Thị trường của tâm lý

Yếu tố tâm lý có thể làm thay đổi các dự báo phân tích về thị trường.

Khi VN-Index giảm xuống 300 điểm, rồi 235,5 điểm (ngày 24/2), các chuyên gia khuyến cáo rằng, sự sụt giảm quá đà là do tâm lý lo sợ thái quá của thị trường, nhất là những NĐT nhỏ lẻ. Còn khi VN-Index lên 320 điểm (phiên 7/4, VN-Index đạt 322,3 điểm) từ cái mốc giảm quá đà đó, nhiều người lại khuyến cáo thị trường đang tăng nóng. Có điều gì mẫu thuẫn ở đây không?

Bước sang tháng 4, thị trường vẫn trong đà tăng điểm của cuối tháng 3, thậm chí tăng mạnh hơn trong những ngày đầu tháng (từ 1 - 7/4). Kỷ lục về khối lượng giao dịch liên tục được lập. Trên sàn TP. HCM, ngày 7/4 có 49,1 triệu đơn vị được giao dịch, ngày 8/4 VN-Index giảm điểm nhưng có 55,2 triệu đơn vị được giao dịch, tăng gấp 6 lần so với mức trung bình trong tháng 1, tháng 2 và những ngày đầu tháng 3 (so với mức trung bình trong tháng 3 thì tăng 3 lần). Dường như nhiều NĐT không quan tâm đến con số kỷ lục này như một chỉ báo về giới hạn tăng điểm của thị trường. Họ cho rằng, khi thị trường đã giảm sâu thì việc phục hồi nhanh trở lại cũng là bình thường.

Một NĐT trên sàn chứng khoán Bảo Việt còn tâm sự: không ít cổ phiếu đang được giao dịch xấp xỉ mệnh giá, trong khi công ty vẫn làm ăn có lãi với tỷ lệ cổ tức cam kết trong năm nay không dưới 10%. Nếu thị trường không tăng điểm thì đầu tư dài hạn vào những cổ phiếu này có thể hưởng cổ tức hàng năm cao hơn lãi suất tiền gửi ngân hàng. "Sợ gì mà không mua", NĐT này nói.

Thực tế, chiến thuật đầu tư vào cổ phiếu có thị giá thấp đang được nhiều NĐT áp dụng, nên trong hai phiên giao dịch giữa tuần, khi VN-Index quay đầu giảm điểm và dập dềnh lên xuống thì giá nhiều cổ phiếu loại này vẫn tăng, trong khi không ít mã cổ phiếu lớn quay đầu sụt giảm.

Tất nhiên, những cổ phiếu lớn, nhất là những cổ phiếu có hệ số beta lớn, tức có khả năng tăng cao hơn mức tăng của thị trường, như SSI, REE, SAM… vẫn tăng giá và dư mua lớn. Đặc biệt là SSI, một cổ phiếu mà ai cũng muốn sở hữu khi thị trường trong xu thế tăng luôn có dư mua lớn, kể cả khi VN-Index giảm điểm trong 2 ngày qua.

Những tín hiệu trên cho thấy, tâm lý lo sợ về đoạn kết của đợt tăng nóng của nhiều NĐT đã lắng xuống. Dù sao, vẫn còn một chút lo ngại mua đúng đỉnh của thị trường trước những phiên điều chỉnh giảm, nhưng nhiều NĐT đã chấp nhận rủi ro, thà mua ở đỉnh thấp còn hơn mua ở đỉnh cao trên biểu đồ tăng giá của cổ phiếu.

Vì thế, xét từ góc độ tâm lý của thị trường thì không có gì vô lý khi VN-Index xuống 235 điểm, nhưng cũng không phải là bất hợp lý khi chỉ số này lên 320 điểm. Yếu tố tâm lý có thể làm thay đổi các dự báo phân tích về thị trường.

Nhưng kết quả lớn nhất trong đợt hồi phục này của thị trường không phải là mức điểm đạt được của VN-Index hay kỷ lục về khối lượng giao dịch, mà là lòng tin của NĐT với thị trường đã quay trở lại. Tài khoản chứng khoán mới và tiền đổ vào tài khoản đang tăng lên. Không nên gọi đó là lòng tham, mà hãy gọi đó là lòng tin. Bởi vì lòng tham thì có yếu tố nhẹ dạ của NĐT ở đó. Còn để có niềm tin của NĐT thì cần phải có những điều kiện nhất định. Tuy các điều kiện đó chưa đủ chín muồi, nhưng đã bắt đầu thuyết phục được NĐT. Đó là lý do khiến nhiều chuyên gia cũng bất ngờ khi chứng kiến TTCK tăng điểm trong đợt này .

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây