẽ Chính phủ cần cân nhắc một số biện pháp hỗ trợ thị trường như thành lập quỹ để can thiệp vào thị trường qua Tổng công ty quản lý vốn nhà nước; mở room cho nhà đầu tư nước ngoài... Vấn đề ở đây là làm sao để tăng lòng tin cho nhà đầu tư, nhằm giúp cổ phiếu phản ánh đúng giá trị thực của nó. Tôi cho rằng, giá của hầu hết các cổ phiếu hiện nay đang thấp hơn giá trị thực, đây là thời điểm tốt nhất để mua vào".

Ông Kiều Hữu Dũng, Chủ tịch HĐQT Công ty chứng khoán ACB

* "Vào thời điểm hiện tại, thị trường chứng khoán rất cần sự trấn an từ phía Chính phủ bởi nếu không có điều đó, nhà đầu tư sẽ không nhìn thấy cái "đáy" của VN-Index. Tôi cũng xin lưu ý là việc tuột dốc không phanh VN-Index sẽ kéo theo nhiều hậu quả nghiêm trọng khác như các công ty không thể huy động được vốn, tiến trình IPO các doanh nghiệp lớn của Nhà nước sẽ cực kỳ khó khăn, luồng vốn nước ngoài vào Việt Nam sẽ tụt giảm... Nếu Chính phủ không có biện pháp tức thời thì tình hình có thể diễn biến rất xấu".

Ông Lê Đình Ngọc, Tổng giám đốc Công ty chứng khoán Thăng Long

Hoàng Ly - K.T.L (ghi)

Xuân Toàn - Mai Phương

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây