Doanh nghiệp FDI “tố khổ”

Năm 2008, khu vực FDI đạt 34,5 tỷ USD kim ngạch xuất khẩu.

Những lo ngại về thị trường bị thu hẹp rất ít được DN đề cập tới, trong khi thủ tục hải quan, những vấn đề "biết rồi" nhưng vẫn phải "nói mãi".

Thống kê của Bộ Công Thương cho thấy, chỉ tính riêng 2 tháng đầu năm, kim ngạch xuất khẩu của các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) đã giảm 8,8% so với cùng kỳ năm 2008, chỉ đạt 2,97 tỷ USD. Bộ này nhận định, với tình hình trên, nếu không có những giải pháp tích cực và hữu hiệu thì năm 2009, mức độ sụt giảm kim ngạch xuất khẩu của khối luôn được coi là "đầu tàu" trong việc tạo giá trị xuất khẩu có thể lên tới 10 -15% và chỉ đạt khoảng 10 - 20 tỷ USD, trong khi mục tiêu xuất khẩu của cả nước năm 2009 là 71 - 72 tỷ USD. Năm 2008, khu vực FDI đạt 34,5 tỷ USD kim ngạch xuất khẩu, chiếm tới 55% tổng kim ngạch xuất khẩu cả nước (không kể dầu thô).

Chính vì những lý do này mà chỉ trong vòng 1 tháng, Bộ Công Thương đã tổ chức liên tiếp hai hội nghị gặp gỡ các doanh nghiệp FDI cả trong Nam và ngoài Bắc để tìm cách tháo gỡ khó khăn. Tuy nhiên, ghi nhận ý kiến tại hội nghị cho thấy, dường như sức ép của cuộc khủng hoảng kinh tế không khiến các doanh nghiệp FDI đau đầu bằng vướng mắc từ cơ chế, chính sách. Những lo ngại về thị trường bị thu hẹp rất ít được doanh nghiệp đề cập tới, trong khi thủ tục hải quan, những vấn đề "biết rồi" nhưng các doanh nghiệp vẫn phải "nói mãi".

Đại diện Công ty TNHH Shinsung Việt Nam cho biết, theo quy định trước đây của hải quan, Công ty được phép làm thủ tục hải quan tại chi cục hải quan quản lý hàng đầu tư tại TP. HCM. Việc làm này giúp Công ty giải quyết nhanh chóng trong việc giao nhận hàng hóa xuất nhập khẩu cũng như nộp chứng từ cho các công ty giao nhận vận tải biển theo chỉ định của khách hàng vì các cảng, kho giao nhận, văn phòng các công ty vận tải biển đều đóng tại TP. HCM. Tuy nhiên, theo Thông tư 116/2008/TT-BTC của Bộ Tài chính thì nơi làm thủ tục hải quan của Công ty phải chuyển xuống Chi nhánh Hải quan Bến Lức, tỉnh Long An (vì Công ty đặt cơ sở sản xuất tại đây) - nơi cách xa trụ sở chính khoảng 60 km và cách xa các cảng kho hàng khoảng 90 km. Vì vậy, công ty này phải đi hai đoạn đường từ cảng Cát Lái đến Bến Lức để kiểm tra hàng hóa và mang về đối với hàng nhập và ngược lại cho hàng xuất tổng cộng khoảng 150 km… Đoạn đường phải đi và thời gian xuất nhập đã tăng gấp 2 - 3 lần, trong khi tình trạng giao thông hiện tại của Việt Nam và thời gian giao hàng doanh nghiệp không tự chủ được. Giao hàng trễ chỉ 5 phút là phải chịu phí giao hàng vận chuyển bằng đường hàng không. "Khi các cơ quan quản lý ban hành chính sách mới thì nên thay đổi tốt hơn, chứ không nên tạo thêm gánh nặng cho doanh nghiệp", đại diện Shinsung Việt Nam đề nghị.

Đại diện Công ty PouYuen Việt Nam cho biết, mặc dù hoan nghênh các bước cải tiến về thủ tục hành chính, đặc biệt là thủ tục khai báo hải quan, nhưng theo vị đại diện này, do các bước chuẩn bị cho việc áp dụng khai báo từ xa chưa tốt nên đường truyền thông tin hay nghẽn mạng, thậm chí ngay cả mạng nội bộ của hải quan cũng có lúc bị treo từ sáng đến chiều, khiến toàn bộ tờ khai hải quan của doanh nghiệp bị ách tắc lại, thông quan hàng hóa cũng bị vạ lây.

Đại diện công ty này cũng lo ngại, để phục vụ cho việc luân chuyển hàng hóa xuất nhập khẩu, Công ty rất cần sự hỗ trợ của các doanh nghiệp vận chuyển hàng bằng container; tuy nhiên, đến tháng 7/2009 các tài xế lái loại xe này phải có bằng xe dấu FC mà đến nay vẫn chưa có một trung tâm đào tạo về loại bằng lái này, nên có thể thời điểm đó toàn bộ hàng hóa xuất nhập khẩu của Công ty sẽ bị ách tắc do không có người chuyên chở.

Theo bà Lê Thị Bé Tuyết, Trưởng phòng xuất nhập khẩu Công ty Yazaki EDS Vietnam (Bình Dương), Công ty hoạt động trong ngành sản xuất phụ kiện xe ôtô nên cần đặt hàng theo yêu cầu một số máy móc chuyên dùng. Nhưng khi nhập hàng về, ngành hải quan yêu cầu phải khai chi tiết, tuy nhiên ngay bản thân Công ty cũng không thể biết trong máy có bao nhiêu chi tiết và được thiết kế như thế nào để khai.

Theo ông Nguyễn Hữu Nguyên, Phó giám đốc Công ty liên doanh Nhựa Sunway Mario (TP. HCM), theo quy định của Luật Doanh nghiệp thì công ty có vốn đầu tư nước ngoài phải làm thủ tục đăng ký lại, hạn chót là tháng 7/2008, nếu không sẽ không được mở rộng đầu tư. Công ty có sơ sót là đã không làm thủ tục này nên khi tình hình kinh tế khó khăn, đơn hàng bị sụt giảm, Công ty muốn mở rộng hướng kinh doanh, đi đăng ký bổ sung ngành nghề, lĩnh vực thì không được chấp thuận.

Đại diện Bộ Kế hoạch và Đầu tư trả lời, dù quy định này cản trở sự phát triển của doanh nghiệp nhưng đây là luật nên chỉ Quốc hội mới có quyền sửa đổi. Hiện Bộ đang xây dựng dự luật, trong đó điều chỉnh một số quy định về đầu tư và xây dựng cơ bản, đã báo cáo với Chính phủ.

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây